Chiến thuật mới của ông Trump

Từ lâu, các chính trị gia Mỹ đã tìm cách công kích xuất thân và danh tính của đối thủ. Tuy nhiên, ông Trump lại đưa chiến lược này lên cấp độ mới khi đối đầu với bà Harris.

Bà ấy không phải là ai trong số chúng ta.

Đây là thông điệp cốt lõi trong bài phát biểu của ông Donald Trump nhắm vào Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris. Ông đã công khai thách thức chủng tộc, danh tính của bà tại một diễn đàn hôm 31/7, và trên mạng xã hội vào ngày 1/8.

Theo New York Times, đây là chiến thuật đã có từ lâu, thậm chí trở thành một phần mặt trái của nền chính trị Mỹ: Coi đối thủ là “khác biệt” hoặc “không phải là một trong chúng ta”, một người không thể tin tưởng hoặc thực sự được biết đến.

Mặc dù đây là chủ đề thường xuyên được đề cập tới trong các chiến dịch bầu cử tại Mỹ ít nhất một thế kỷ qua, các nhà sử học và chuyên gia nhận định ông Trump đã nâng tầm phương pháp này.

Thông thường, các ứng viên sẽ áp dụng theo cách kín đáo, mang tính ẩn ý nhiều hơn. Tuy nhiên, trong tay ông Trump, chiến thuật này biến thành thông điệp trung tâm: Chiếu trên màn hình lớn tại cuộc vận động; quảng bá trên phương tiện truyền thông và được nhấn mạnh bởi người đồng hành của cựu tổng thống.

Đi đầu công khai phân biệt đối xử với đối thủ

Ông Trump đích thân dẫn đầu kế hoạch này, cố tình làm sai lệch tiểu sử của đối thủ và viện dẫn chủng tộc, giới tính theo cách mà không một nhà lãnh đạo đảng lớn hiện đại nào từng làm trước đây.

Ngay cả khi không phải là ứng viên trong cuộc bầu cử năm 2008, ông vẫn tìm cách chống lại ông Barack Obama. Cựu tổng thống yêu cầu xem giấy khai sinh và tuyên bố ông Obama - người sinh ra ở Hawaii - không được sinh ra trên đất Mỹ.

“Mỗi khi Mỹ chuẩn bị phá vỡ một giới hạn chính trị, chúng ta sẽ chứng kiến hiện tượng kỳ thị và phân biệt đối xử (othering) trong chính trị trở nên mạnh mẽ hơn”, Timothy Naftali - nhà sử học về tổng thống tại Trường Quan hệ Quốc tế và Công chúng thuộc Đại học Columbia - cho biết. “Ông Trump đã đi đầu công khai phân biệt đối xử với đối thủ chính trị của mình”.

Theo từ điển Cambridge, othering là từ để chỉ hành động đối xử với ai đó như thể họ không phải là thành viên của một nhóm và khác biệt theo một cách nào đó.

Trong nhiều thập niên, chiến thuật kỳ thị và phân biệt đối xử được áp dụng với các ứng viên có xuất thân, đặc điểm và tính cách khác nhau, bao gồm chủng tộc, dân tộc, giới tính, giai cấp kinh tế và tôn giáo. Tất cả đều nhằm mục đích khiến họ trở nên xa lạ với cử tri.

Năm 1928, phe đảng Cộng hòa đã lợi dụng việc Al Smith, ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, là người Công giáo La Mã để ẩn ý ông sẽ bị ảnh hưởng hoặc kiểm soát bởi Giáo hoàng.

Kỳ thị và phân biệt đối xử từ lâu cũng đã là một phần trong nền chính trị thành phố New York, nơi ông Trump sinh sống và làm việc suốt nhiều năm.

Năm 1989, Rudolph Giuliani - người sau này trở thành đồng minh thân cận của ông Trump - đối đầu với David N. Dinkins, một người da đen. Một trong những người đại diện chiến dịch hàng đầu của ông Giuliani, diễn viên hài Jackie Mason, đã mô tả ông Dinkins bằng một thuật ngữ miệt thị người da đen.

 Ông Donald Trump trong buổi phỏng vấn với Hiệp hội Nhà báo Da đen Quốc gia ở Chicago hôm 31/7. Ảnh: New York Times.

Ông Donald Trump trong buổi phỏng vấn với Hiệp hội Nhà báo Da đen Quốc gia ở Chicago hôm 31/7. Ảnh: New York Times.

Trong trường hợp của bà Harris, suốt nhiều tuần, ông Trump phát âm sai tên “Kamala” - một cái tên phổ biến ở Ấn Độ, và chế giễu tiếng cười của bà. Hôm 31/7, trong cuộc phỏng vấn tại Hiệp hội Nhà báo Da đen Quốc gia, ông Trump cho rằng bà đang tận dụng yếu tố chủng tộc để tạo lợi thế chính trị.

"Bà ấy vốn luôn là người Ấn Độ, đột nhiên quay ngoắt trở thành người da đen", ông nói.

Bà Harris có mẹ là người Mỹ gốc Ấn và cha là người da đen di cư từ Jamaica. Từ lâu, bà vẫn luôn tự hào nói về xuất thân là người da đen và người Mỹ gốc Nam Á. Những dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của bà cũng đều nêu bật cả hai danh tính.

Ông Trump quay lại chủ đề này vào hôm 1/8, khi đăng tải bức ảnh bà Harris bên cạnh các thành viên gia đình người Ấn Độ lên Truth Social. “Sự ấm áp, tình bạn và tình yêu của bà dành cho di sản Ấn Độ trong bà thực sự rất đáng trân trọng", ông viết.

Đây không phải là đòn công kích duy nhất của ông Trump. Cựu tổng thống cũng tìm cách phân biệt bà về một số vấn đề quan trọng hiện nay, đặc biệt là vấn đề nhập cư và kinh tế.

Trực diện và hăng hái

Dẫu vậy, chưa rõ cách tiếp cận này của ông Trump có khiến cử tri xa lánh bà Harris hay thu hút thêm ai về phe cựu tổng thống không. Hơn 12% người Mỹ tự nhận mình đa chủng tộc, và trước đòn công kích về quyền công dân, ông Obama vẫn giành chiến thắng.

"Tôi nghĩ kế hoạch đó sẽ không hiệu quả. Nước Mỹ đã thay đổi. Xem xét đến nền chính trị mà ông Trump đã tiếp xúc, không có gì ngạc nhiên khi đó là phản ứng đầu tiên của ông ấy”, Howard Wolfson, cựu cố vấn cấp cao của bà Hillary Clinton, nói.

Việc bỏ phiếu ở Mỹ thường mang tính cộng đồng, đặc biệt là vào thế kỷ XX khi Mỹ trở thành nơi sinh sống của nhiều nhóm nhập cư hơn. Khi sức ảnh hưởng và quy mô tăng lên, họ cũng đóng vai trò lớn hơn trong xã hội và chính trị Mỹ. Cử tri muốn các nhà lãnh đạo hiểu họ. Ông Trump hiểu rõ điều này và theo một số cách, đã tìm cách khai thác tâm lý đó.

 Bà Harris trong buổi vận động ở Atlanta (Georgia) hôm 30/7. Ảnh: New York Times

Bà Harris trong buổi vận động ở Atlanta (Georgia) hôm 30/7. Ảnh: New York Times

Các ứng viên cả hai đảng thường cố gắng né chiến thuật này bởi có thể gây chia rẽ và đối mặt với phản ứng dữ dội. Năm 2008, John McCain - ứng viên đảng Cộng hòa tranh cử với ông Obama - đã né tránh những tuyên bố về quốc tịch của ông Obama lan truyền trong cử tri khắp cả nước.

"Tôi không thể tin tưởng Obama. Ông ấy là một người Arab", một người phụ nữ nói tại một cuộc vận động Lakeville, Minnesota.

Ông McCain lắc đầu: "Không thưa bà. Ông ấy là một người đàn ông có gia đình đàng hoàng, một công dân tốt. Chỉ là tôi với ông ấy bất đồng quan điểm trong các vấn đề cơ bản, và đó là trọng tâm của chiến dịch này".

Ngay cả ông Abraham Lincoln cũng là đối tượng của những tin đồn vô căn cứ. Các tờ báo phân biệt chủng tộc của miền Nam nước Mỹ thường hay đưa thông tin cựu tổng thống có tổ tiên là người da đen.

Dẫu vậy, có thể nói rằng chưa có ứng viên tổng thống nào trong lịch sử nước Mỹ lại áp dụng chiến lược này theo cách trực diện và hăng hái như ông Trump. Ông đã nhấn mạnh vào chủng tộc và danh tính của bà Harris trước sự phản ứng nhiệt tình, ít nhất là những người theo phe Dân chủ, với phó tổng thống.

"Việc thổi phồng nỗi sợ hãi, sự lo lắng và oán giận của công chúng về phía người khác dễ hơn là đối mặt với các vấn đề thực sự", Michael Steele - cựu Giám đốc Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa - cho biết. “Ông Trump đã thành thạo việc này”.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/chien-thuat-moi-cua-ong-trump-post1489853.html