Chiến thuật mới đòn tấn công kép Iskander-M là gì?
Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga, lực lượng tên lửa nước này vừa sử dụng chiến thuật tấn công mới đặc biệt với hệ thống Iskander-M.
Đòn đánh kép
Quân đội Nga áp dụng chiến thuật tấn công mới nhằm tăng cường hiệu quả chiến đấu trong cuộc xung đột với Ukraine. Chiến thuật này bao gồm một cuộc tấn công kép sử dụng tổ hợp tên lửa tác chiến-chiến thuật Iskander-M.
Thông báo nêu rõ cách sử dụng độc đáo của tổ hợp tên lửa, bao gồm việc phóng nhiều tên lửa cùng lúc vào một mục tiêu được chỉ định. Điều làm nên sự khác biệt của chiến thuật này là đòn tấn công tiếp theo, được thực hiện sau một khoảng thời gian được tính toán rất chính xác để tăng cường thiệt hại với đối thủ.
Hiệu quả của đòn đánh kép này đã được chứng minh khi một căn cứ của Lực lượng Vũ trang Ukraine ở vùng Zaporozhye bị phá hủy hoàn toàn. Ban đầu, hai tên lửa được bắn đi, sau đó là một quả đạn "điều khiển" được tính thời gian chính xác tiếp tục lao tới mục tiêu.
Cuộc tấn công thứ cấp này diễn ra khi binh lính Ukraine tập trung tại điểm bị tấn công trước đó, dẫn đến thêm thương vong và thiệt hại nặng về phương tiện và vũ khí. Sự thay đổi chiến thuật đã khiến lực lượng Ukraine bất ngờ và thiệt hại nặng, khiến họ không thể thực hiện đòn phản công.
Theo đánh giá của tờ Forbes, đây không phải cách tấn công hoàn toàn mới trên thế giới đã được áp dụng nhưng đến nay vẫn không có cách giảm thiệt hại từ chiến thuật tấn công này, đặc biệt vũ khí tấn công lại là Iskander-M.
Điều đáng chú ý là chiến thuật này đòi hỏi mức tiêu thụ tên lửa lớn hơn, nhưng với kho tên lửa được tăng cường mà quân đội Nga có cho phép nước này thực hiện nhiều cuộc tấn công "loạt" có kiểm soát mang tính quyết định nhằm vô hiệu hóa đối thủ một cách hiệu quả.
Tình trạng kho tên lửa
Theo đánh giá của Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR), Nga đang sở hữu 870 tên lửa chính xác cao với tầm bắn trên 350 km, trong đó có 165 tên lửa hành trình hải quân Kalibr, 160 tên lửa phóng từ máy bay Kh-55/101/555, 290 tên lửa đạn đạo và hành trình thuộc tổ hợp Iskander và 230 tên lửa diệt hạm siêu thanh Kh-22/32.
"Số tên lửa này gần như y hệt thống kê cùng thời điểm năm ngoái, cho thấy Nga vẫn duy trì sản lượng tên lửa đủ để tích lũy. Nhưng họ không thể sử dụng toàn bộ số vũ khí này vì phải bảo đảm mức dự trữ tối thiểu theo quy định là 30%", GUR cho biết.
Quân đội Nga cũng cải tiến tên lửa diệt hạm siêu thanh P-800 Oniks cho nhiệm vụ tấn công mặt đất, tăng cường sử dụng tên lửa hành trình không đối đất Kh-59 với tầm bắn 300 km để tập kích mục tiêu quân sự của Ukraine.
Theo tiết lộ của GUR, Nga đã xuất xưởng 115 tên lửa dẫn đường tầm xa trong tháng 10, gồm 20 quả đạn Kalibr, 12 tên lửa hành trình Iskander-K, 30 tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M, 4 tên lửa siêu vượt âm Kinzhal, 9 tên lửa diệt hạm siêu thanh Kh-32 và 40 quả đạn hành trình Kh-101.
"Tốc độ sản xuất tên lửa của Nga không tăng đáng kể so với mùa hè, do tác động từ các lệnh trừng phạt. Năng lực hiện tại của họ không cho phép bù đắp khoảng trống kho dự trữ trong thời gian ngắn", GUR cho biết thêm.
Cũng theo GUR, lực lượng Nga chưa tung ra những đòn tấn công tên lửa quy mô lớn như cùng kỳ năm ngoái, do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Thông tin được Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine đưa ra khá bất ngờ và xuất hiện sau khi phương Tây từng nhiều lần nhận định kho tên lửa Nga sắp cạn kiệt do tần suất sử dụng cao.
Tờ Financial Times hồi tháng 3 dẫn lời quan chức tình báo Ukraine tuyên bố kho dự trữ của Nga chỉ còn 90 tên lửa đạn đạo Iskander-M, 45 quả đạn hành trình Iskander-K và 36 tên lửa Kh-22.