Chiến tích phi thường của 'siêu kình ngư' Australia
Dù đang nhận những lời ca ngợi sau khi giành huy chương vàng Olympic Paris 2024, Ariarne Titmus vẫn thích mọi người, gồm cả bản thân nghĩ rằng mình bình thường.
Chỉ vài phút sau khi bước lên bục nhận huy chương, nếu là người khác thì không thể khống chế được cảm xúc, tuy nhiên Titmus vẫn nói đầy khiêm nhường: "Tôi nhìn vào bản thân và chỉ thấy mình rất bình thường".
Vài phút sau đó, kình ngư người Australia nhắc lại lần nữa: "Tôi hy vọng không ai nhìn tôi khác đi - tôi chỉ là cô bé Tassie ngốc nghếch ngày nào, ở đây sống với ước mơ của mình".
Cô gái phi thường, bền bỉ như đồng hồ
Chỉ có Titmus nghĩ mình là bình thường, chứ thực ra bản thân không hề bình thường. Cô gái 23 tuổi là một người phi thường.
Sự xuất sắc của Titmus khiến những điều phi thường trở nên tầm thường. Tại La Défense Arena (Paris, Pháp), nội dung bơi tự do 400 mét nữ của Olympic Paris 2024 có những cuộc đấu bom tấn trên đường đua xanh. Titmus phải đấu với "nữ hoàng bơi lội" Ledecky người Mỹ, "thần đồng" người Canada, Summer McIntosh và nhiều tài năng khác trong cuộc đua.
Hãy xem xét thành tích của họ để thấy sự cường điệu này không hề là nói ngoa. Ledecky giữ kỷ lục thế giới từ năm 2014 đến 2022. Song, Titmus phá kỷ lục của đàn chị tại giải vô địch Australia hai năm trước.
Sau đó, đến lượt McIntosh phá kỷ lục của Titmus tại vòng loại giải Canada năm ngoái. Nhưng chỉ vài tháng sau, Titmus lấy lại kỷ lục từ tay đàn em.
Lần gần nhất ba kình ngư duyên nợ này gặp nhau tại giải vô địch thế giới năm 2023. Titmus giành lại kỷ lục thế giới với thành tích dưới 3 phút 56 giây và đánh bại đối thủ xếp sau đến hơn ba giây.
Tại đường đua xanh ở Paris cuối tuần qua, cuộc đua kém hấp dẫn hơn. Trận đấu có vẻ như tẻ nhạt khi Titmus làm chủ cuộc chơi một cách ổn định và chính xác. Nói vậy không có nghĩa là chiến tích của Titmus kém phần phi thường mà ngược lại, nó càng làm cho chiến công của cô trở nên ngoạn mục hơn.
Titmus dẫn đầu ở mọi lần chạm bể. Giống như một đồng hồ quả lắc, kình ngư người Australia bơi xuôi, bơi ngược theo chiều dài 50 mét hồ bơi. Đó là một chiếc đồng hồ chính xác.
Sau lượt bơi đầu tiên, các lượt bơi còn lại của Titmus không chênh nhau quá 1 giây. Lần bơi tốn nhiều thời gian nhất là 30,44 giây ở lượt bơi áp chót, lần bơi nhanh nhất là 29,61 giây ở lượt bơi thứ hai.
Chờ lập hat-trick HCV
Hào quang bất khả chiến bại của Titmus làm lu mờ thần đồng McIntosh, người mới 17 tuổi nhưng đã là một trong những kình ngư giỏi nhất thế giới. Chắc chắn là không dễ dàng để vượt qua McIntosh. Chính vì thế, khi được hỏi về cảm giác vượt qua đối thủ đàn em, Titmus thừa nhận mệt bở hơi tai. Nhưng đó là một chiến thắng thuyết phục khi kình ngư người Australia dẫn đầu từ lần chạm bể đầu tiên đến lần chạm bể cuối cùng.
Có nhiều số liệu thống kê khẳng định sự thống trị của Titmus ở nội dung bơi tự do trong các cự ly trung bình kể từ khi kình ngư này nổi như sóng cuối thập niên trước. Trong đó, số liệu thống kê đáng chú ý nhất là kể từ lần về nhì tại Giải vô địch bơi lội Thái Bình Dương vào tháng 8/2018 (thua Ledecky), kình nghư người Australia chưa từng thua một giải bơi quốc tế nào ở nội dung 400 mét tự do.
Sự thống trị đó thực sự phi thường trong bối cảnh thế giới ngày càng sản sinh ra nhiều tay bơi giỏi theo kiểu sóng sau xô sóng trước nhờ khoa học thể chất và khoa học dinh dưỡng phát triển như vũ bão.
Chiến dịch chinh phục của Titmus ở Paris vẫn chưa kết thúc. Sau khi chinh phục ở nội dung 400 mét,Titmus sẽ tham gia chung kết bơi 200 mét tự do vào tối 31/7, cự ly kình ngư 23 tuổi đang giữ kỷ lục thế giới lẫn Olympic.
Vào tối 3/8, Titmus lại tham gia cự ly bơi 800 mét tự do mà đàn chị Katie Ledecky đang giữ cả kỷ lục Olympic lẫn thế giới. Nếu Titmus có thể lập hat-trick các cự ly bơi trung bình tại Olympic, chắc chắn chính kình ngư 23 tuổi này cũng không còn dám nhận mình là người bình thường nữa.
Nguồn Znews: https://znews.vn/kinh-ngu-xinh-dep-titmus-vuot-song-truoc-dap-song-sau-post1488974.html