Chiến tranh du kích và hậu phương quân đội góp phần làm nên chiến thắng

Trong chiến dịch Át-lăng, Bộ chỉ huy chiến dịch và Tỉnh ủy Phú Yên đã vận dụng triệt để tinh thần và nghệ thuật chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích; huy động toàn bộ sức mạnh của các đoàn thể, Nhân dân, tài lực, vật lực, tạo nên sức mạnh vô địch, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh nghiên cứu về đường lối, nghệ thuật chiến tranh du kích trên chiến trường Phú Yên. Ảnh: TRẦN QUỚI

Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh nghiên cứu về đường lối, nghệ thuật chiến tranh du kích trên chiến trường Phú Yên. Ảnh: TRẦN QUỚI

Tại vùng tự do Phú Yên, bộ đội địa phương tỉnh chỉ có 3 đại đội C377, C392, C389 và 4 đại đội địa phương ở các huyện Tuy Hòa (C378), Sơn Hòa (C380), Tuy An (C374), Đồng Xuân (371), ở các xã có lực lượng du kích. Đến cuối tháng 2, đầu tháng 3/1954, chiến trường Phú Yên mới được tăng cường quân chủ lực là Tiểu đoàn 375 (lấy quân số từ bộ đội địa phương - C389); ngày 20/3, được tăng thêm Tiểu đoàn 365.

Trong khi đó, quân Pháp mở chiến dịch Át-lăng đánh Phú Yên vào sáng 20/1/1954, với lực lượng mạnh hơn gấp 10 lần cả về quân số lẫn hỏa lực, trang bị chiến đấu. Cùng với đó là một kế hoạch tác chiến phủ đầu, tứ phía: Đánh từ Khánh Hòa ra, đánh từ Đắk Lắk xuống, đổ bộ từ biển vào, quân nhảy dù xuống sân bay Chóp Chài.

Dự kiến của địch là trong vòng 3 ngày sẽ chiếm lĩnh được khu vực phía Nam tỉnh Phú Yên một cách dễ dàng. Thế nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại, cuộc hành binh của quân Pháp bị quân và dân Phú Yên quần đánh quyết liệt, thương vong nặng nề. Sau 10 ngày, quân Pháp mới tiến được đến TX Tuy Hòa, chiếm được một số địa phương dọc quốc lộ 1. Ba tuần lễ tiếp theo, địch tiếp tục thương vong, tiêu hao, liên tục yêu cầu bổ sung. Ngày 20/1/1954 bắt đầu chiến dịch, đến ngày 16/2/1954, tướng Nava phải tăng thêm 3 binh đoàn cơ động: 41, 42, 100, nâng tổng số lên 34 tiểu đoàn.

Chiến tranh du kích - lấy ít địch nhiều!

Với tương quan lực lượng quá chênh lệch như vậy, nhưng ta vẫn đánh bại chiến dịch Át-lăng. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của nghệ thuật chiến tranh nhân dân và chiến tranh du kích.

Những bài học kinh nghiệm mà sau này chúng ta rút ra được, lý giải cho những chiến công hào hùng trong suốt cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước nói chung và đánh bại chiến dịch Át-lăng nói riêng, đó là: Đường lối kháng chiến độc lập và tự chủ, đúng đắn, sáng tạo, quyết chiến, quyết thắng. Trong đánh địch, ta biết lấy nhỏ đánh lớn, phát huy sức mạnh của phương thức tiến hành chiến tranh cách mạng và nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân. Tổ chức, động viên lực lượng toàn dân đánh giặc, lấy LLVT nhân dân làm nòng cốt. Vừa kháng chiến, vừa xây dựng căn cứ, xây dựng hậu phương vững mạnh. Xây dựng mặt trận toàn dân đoàn kết. Ra sức xây dựng Đảng, xây dựng chi bộ trở thành dinh lũy chiến đấu, đào tạo cán bộ ngang tầm sứ mệnh lãnh đạo kháng chiến.

Thực tế trong cuộc chiến đánh bại chiến dịch Át-lăng, Đảng bộ Phú Yên đào tạo được đội ngũ cán bộ, chiến sĩ đông đảo, có phẩm chất cách mạng trong sáng, gắn bó mật thiết với Nhân dân. Đảng lãnh đạo toàn diện trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức đưa kháng chiến đến thắng lợi.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Dân quân, tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là một bức tường sắt của Tổ quốc. Vô luận địch hung bạo thế nào, hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó, thì địch nào cũng phải tan rã”.

Chiến tranh du kích chính là loại hình chiến tranh được tiến hành bằng lực lượng nhỏ lẻ, nòng cốt là LLVT địa phương. Đánh du kích giữ quyền chủ động, khôn khéo, nhanh chóng, diễn ra rộng khắp, liên tục ở mọi nơi, mọi lúc bằng mọi thứ vũ khí thô sơ và hiện đại. Quân và dân Phú Yên trong chiến dịch Át-lăng đã áp dụng thành công phương thức này.

Một trong những chiến công cho thấy vai trò của chiến tranh du kích trên chiến trường Phú Yên là du kích xã Hòa Mỹ đã bố phòng, gài mìn, cài chông trên đường vào làng khi địch ồ ạt tiến quân lên xã Hòa Mỹ, đóng quân ở thôn Phú Thuận và chia thành 3 cánh quân càn quét ra toàn xã. Kết quả, địch vấp phải mìn bị tiêu hao sinh lực, chùn chân; hay du kích bố trí những vị trí khuất tầm nhìn, có lợi để bắn tỉa. Cách đánh bất ngờ, bí mật khiến địch chỉ đóng quân ở xã Hòa Mỹ 1 ngày 1 đêm rồi rút lui không kèn không trống.

Điểm lại các trận đánh trong chiến dịch Át-lăng từ nhỏ lẻ đến tập trung, bộ đội chủ lực và dân quân địa phương đều áp dụng nhuần nhuyễn cách đánh du kích, lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh, lấy vũ khí của địch tiêu diệt địch, lấy vũ khí thô sơ cùng với mưu trí để đối lại với vũ khí hiện đại của quân địch.

Đội quân tóc dài góp phần đánh bại chiến dịch Át-lăng

Ngay từ những ngày đầu chiến đấu chống lại chiến dịch Át-lăng, phụ nữ Phú Yên đã tích cực phục vụ chiến trường và tham gia chiến đấu.

Không chỉ lực lượng phụ nữ, trong chiến dịch Át-lăng nói riêng và suốt hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc nói chung, quân và dân Phú Yên đã huy động tổng lực các lực lượng, thành phần xã hội… được Đảng tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, cùng chung sức, đồng lòng trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, quyết đi đến thắng lợi cuối cùng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Ở Hòa Xuân có cả một đội nữ làm công tác địch vận do chị Đặng Thị Liễu và chị Trai phụ trách. Nhiệm vụ của đội là làm công tác địch vận, trinh sát bám đồn, nắm tin tức báo lại để bộ đội có kế hoạch đánh địch.

Phía Nam sông Bàn Thạch, ngoài mạng lưới bao vây địch của nữ du kích Hòa Xuân còn có đông đảo phụ nữ xã Hòa Vinh, Hòa Tân, Hòa Hiệp… ngày đêm canh giữ bờ rào chiến đấu, xây dựng công sự dọc sông Bàn Thạch, góp phần đánh địch trong thế bị bao vây và cô lập ở phía Bắc chân đèo Cả. Bị tấn công liên tục bằng vũ trang kết hợp với binh vận, nhiều sinh lực địch bị tiêu diệt, thực lực cách mạng được phát triển ngay trong vùng địch kiểm soát ở xã Hòa Xuân.

Mặt trận phía Tây, các xã Sơn Hà, Sơn Định (huyện Sơn Hòa), các đội nữ du kích được chia thành hai bộ phận, một bộ phận bám sát địch cùng chiến đấu, bộ phận còn lại tham gia hướng dẫn bà con đi sơ tán khi có địch càn. Phụ nữ các xã của huyện Sơn Hòa hưởng ứng phong trào mỗi người dân vót 100 cây chông, chống càn, tham gia làm vũ khí thô sơ như ná, cung, bẫy đá, tên tẩm độc… để chống giặc.

Phía Đông các xã ven biển thuộc huyện Tuy Hòa 1, Tuy Hòa 2, Tuy An, Sông Cầu, các đội nữ dân quân tham gia canh gác, báo động kịp thời khi địch xuất hiện để đồng bào miền biển an tâm làm ăn. Các đội nữ dân quân ngoài nhiệm vụ báo động kịp thời còn phải giúp đỡ bà con tản cư đến nơi an toàn khi địch bắn phá, đổ bộ.

Trong kháng chiến chống Pháp nói chung và chiến dịch Át-lăng nói riêng, nhiều phụ nữ Phú Yên được bầu là chiến sĩ thi đua ở nhiều lĩnh vực, như: Chị Đặng Thị Liên (xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân) là chiến sĩ bình dân học vụ; chị Nguyễn Thị Đập (xã An Mỹ, huyện Tuy An) là chiến sĩ giết giặc; chị Nguyễn Thị Nga (xã An Ninh, huyện Tuy An) là chiến sĩ cứu thương; chị Nguyễn Thị Chín (xã Hòa Kiến, TX Tuy Hòa) là chiến sĩ hộ lý; chị Nguyễn Thị Rỏi (xã An Xuân, huyện Tuy An) là chiến sĩ sản xuất nông nghiệp...

Anh hùng LLVT nhân dân HỒ ĐẮC THẠNH TRẦN QUỚI - PHAN THANH

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/76/316050/chien-tranh-du-kich-va-hau-phuong-quan-doi-gop-phan-lam-nen-chien-thang.html