Chiến tranh, chi phí năng lượng đẩy lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ lên mức 73,5%

Lạm phát hàng năm của Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 5 tăng lên mức cao nhất trong 24 năm qua do tác động của cuộc chiến tranh tại Ukraine, chi phí năng lượng tăng cao và đồng lira của nước này suy yếu.

Người dân trưng hóa đơn tiền điện để phản đối giá năng lượng tăng cao trong một cuộc biểu tình hồi đầu năm nay ở thủ đô Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: ReutersTheo dữ liệu của Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ công bố hôm 3-6, chỉ số giá tiêu dùng của Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 5 tăng 2,98% so với tháng trước và tăng đến 73,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng lạm phát hàng năm cao nhất mà nước này ghi nhận kể từ tháng 10-1998 . Chi phí năng lượng và thực phẩm, vốn tăng mạnh hơn do đà tăng giá hàng hóa trên toàn cầu và cuộc chiến ở Uktaine, là hai động lực lớn nhất thúc đẩy lạm phát.Trong tháng trước, chi phí vận tải ở Thổ Nhĩ Kỳ tăng mạnh 108% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó, chi phí thực phẩm tăng 92%, cho thấy người dân đang chống chọi cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, khiến họ chật vật lo liệu các hàng hóa thiết yếu hàng ngày.Chỉ số giá nhà sản xuất trong nước cũng tăng đến 132,16% so với cùng kỳ năm ngoái do chi phí nhập khẩu tăng vọt khi đồng lira suy yếu.Lạm phát ở nền kinh tế lớn thứ 19 thế giới bắt đầu tăng tốc kể từ mùa thu năm ngoái do đồng lira sụp đổ sau khi Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ (CBRT) khởi động chu kỳ nới lỏng tiền tệ với mục tiêu hạ lãi suất 500 điểm, tương đương 5 điểm phần trăm theo yêu cầu của Tổng thống Tayyip Erdogan. Đồng lira đã giảm giá 44% so với đô la Mỹ trong năm 2021 và tiếp tục giảm thêm 20% trong năm nay.Hồi tháng 4, CBRT dự báo lạm phạt hàng năm của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lập đỉnh trong tháng 7 trước khi giảm về mức gần 43% vào cuối năm nay và một con số vào cuối năm 2024.Trước đó, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ lập luận rằng lạm phát sẽ giảm về mức một con số vào năm tới nhờ chương trình kinh tế mới do ông Tayyip Erdogan chủ trì, trong đó, ưu tiên chính sách lãi suất thấp để tăng sản lượng và xuất khẩu, giúp đạt được mục tiêu thặng dư tai khoản vãng lai. Tuy nhiên, dữ liệu mới công bố cho thấy thâm hụt thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 5 tăng lên mức 10,7 tỉ đô la, cao hơn 157% so với cùng kỳ năm ngoái.Các chuyên gia kinh tế nhận định lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ còn duy trì ở mức cao cho đến hết năm 2022 do chiến tranh ở Ukraine, đồng lira suy yếu và việc CBRT do dự tăng lãi suất.Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng kiến mức tăng trưởng nhanh trong nhiều năm nhưng Tổng thống Erdogan cự tuyệt mọi lời kêu gọi tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát. Điều đó khiến đồng lira suy sụp, làm giảm sức mua của người dân.Từ lâu, Tổng thống Erdogan ủng hộ giả thuyết kinh tế cho rằng lãi suất cao sẽ càng đẩy tăng lạm phát, thay vì kìm hãm nó. Vì vậy, ông đã gây sức ép buộc CBRT giảm lãi suất.Kể từ năm ngoái, ông Erdogan đã liên tục yêu cầu CBRT giảm lãi suất cho vay ngay khi khi lạm phát tiếp tục tăng. Những thống đốc CBRT chống đối lại yêu cầu này bị sa thải và cho đến mùa xuân năm 2021, chiếc ghế thống đốc CBRT đã thay đổi 4 lần chỉ trong 2 năm.Ông Erdogan cho rằng mô hình kinh tế mới sẽ tạo ra cơn bùng nổ xuất khẩu nhờ đồng lira giảm giá, từ đó, giúp giảm thâm hụt thương mại và chống lạm phát. Tuy nhiên, cho đến nay, các tính toán đó vẫn chưa thành hiên thực và Thổ Nhĩ Kỳ đang phải tốn kém nhiều hơn để nhập khẩu năng lượng vì phải thanh toán bằng đồng đô la.“Việc tập trung vào các biện pháp không chính thống, thay vì triển khai chính sách tiền tệ thông thường sẽ không thể giải quyết thách thức lạm phát. Chúng tôi dự đoán lạm phát hàng năm của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chạm mức 80% trong quý 3-2022”, Ehsan Khoman, Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường mới nổi phụ trách khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi tại Ngân hàng MUFG (Nhật Bản), viết trên Twitter.Trao đổi với CNBC, Khoman nói thêm rằng ông dự báo lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ở mức trên 70% cho đến tháng 11 do giá hàng hóa tăng cao, chi phí sản xuất trong nước cũng tăng và đồng lira mất giá nhanh.“Thổ Nhĩ Kỳ trở lại kỷ nguyên lạm phát của những năm 1990. Có vẻ như Tổng thống Erdogan đã đánh mất sự tín nhiệm kinh tế cuối cùng của mình”, Holger Zschapitz, biên tập viên tài chính của nhật báo Die Welt (Đức), viết trên Twitter. Zschapitz cho rằng việc ông Erdogan theo đuổi chính sách tiền tệ không chính thống để quản lý nền kinh tế 790 tỉ đô la của Thổ Nhĩ Kỳ “tiếp tục phản tác dụng”.Theo Reuters, Financial Times

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chien-tranh-chi-phi-nang-luong-day-lam-phat-cua-tho-nhi-ky-len-muc-735/