Chiến thuật làm bài tốt nghiệp môn Hóa học đạt điểm cao

Để làm bài thi môn Hóa học có kết quả cao, thí sinh cần nắm vững lý thuyết, bản chất, liên hệ với các vấn đề thực tiễn, hiện tượng, giải thích...

 Học sinh cần học chắc lý thuyết và các dạng bài tập cơ bản. Ảnh: Duy Hiệu.

Học sinh cần học chắc lý thuyết và các dạng bài tập cơ bản. Ảnh: Duy Hiệu.

Cô Mai Hương, giáo viên môn Hóa học tại Hà Nội, chia sẻ với Tri thức trực tuyến về chiến thuật làm bài thi môn Hóa học, giúp các sĩ tử đạt điểm cao trong kỳ thi THPT.

Nắm chắc lý thuyết

Theo cô Hương, đặc thù môn Hóa học là cần nắm vững lý thuyết, bản chất mới có thể áp dụng trong các bài tập tính toán. Vì vậy, với các câu nhận biết, thông hiểu, học sinh cần học chắc lý thuyết, các dạng bài tập cơ bản, đặc biệt là các khái niệm, công thức, phương trình hóa học.

Ngoài ra, cô Hương cho rằng lý thuyết môn Hóa rất rộng và sâu, học sinh nên học hiểu bằng cách đi từ bản chất, các định luật hóa học cơ bản, liên hệ với các vấn đề thực tiễn, hiện tượng, giải thích.

Một số dạng câu hỏi nhận biết thông hiểu thường liên quan đến các khái niệm, tên gọi, cấu trúc, tính chất vật lý, tính chất hóa học, ứng dụng, điều chế…

Với những câu vận dụng, vận dụng cao, ngoài việc cần nắm chắc lý thuyết, cô Hương khuyên học sinh cần nắm vững các phương pháp giải, như bảo toàn khối lượng, bảo toàn nguyên tố, quy đổi... và vận dụng các phương pháp linh hoạt.

Đặc biệt, ở mỗi bài vận dụng cao, thí sinh nên làm lại 2-3 lần. Điều này giúp học sinh hiểu sâu, từ đó xây dựng cho bản thân phản xạ tư duy tốt.

Chú trọng chất lượng hơn số lượng

Cô Hương cho biết trong giai đoạn luyện đề, sĩ tử cần chú trọng chất lượng luyện đề hơn là số lượng. Sau mỗi đề, thí sinh nên chú ý vào các lỗi sai mình đang mắc phải, thay vì chú trọng vào số câu đúng.

Cũng ở giai đoạn này, học sinh cần lên kế hoạch, thời gian biểu phù hợp cho các môn thi, số đề sẽ luyện trong ngày hay trong tuần. Thời gian luyện phải kỷ luật với những gì bản thân đề ra. Thí sinh cũng cần đánh giá phần kiến thức còn yếu để tập trung ôn lại, không nên ôn dàn trải toàn bộ.

 Khi ôn và thực hành làm đề thi thử, học sinh nên đi từ cơ bản đến nâng cao. Ảnh: Thành Đông.

Khi ôn và thực hành làm đề thi thử, học sinh nên đi từ cơ bản đến nâng cao. Ảnh: Thành Đông.

Ngoài ra, khi ôn tập và thực hành làm đề thi thử, học sinh nên đi từ cơ bản đến nâng cao, qua đó làm quen với dạng bài có trong các đề thi. Khi luyện đề, thí sinh cũng phải xác định tâm lý như đi thi, tập trung bấm giờ, phân bố thời gian hợp lý.

Với các lỗi sai, thí sinh cần tìm hiểu nguyên nhân do đọc nhầm đề, kiến thức chưa vững, hay do lỗi tính toán... từ đó ôn luyện lại kiến thức chưa vững và cẩn thận hơn trong lần luyện đề sau.

Ngoài ra, khi làm bài thi, học sinh nên ưu tiên những câu dễ làm trước, khó làm sau, tránh việc tập trung quá nhiều thời gian vào một câu, ảnh hưởng tới những câu khác. Với những câu lý thuyết có thể khoanh ngay, những câu tính toán cần đọc kỹ đề, tính cẩn thận.

Tùy theo mục tiêu, thí sinh nên phân bố thời gian làm các câu hợp lý và thời gian tô đáp án. Khi tô đáp án, các bạn cần cẩn thận tránh việc tô nhầm, tô sai, tô không theo quy định.

Lan Anh

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/chien-thuat-lam-bai-tot-nghiep-mon-hoa-hoc-dat-diem-cao-post1442139.html