'Chiến thuật' làm tốt bài thi môn Sinh học từ đề minh họa
Học sinh muốn đạt điểm cao không chỉ học thuộc để nhớ một cách máy móc mà cần lưu ý ôn tập nội dung đầy đủ từ cơ bản đến nâng cao theo các chuyên đề.
Phổ điểm dạng phân phối chuẩn
Ngày 22/3, Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố bộ đề minh họa cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 ở các môn, trong đó có môn thi thành phần Sinh học thuộc bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên. Các thí sinh có thể xem chi tiết .
Cô Trương Thanh Trúc - giáo viên Sinh học Trường THPT Phan Đình Phùng (Ba Đình, Hà Nội) nhận định, đề minh họa phân môn Sinh học có 75% kiến thức ở mức nhận biết - thông hiểu, 25% ở mức vận dụng và vận dụng cao, nhưng độ khó và phân hóa đã tăng lên rất nhiều. Kiến thức lớp 12 chiếm 90%, còn lại là kiến thức lớp 11.
Đề thi đã có những câu mang bản chất môn Sinh học rõ rệt không chỉ còn các dạng Toán phải sử dụng mẹo mực, công thức.
Các câu vận dụng cao được tăng cường vào lý thuyết thí nghiệm thực tế và nghiên cứu khoa học phần Sinh thái học. Để giải quyết các câu hỏi này, đòi hỏi thí sinh phải nắm thật tốt bản chất Sinh học và có kĩ năng đọc hiểu, phân tích, đối chiếu, so sánh tốt để tìm ra các ý chính xác.
"Đề thi có xu hướng tương tự các đề thi đánh giá năng lực và đánh giá tư duy. Tổng thể đề thi khá dài, phân môn Sinh học lại là môn thi cuối trong buổi thi 3 môn khoa học trong cùng một buổi sáng sẽ ít nhiều gây nhiều khó khăn thí sinh", cô Trúc chia sẻ.
Cũng theo cô Trúc, mức độ phân hóa đề thi khá tốt, dự đoán phổ điểm rơi chủ yếu mức 5 - 6, phổ điểm dự đoán sẽ có dạng phân phối chuẩn, số điểm 10 sẽ không nhiều, học sinh khá giỏi có thể dễ đạt 7 - 8, tuy nhiên mức 9 - 10 sẽ là thách thức lớn đối với các thí sinh năm nay.
Chiến thuật học tập hiệu quả
Đề thi tốt nghiệp THPT phân môn Sinh học đang hướng tới việc đánh giá năng lực và phát triển tư duy theo bản chất môn học. Vì thế, học sinh muốn đạt điểm cao không chỉ học thuộc nhớ một cách máy móc, mà cần lưu ý ôn tập nội dung đầy đủ từ cơ bản đến nâng cao dần theo các chuyên đề cũng như chủ đề của môn học.
Học sinh cần rèn luyện bài tập và kỹ năng đọc hiểu, tổng hợp, phân tích, tính toán tùy vào tình huống đặt ra cho từng câu hỏi trường hợp của từng bài toán một cách cẩn thận.
Cô Trương Thanh Trúc cũng lưu ý, muốn đạt được điểm cao trong các câu hỏi tình huống thuộc chủ đề sinh thái, tiến hóa thì học sinh cần đọc thật kỹ câu hỏi, đặt chân, đánh dấu hoặc khoanh tròn các từ khóa quan trọng để xác định và hiểu chính xác câu hỏi tránh nhầm lẫn.
Kinh nghiệm thực tế cho thấy, đa số các học sinh khá giỏi có khả năng làm được tất cả các câu hỏi vận dụng, vận dụng cao xuất hiện trong đề nhưng không đủ thời gian.
Quan trọng nhất là các em cần phân bố thời gian một cách hợp lý để hoàn thành nhiều phần thi mức độ dễ như nhận biết, thông hiểu cần hoàn thành trong thời gian sớm nhất có thể khoảng 15 - 20 phút.
"Các câu hỏi ở mức vận dụng và những câu tình huống cần đọc chính xác, phân tích tổng hợp, hệ thống hóa kiến thức để chọn đáp án đúng. Các bài tập yêu cầu tính toán, vận dụng cao các công thức tính toán nhanh chi tiết và những bài tập chưa gặp bao giờ thì thí sinh nên làm lại sau cùng", cô Trương Thanh Trúc lưu ý thêm.
Thông tin từ Bộ GD&ĐT cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được tổ chức vào các ngày 26, 27, 28, 29/6. Cụ thể, ngày 26/6 các thí sinh sẽ làm thủ tục dự thi; ngày 27, 28/6 sẽ tổ chức coi thi; ngày 29/6 là ngày thi dự phòng. Như vậy, học sinh khối 12 trên toàn quốc sẽ còn khoảng 3 tháng nữa để học tập, ôn luyện cho kỳ thi quan trọng này. Thời gian công bố kết quả thi dự kiến vào 8 giờ ngày 17/7. Sau đó, các địa phương sẽ tiến hành xét tốt nghiệp cho học sinh dự thi và sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng theo kế hoạch tuyển sinh của từng đơn vị.