Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Washington không chấp nhận 'lời hứa suông'
Các quan chức của Mỹ và Trung Quốc đều cho rằng hai bên sắp đạt được một thỏa thuận lịch sử chấm dứt cuộc chiến thương mại hiện tại, nhưng vẫn còn đó một câu hỏi quan trọng.
Các quan chức của Mỹ và Trung Quốc đều cho rằng hai bên sắp đạt được một thỏa thuận lịch sử chấm dứt cuộc chiến thương mại hiện tại, nhưng vẫn còn đó một câu hỏi quan trọng, rằng làm thế nào để Washington chắc rằng Bắc Kinh sẽ giữ lời hứa của mình.
Trung Quốc có thể đưa ra những đề xuất hấp dẫn như nhập khẩu nông sản và năng lượng của Mỹ như một cách để cắt giảm thâm hụt thương mại đang ngày càng gia tăng của Mỹ với Trung Quốc (378,7 tỷ USD vào năm 2018, bao gồm cả thương mại dịch vụ), nhưng mọi sự chú ý đang hướng về việc liệu thỏa thuận này có được thực thi đến cùng hay không.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence mới đây cho biết cơ chế thực thi thỏa thuận sẽ là chìa khóa cho quyết định có dỡ bỏ các mức thuế trừng phạt của Mỹ đang đánh lên hơn 250 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc hay không.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, người dẫn đầu phái đoàn đàm phán của Mỹ cùng với Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, khẳng định rằng Washington sẽ không chấp nhận những “lời hứa suông” và sẽ yêu cầu xác thực là Bắc Kinh giữ lời hứa của mình.
Truyền thông Mỹ đưa tin, để đảm bảo việc tuân thủ nghiêm ngặt thỏa thuận, các nhà đàm phán của Mỹ đã đề xuất các cuộc họp hàng tháng, hàng quý và nửa năm một lần.
Nếu giới doanh nghiệp Mỹ báo cáo các trường hợp vi phạm thỏa thuận của phía Trung Quốc, Washington có thể khởi động chuỗi tham vấn với những người đồng cấp Trung Quốc, và sau đó đơn phương áp thuế mới nếu không có cách giải quyết nào được đưa ra. Bắc Kinh cũng có thể có động thái tương tự nếu Mỹ vi phạm thỏa thuận.
Giới doanh nghiệp của cả hai nước đều mong muốn các cuộc đàm phán này khép lại càng sớm càng tốt nhằm giảm thiểu sự bất ổn trong hoạt động thương mại quốc tế tại thời điểm mà cuộc chiến thương mại nói trên đã khiến cho các lĩnh vực sản xuất ở cả hai nước “lao đao”.
Nhưng Washington vẫn muốn giữ khả năng đánh thuế như một biện pháp tự vệ. Ông Lighthizer cho biết “đó là điểm mấu chốt. Nếu chúng ta không làm thế thì sẽ không tạo nên sự khác biệt nào cả”.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng điều đó có thể gây ra bất ổn cho giới doanh nghiệp khi họ không biết được khi nào thì một trong hai bên sẽ đơn phương đánh thuế./.