Chiến thắng nhờ… dựa vào dân
Cuối năm 1951, Đại đoàn 320 (đơn vị tiền thân của Sư đoàn 390, Quân đoàn 1 ngày nay) được lệnh chuyển quân về hoạt động sâu trong vùng địch hậu phía nam tỉnh Nam Định và tả ngạn sông Hồng. Sau khi ổn định vị trí, đại đoàn giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 48 tiến công vào thị trấn Phát Diệm (tỉnh Ninh Bình). Đây là vùng nằm sâu trong vùng địch nên việc tiếp cận, tranh thủ sự giúp đỡ của nhân dân rất khó khăn.
Sau khi nhận nhiệm vụ, đơn vị đã tổ chức quán triệt tình hình, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận, đồng thời, thành lập các tổ công tác đặc biệt thâm nhập địa bàn làm công tác vận động quần chúng. Các tổ công tác ngày đêm bám địa bàn vừa kiên trì tuyên truyền, vận động đồng bào giáo dân tin tưởng vào đường lối kháng chiến của Đảng, vừa vạch trần âm mưu thủ đoạn xuyên tạc của địch. Quá trình tiếp xúc với nhân dân, cán bộ, chiến sĩ duy trì tốt kỷ luật dân vận, nhờ đó, đồng bào càng thêm hiểu, tin yêu bộ đội và tận tình giúp đỡ.
3 giờ ngày 25-12-1951, Trung đoàn 48 bắt đầu nổ súng tiến công địch ở Phát Diệm. Đang lúc mũi xung kích của ta ào ào vượt chướng ngại vật tiến vào tung thâm thì chiếc cầu thang bắc qua hào sâu ở vị trí cửa mở bị đạn địch tiện gãy. Thấy vậy, người dân đã cho bộ đội ta mượn thang bắc lên tường để vượt qua. Ở mũi tiến công khác, tiểu đội xung kích đã bí mật tiến vào sở chỉ huy nhằm phá hủy nhà máy phát điện, làm tê liệt bộ máy đầu não của địch, nhưng do đêm tối đã bị lạc đường. Đúng lúc đó, có một người dân nhiệt tình chỉ dẫn nên tổ xung kích đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Khi mũi có hai chiến sĩ bị thương, một giáo dân bất chấp nguy hiểm, bí mật đưa họ về nhà để chăm sóc chu đáo…
Sau hơn 10 ngày chiến đấu liên tục, ngày 5-1-1952, Trung đoàn 48 làm chủ thị trấn Phát Diệm, tiêu diệt phần lớn sinh lực địch, bao vây và gọi hàng quân địch đóng ở các đồn bốt lân cận. Chiến thắng Phát Diệm đã gây tiếng vang lớn trong vùng địch tạm chiếm, nhanh chóng lan rộng khắp vùng Đồng bằng Bắc Bộ, tạo ảnh hưởng tích cực về chính trị trong đồng bào theo đạo Thiên chúa. Từ đó, quân Pháp suy sụp tinh thần, bọn tay sai ác ôn hoang mang lo sợ, không dám ngang nhiên đi càn quét, cướp bóc tài sản của nhân dân.
VĂN CHIỂN
(theo Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam)