Chiến thắng Giá Vực: Bước ngoặt lịch sử oai hùng
Cách đây tròn 45 năm (20.9.1974 - 20.9.2019), đồng bào các dân tộc ở các huyện Ba Tơ, Sơn Hà, Minh Long cùng với lực lượng vũ trang đã vùng lên tấn công Chi khu Giá Vực, giải phóng hoàn toàn huyện Sông Re (nay là huyện Ba Tơ). Sau ngày giải phóng, đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Ba Vì (Ba Tơ) - nơi diễn ra chiến thắng Giá Vực oai hùng đã đoàn kết một lòng, quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp.
Con đường về trung tâm cụm xã Ba Vì (Ba Tơ) trong những ngày này rợp bóng cờ đỏ sao vàng. Người dân trong xã vô cùng phấn khởi, nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày Chiến thắng Giá Vực - mở ra bước ngoặt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của đồng bào nơi đây.
Vang vọng niềm tự hào
Trong chiến tranh, cụm cứ điểm Giá Vực nằm giữa thung lũng xã Ba Vì, huyện Sông Re, phía tây giáp với huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum. Đây không chỉ là vị trí án ngữ trên đường 5 (từ Kon Tum đi Quảng Ngãi) được quân Mỹ đặt căn cứ biệt kích chỉ điểm tiến công “tìm diệt” lực lượng chủ lực của ta (trong chiến tranh cục bộ), mà còn được quân đội Sài Gòn mở rộng xây dựng kiên cố (trong Việt Nam hóa chiến tranh) để liên kết bảo vệ phía tây Quảng Ngãi.
Ngày 6.9.1974, Bộ Chỉ huy C22 đã họp bàn quyết tâm tiến công Chi khu quân sự Giá Vực. Các đơn vị đã huy động lực lượng bộ binh, đặc công, đại đội pháo các loại, đại đội cối, đại đội xe tăng, đoàn công binh, trinh sát, bộ phận hậu cần khu 5, bộ đội địa phương và huyện Sông Re, một số dân quân du kích tiến công cụm cứ điểm Giá Vực. Đúng 6 giờ ngày 19.9.1974, các lực lượng của ta đã bắn phá mục tiêu và các chốt điểm bao quanh trung tâm căn cứ Giá Vực.
Với những thành tích đạt được trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng bộ, quân và nhân dân xã Ba Vì vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng nhiều phần thưởng cao quý. Năm 2010, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Ba Vì vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.
Ngày 20.9.1974, Tiểu đoàn 8 và Tiểu đoàn 406 có xe tăng dẫn dắt từ hai hướng ào ạt đánh chiếm toàn bộ khu trung tâm Giá Vực. Đến 12 giờ 30 phút cùng ngày, địch sợ hãi ra hàng.
Trong trận đánh Giá Vực, quân ta đã bắt sống và xóa sổ tiểu đoàn 70 biệt động biên phòng, loại khỏi vòng chiến đấu 536 tên địch, thu 324 súng các loại và nhiều đạn dược quân dụng, giải phóng hoàn toàn khu vực Sông Re, tạo thế liên hoàn cho vùng giải phóng từ đồng bằng đến miền Tây tỉnh Quảng Ngãi, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đổi thay trên quê hương anh hùng
Bí thư Đảng ủy xã Ba Vì (Ba Tơ) Lê Hữu Trinh cho biết: Sau ngày giải phóng, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn; trình độ dân trí thấp, giao thông cách trở; hậu quả chiến tranh để lại nặng nề... Để phát triển kinh tế ở khu vực này, huyện Ba Tơ đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới.
Bây giờ, trên vùng cao xã Ba Vì đã phủ một màu xanh ngút ngàn của cây keo lai, mía, đậu, bắp... Trung tâm xã có Quốc lộ 24 chạy qua, trở thành cửa ngõ và là trung tâm mua bán ở phía tây huyện Ba Tơ, nối với các tỉnh Tây Nguyên. Nhờ đó, xã Ba Vì có điều kiện phát triển toàn diện, đời sống của người dân được nâng cao.
Ông Phạm Văn Xanh có nhà gần trung tâm xã cho hay: Đường đi lại đã thông suốt, nên người dân trong vùng có điều kiện buôn bán các mặt hàng nông, lâm sản... Trung tâm xã có nhiều hàng quán, cửa hàng kinh doanh các thiết bị điện lạnh, gia dụng phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn xã ước đạt hơn 44 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người ước đạt hơn 10 triệu đồng/người/năm. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt hơn 1.200 tấn; sản lượng lương thực bình quân đầu người đạt hơn 253 kg/người/năm. Số hộ nghèo giảm còn 205 hộ, chiếm 15,7% số hộ trên địa bàn.
Cuộc sống khấm khá, người dân có điều kiện chăm lo sức khỏe và việc học tập của con em. Trường, lớp trên địa bàn xã được đầu tư xây dựng khang trang, với đầy đủ trang thiết bị, đồ dùng dạy học. Toàn xã hiện có 4 bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông, với 1.564 học sinh. Học sinh mầm non đều ra lớp đúng độ tuổi.