Chiến tranh thương mại đe dọa xe tự lái
Các đề xuất của Mỹ về việc hạn chế chia sẻ công nghệ với Trung Quốc đang đe dọa sự phát triển của xe tự lái, một lĩnh vực mà các doanh nghiệp của hai bên đã dựa vào nhau để phát triển trong những năm gần đây.
Dù đăng ký kinh doanh ở Mỹ hay Trung Quốc, nhiều công ty đang phát triển các hệ thống tự lái như là một sản phẩm hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc với các cơ sở nghiên cứu và phát triển có tầm quan trọng ngang ngửa, đặt ở California hoặc các trung tâm công nghệ ở Trung Quốc.
Sử dụng những thành viên ưu tú nhất trong đội ngũ kỹ sư người Mỹ và người Trung Quốc, các công ty này huy động vốn đầu tư ở hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời tìm kiếm khách hàng ở cả hai thị trường ô tô hàng đầu thế giới.
Cách tiếp cận này được xem là một sức mạnh nhưng giờ đây lại trở thành yếu tố dễ tổn thương, khi Washington chuẩn bị áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu một loạt công nghệ mới nổi quan trọng, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), nền tảng của hệ thống tự lái, nhằm gia tăng sức ép với Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại hiện nay giữa hai nước.
“Công ty của chúng tôi sẽ bị phân chia làm đôi”, David Liu, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty phần mềm xe tự lái Plus.ai (Mỹ), cho biết. Công ty của Liu gần đây hợp tác với hãng sản xuất xe tải FAW Jiefang (Trung Quốc).
Với các trung tâm nghiên cứu và phát triển đặt ở San Francisco, bang California và ở các thành phố Trung Quốc như Bắc Kinh và Tô Châu, thật khó để Plus.ai hoạt động như mô hình hiện tại, một khi Mỹ cấm xuất khẩu công nghệ AI sang Trung Quốc.
Liu cho rằng các đề xuất kiểm soát xuất khẩu công nghệ mới nổi quan trọng của Mỹ giống như “một đám mây đen treo lơ lửng trên mọi công nghệ công nghệ”. Liu sinh trưởng ở Trung Quốc, tốt nghiệp Đại học Stanford (Mỹ) và giờ đây là một công dân Mỹ. Nhiều cộng sự của ông ở Plus.ai là người Trung Quốc lẫn người Mỹ.
Hoạt động xuất khẩu linh kiện và công nghệ Mỹ cho các công ty Trung Quốc nằm trong danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ, chẳng hạn như hãng thiết bị viễn thông Huawei đã bị giám sát chặt chẽ nhưng các biện pháp kiểm soát mới được nêu ra trong Đạo luật Cải cách kiểm soát xuất khẩu 2018 (ECRA) của Mỹ, sẽ bao trùm hơn, tác động đến toàn bộ các hạng mục công nghệ.
ECRA được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thông qua vào tháng 8-2018. Đạo luật này dự kiến sẽ được thực thi vào năm 2020.
Cuối năm ngoái, theo ủy quyền của ECRA, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố danh sách các công nghệ mới nổi bao gồm AI, công nghệ sinh học, vi xử lý...nằm trong diện bị hạn chế xuất khẩu khẩu sang các nước ngoài, chủ yếu là nhắm đến Trung Quốc.
“Công nghệ tự lái có thể khả năng bị "giam hãm" trong những biện pháp kiểm soát xuất khẩu này”, Dan Wang, nhà phân tích công nghệ ở Công ty tư vấn Gavekal Dragonomics ở Hồng Kông, nói.
Các công ty Mỹ có thể mất đến 56 tỉ đô la Mỹ trong 5 năm tới nếu xuất khẩu công nghệ bị ngăn cấm, theo Quỹ Sáng tạo và Công nghệ thông tin (ITIF) có trụ sở ở Washington.
Nhưng mối đe dọa kiểm soát xuất khẩu cũng có thể là một quân bài mặc cả hữu ích của Nhà Trắng trong cuộc đối đầu thương mại hiện nay giữa Washington và Bắc Kinh, theo nhận định của Michael Dunne, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn thị trường ô tô ZoZo Go (Mỹ).
Dù các công ty công nghệ Trung Quốc từ lâu được hoạt động thoải mái ở Mỹ, các công ty công nghệ Mỹ tại Trung Quốc lại không được hưởng các quyền tự do tương tự tại Trung Quốc, nơi họ đối mặt với nhiều hạn chế bao gồm hạn chế tiếp cận thị trường. Dunne cho rằng Bắc Kinh có thể tháo gỡ mối đe dọa trên bằng cách đối xử cởi mở hơn với các công ty công nghệ Mỹ.
Các công ty công nghệ ô tô Trung Quốc đã trở thành một phần trong bức tranh công nghệ ở California, nơi có môi trường đầu tư thân thiện. Baidu, người khổng lồ trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến ở Trung Quốc và ít nhất 5 công ty khởi nghiệp Trung Quốc khác đang tích cực phát triển các công nghệ tự lái ở vùng Vịnh San Francisco, bang California, trong khi 14 công ty Trung Quốc, bao gồm các hãng xe nhà nước Trung Quốc, dù không sản xuất hay bán bất cứ chiếc xe nào ở Mỹ, đã được cấp phép thử nghiệm xe tự lái trên các tuyến đường ở California.
Sự hợp tác này mang lại lợi ích cho Calfornia, giúp bang này trở thành một trung tâm công nghệ "ưu tú", không có đối thủ trên thế giới.
Dunne cho rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ mới nổi mà Mỹ sắp áp đặt chắc chắn làm gián đoạn các nỗ lực của Trung Quốc để phát triển công nghệ ô tô ở California và có thể cả các nỗ lực tương tự của Mỹ.
Thỏa thuận hợp tác với FAW Jiefang, nhà sản xuất xe tải lớn nhất Trung Quốc, có thể tạo ra thành công lớn cho Plus.ai nhưng cũng có thể đặt ra những mối lo ngại an ninh quốc gia cho Mỹ. FAW không chỉ là thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc mà còn đang sản xuất xe tải cho quân đội của nước này.
Theo thỏa thuận được ký kết giữa hai bên tại Thượng Hải trong tháng này, FAW Jiefang và Plus.ai sẽ thành lập một liên doanh để bắt đầu sản xuất các chức năng tự lái cơ bản cho các xe tải của FAW Jiefang vào năm sau, và ra mắt các xe tải tự lái hoàn toàn sau ba năm nữa. David Liu, người sáng lậo Plus.ai cho biết vẫn chưa rõ Đạo luật Cải cách kiểm soát xuất khẩu 2018 sẽ tác động như thế nào đối với các kế hoạch hợp tác giữa FAW Jiefang và Plus.ai. Tuy nhiên, đạo luật mới này có thể được diễn giải rộng hơn, ngăn cấm bán công nghệ liên quan đến AI của Mỹ cho tất cả các công ty Trung Quốc, chứ không chỉ những công ty có mối quan hệ với nhà nước như FAW.
Theo Wall Street Journal
Lê Linh