Chiến thắng Điện Biên Phủ: Bài học cho thế hệ trẻ về khát vọng, hoài bão lớn

Theo các diễn giả, chiến thắng Điện Biên Phủ là nguồn tài nguyên vô giá để giáo dục truyền thống, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho học sinh, sinh viên.

Ngày 3-5, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM phối hợp với Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh - ĐHQG TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và bài học cho công tác Giáo dục quốc phòng và an ninh hiện nay”.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ; 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

 Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Xây dựng thế hệ trẻ tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn

Chia sẻ tại hội thảo, Thiếu tướng Trần Ngọc Thanh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng và An ninh (QPAN), nhìn nhận chiến thắng Điện Biên Phủ là bài học về bản lĩnh trí tuệ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, khẳng định sự đúng đắn của đường lối chính trị, quân sự của Đảng, Bác Hồ và sự mưu trí, sáng tạo, tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

“Bài học lớn nhất mà chiến thắng Điện Biên Phủ để lại là lòng yêu nước, sự đoàn kết toàn dân tộc, sự đoàn kết của quân và dân ta. Bài học này cần được truyền lại cho thế hệ trẻ, đặc biệt là các học sinh, sinh viên trong các nội dung giáo dục về QPAN” - ông Thanh khẳng định.

 Thiếu tướng Trần Ngọc Thanh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng và An ninh, nêu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Thiếu tướng Trần Ngọc Thanh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng và An ninh, nêu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Ông Thanh cũng kỳ vọng thông qua hội thảo, các em học sinh, sinh viên sẽ biết thêm về chiến thắng Điện Biên Phủ, giúp khơi dậy ở thế hệ trẻ Việt Nam khát vọng được cống hiến, xả thân vì đất nước. Đồng thời, xây dựng nên những thế hệ tương lai tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn, cùng xây dựng đất nước phồn vinh.

Trung tá, Th.S Nguyễn Ngọc Giáp cho rằng chiến thắng Điện Biên Phủ là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, là nguồn tài nguyên vô giá để giáo dục truyền thống, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho học sinh, sinh viên. Do đó, cần khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này để giáo dục thế hệ trẻ, đặc biệt là trong môn giáo dục QPAN.

Ông Nguyễn Tiến Quang, giảng viên trường Đại học Nha Trang, cho hay việc đưa những giá trị lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ vào giảng dạy QPAN tại trường Đại học Nha Trang đang đạt kết quả tốt.

 Các diễn giả tham quan không gian trưng bày về chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Các diễn giả tham quan không gian trưng bày về chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Cụ thể, qua khảo sát 18 cán bộ, giảng viên và 312 sinh viên trường Đại học Nha Trang, cho thấy có 38,9% đến 55,5% cán bộ, giảng viên đánh giá “Tốt” hoặc “Rất tốt” về việc sử dụng lý thuyết giáo dục dựa vào bối cảnh và liên hệ giá trị lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ vào dạy học môn giáo dục QPAN; con số này ở sinh viên 28,5% và 68,3%.

“Việc này giúp sinh viên dễ hiểu hơn, ở một số tiết học sinh viên cũng được đóng vai vào các tình huống cụ thể để tìm hiểu về chiến thắng Điện Biên Phủ, vừa học lý luận vừa được trang bị thêm kiến thức về thực tiễn”- ông Quang đánh giá.

Sử dụng giá trị lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ vào giáo dục

Đề xuất một số giải pháp sử dụng giá trị lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ vào dạy học môn giáo dục QPAN, ông Quang gợi ý cần nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đổi mới về biên soạn bài giảng, hoạt động kiểm tra. Đồng thời cần kết hợp chặt chẽ việc sử dụng lý thuyết giáo dục dựa vào bối cảnh với các phương tiện trực quan; tổ chức đa dạng hoạt động bổ trợ, ngoại khóa.

Còn Trung tá, Th.S Nguyễn Ngọc Giáp đề xuất một số giải pháp để đưa giá trị lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ vào dạy học môn giáo dục QPAN.

 Các sinh viên tham quan không gian trưng bày về chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Các sinh viên tham quan không gian trưng bày về chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Cụ thể, cần xây dựng cơ sở dữ liệu một cách có hệ thống, đổi mới phương pháp giáo dục; rèn luyện tư duy phản biện cho học sinh, sinh viên; lồng ghép giáo dục truyền thống vào bài học tăng cường ngoại khóa, trải nghiệm; giảng dạy kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

Hội thảo cũng nhận gần 200 bài viết tham luận của các nhà khoa học, tác giả đang công tác, học tập tại 39 đơn vị, địa phương trong cả nước. Các diễn giả tại hội thảo đã đề xuất một số nội dung, phương pháp, tăng cường hoạt động trải nghiệm, nâng cao chất lượng giảng dạy môn Lịch sử và môn Giáo dục QPAN cho học sinh, sinh viên hướng đến mục tiêu nâng cao công tác giáo dục QPAN đáp ứng nhu cầu hiện tại.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một mốc son, bước ngoặt của lịch sử dân tộc Việt Nam trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, buộc Pháp phải ký Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang của thời đại Hồ Chí Minh, là niềm tự hào của các thế hệ người Việt Nam và của cộng đồng quốc tế đấu tranh vì độc lập, tự do, vì “bình đẳng, bác ái” và là sự kiện lịch sử quan trọng trong tiến trình phát triển của nhân loại.

BẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/chien-thang-dien-bien-phu-bai-hoc-cho-the-he-tre-ve-khat-vong-hoai-bao-lon-post788713.html