Chiến trường miền Đông trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử
Với tinh thần quyết giành độc lập cho dân tộc, thống nhất non sông, nhân dân và lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ đã cùng quân và dân cả nước lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và Chính quyền ngụy để tiến tới tổng tiến công giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Từ “đòn trinh sát chiến lược” ở Phước Long…
Thị xã Phước Long nằm cách Sài Gòn khoảng 140km về phía Đông Bắc, có vị trí như chiếc cầu nối giữa Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Sau khi ta tiêu diệt các chi khu quân sự Đồng Xoài, Bù Đăng, Bù Đốp (tỉnh Bình Phước) và chiếm hoàn toàn quốc lộ 14, quân địch ở Phước Long bị cắt khỏi Quân đoàn 3 ngụy. Phạm vi chiếm đóng của đối phương thu hẹp trong một khu vực hình tam giác với ba đỉnh là thị xã Phước Long, chi khu Phước Bình và điểm cao Bà Rá (736m). Trong bản “thuyết trình quân sự” gửi lên cấp trên, tiểu khu trưởng Phước Long trình bày: Thế phòng thủ thị xã Phước Long là thế “chân vạc”, muốn giữ được thị xã phải giữ được Phước Bình, Bà Rá, mà muốn giữ được hai điểm này phải giữ được chu vi Thác Mơ, Phước Lộc và tuyến vòng cung lộ 309, 310.

Trung đoàn 71 bộ binh tấn công đánh chiếm mục tiêu quan trọng tại Phước Long. (Ảnh tư liệu, Quân đoàn 4 cung cấp).
Theo lịch sử Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long), chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Miền, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 khẩn trương điều động lực lượng, hình thành thế trận mới, chia cắt Phước Bình và Phước Long, khống chế đường không, sẵn sàng đánh quân chi viện, đặc biệt là cơ giới địch, vây ép quân địch ở tiểu khu Phước Long. Rạng sáng 31/12/1974, tức chỉ 4 ngày sau trận Đồng Xoài, bộ đội ta nổ súng tiến công khu quân sự Phước Bình, pháo kích Phước Long, đây là một bất ngờ đối với địch. Tiếng nổ và sức công phá của đạn pháo 130 càng làm cho quân địch khiếp đảm. Các mũi tiến công của Trung đoàn 165 phối hợp nhịp nhàng theo đúng kế hoạch.
Cùng trong đêm 30, rạng sáng 31/12/1974, Sư đoàn 7 sử dụng pháo cao xạ 37 bắn thẳng lên chốt địch trên đỉnh núi Bà Rá. Đến sáng sớm 1/1/1975, được trận địa pháo Quân đoàn và pháo cao xạ 37 bắn trực tiếp chi viện, Tiểu đoàn đặc công 79 đánh của quân ta chiếm điểm cao Bà Rá – nơi được coi là “con mắt thần” của Phước Long.
Khi chiếm được Phước Bình và Bà Rá, liên tiếp trong các ngày 1- 5/1/1975, bộ đội ta tiếp tục mở nhiều đợt tấn công từ các hướng khác nhau. Để nhanh chóng dứt điểm các mục tiêu còn lại, Bộ Tư lệnh quyết định tung lực lượng dự bị vào trận. Trung đoàn 2 (Sư đoàn 9) do Trung đoàn trưởng Lê Tán Cẩm và Phó Chính ủy Nguyễn Ngọc Doanh chỉ huy và Trung đoàn 165 do Trung đoàn trưởng Trần Quang Triệu, Chính ủy Nguyễn Can chỉ huy cùng đánh thẳng vào trung tâm thị xã, đập tan các ổ đề kháng của địch ở đường Cách Mạng, đường Đinh Tiên Hoàng. 9 giờ 30 phút ngày 6/1, Đại đội 7 (Trung đoàn 2) gặp Đội đội 7 (Trung đoàn 141). Hai đại đội này hợp thành một mũi đánh chiếm dinh tỉnh trưởng. Chiến sĩ Nguyễn Văn Hoan (đại đội 7, Trung đoàn 141) cắm lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” lên trước nhà tỉnh trưởng Phước Long lúc 10 giờ 30 phút. Những tên địch sống sót tháo chạy về phía Bắc thị xã bị pháo binh diệt một số, hầu hết bị hai trung đoàn 201 và 271 bắt sống. 19 giờ cùng ngày, hầm ngầm trong sở chỉ huy trung tâm hành quân, vị trí cố thủ cuối cùng của địch bị diệt. Thị xã Phước Long bị quân ta đánh chiếm, chiến dịch Đường 14 – Phước Long kết thúc thắng lợi.
Là người trực tiếp tham gia chiến dịch này, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh cho rằng, chiến thắng Phước Long không chỉ là một chiến thắng quân sự đơn thuần mà còn mang ý nghĩa lịch sử đặc biệt. Ông gọi đây là “đòn trinh sát chiến lược” của quân và dân ta. Với nghệ thuật đánh “bóc vỏ”, đánh những chi khu xung quanh trước khi tiến vào trung tâm, quân ta đã thành công trong việc tiêu diệt lực lượng phòng thủ của địch một cách có hệ thống. Việc lựa chọn mục tiêu, xây dựng kế hoạch và triển khai lực lượng đều được tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo nguyên tắc “đánh chắc, thắng chắc”.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, kinh nghiệm từ Chiến dịch Điện Biên Phủ đã được vận dụng một cách sáng tạo và hiệu quả trong chiến dịch Phước Long, cho thấy sự trưởng thành của quân đội ta trong việc thích nghi với tình hình chiến tranh mới.
Ông Doanh chia sẻ, qua trận đánh này, chúng ta mới đánh giá được rõ hơn về việc Mỹ sẽ không can thiệp vào Việt Nam và ngụy không còn khả năng chống đỡ. Đây là cơ sở để Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng có quyết tâm chiến lược, chính xác, báo với Bộ Chính trị và Trung ương đưa ra quyết định giải phóng miền Nam sớm hơn.
… Đến trận chiến then chốt Xuân Lộc
Địa danh Xuân Lộc, tỉnh Long Khánh (nay thuộc tỉnh Đồng Nai) nằm trên đường số 1, cách Sài Gòn 60km về phía Đông Bắc, là một mục tiêu kiên cố, gồm tiểu khu Long Khánh liên hoàn với căn cứ Sư đoàn 18 ngụy. Sau khi Đà Nẵng bị quân ta tiến đánh và làm chủ, tướng Uây-en, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ đã trực tiếp đôn đốc quân ngụy tổ chức tuyền phòng thủ mới, kéo dài từ Phan Rang qua Xuân Lộc đến Tây Ninh, trong đó Xuân Lộc là điểm trọng tâm, nhằm ngăn chặn quân ta tiến theo đường số 1 và đường số 20 đánh vào Biên Hòa và Sài Gòn. Tướng Uây-en nói với Tổng thống chế độ Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu rằng, “Phải giữ cho được Xuân Lộc, mất nơi đây là mất Sài Gòn”. Từ những nhận định như vậy, quân ngụy đã tập trung một lực lượng lớn phòng thủ Xuân Lộc, bao gồm Sư đoàn 18, Trung đoàn Thiết giáp 5, 8 tiểu đoàn bảo an, 20 đại đội địa phương quân, hàng trăm nghìn cảnh sát và phòng vệ dân sự, cùng pháo binh và không quân rất mạnh.
Ngày 3/4/1975, tại Sở Chỉ huy ở Đông cầu La Ngà, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 bàn phương án đánh chiếm Xuân Lộc. 5 giờ 40 phút, ngày 9/4, Quân đoàn 4 chính thức nổ súng tiến công. Các trận địa pháo quân đoàn đồng loạt nhả đạn, trong đó một quả đạn pháo 95 phá hủy cụm ăng – ten của khu thông tin thị xã, một quả pháo 122 bẻ gãy cột ăng – ten trên đỉnh Núi Thị. Sau đó bộ binh bắt đầu xung phong. Ở hướng Bắc, các mũi phát triển thuận lợi vì mấy ngày trước trận đánh, đoàn cán bộ trinh sát đã được các đồng chí Năm Thắng – Bí thư Thị ủy Xuân Lộc trao đổi tường tận tình hình địch và nhân dân; địa hình khu vực tác chiến. Ba tổ trinh sát của sư đoàn do Lê Anh Thiện chỉ huy và các tổ trinh sát Trung đoàn 266 do Nguyễn Bá Nức chỉ huy đã vào trong thị xã trực tiếp điều tra, vẽ sơ đồ các mục tiêu, công sự phòng thủ của địch. 9 giờ 30 phút các chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 5 và Tiểu đoàn 7 cùng đồng đội mang lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” tiến về dinh tỉnh trưởng Long Khánh.
Bên cạnh đó, quân cách mạng đã tổ chức nhiều hướng tấn công như: Ở hướng Đông của Trung đoàn 165 (Sư đoàn 7); ở vòng ngoài có các Trung đoàn 270 (Sư đoàn 341) và Trung đoàn 209 (Sư đoàn 7) đánh bại hai tiểu đoàn địch, diệt 7 xe tăng của hai chiến đoàn 43 và 48 của địch từ Tân Phong vào cứu viện, giải phóng địa danh Bảo Toàn trên đường số 1 từ Hưng Nghĩa đến đèo Mẹ Bồng Con, thu nhiều trang thiết bị quan trọng của địch. Thấy nguy cấp, Lê Minh Đảo, Sư đoàn trưởng 18 bỏ Sở chỉ huy chạy ra ngã ba Tân Phong, còn Nguyễn Văn Phúc, tỉnh trưởng Long Khánh bỏ chạy ra Núi Thị.
Trong những ngày tiếp theo, phía ta tổ chức nhiều đợt tấn công từ các hướng, về phía quân địch cũng chống trả và phản công quyết liệt, khiến cho cuộc chiến diễn ra hết sức cam go. Trước nguy cơ bị tiêu diệt và xét thấy không còn khả năng phòng thủ, ngày 18/4, Lê Minh Đảo đề nghị rút bỏ Xuân Lộc vì “Mất Dầu Giây - như Đảo nói là mất tụ điểm về sức sống của Long Khánh” nên Bộ Tổng tham mưu ngụy đồng ý, đồng thời chỉ thị cho Đảo phải giữ bí mật kế hoạch rút chạy kẻo bị tiêu diệt. Ngày 21/4/1975, thị xã Xuân Lộc và toản tỉnh Long Khánh chính thức được giải phóng.
Đánh giá về chiến thắng quan trọng này, Đại tướng Ngô Xuân Lịch – nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, chiến dịch Xuân Lộc kết thúc thắng lợi, “cánh cửa thép” phía Đông của Sài Gòn đã mở rộng cho các đơn vị tiến vào giải phóng Sài Gòn. Chiến thắng Xuân Lộc đã khơi dậy và cổ vũ tinh thần quyết chiến, quyết thắng, khí thế cách mạng tiến công của toàn quân và toàn dân cho trận quyết chiến chiến lược. Nhờ vậy, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, ta đã huy động được một lực lượng quân sự lớn chưa từng có, với sự tham gia của 5 binh đoàn chủ lực, hàng chục sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn của các quân binh chủng, lực lượng vũ trang tại chỗ ở Nam Bộ kết hợp với sự nổi dậy của quần chúng nhân dân; cùng một khối lượng vật chất lớn với hơn 60.000 tấn vũ khí, phương tiện chiến tranh cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Với thắng lợi của Chiến dịch Xuân Lộc, quân và dân cả nước tin tưởng hơn vào thắng lợi cuối cùng của cuộc chiến tranh giải phóng. “Thắng lợi đó không những khẳng định đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh cách mạng, mà còn củng cố, phát huy nhân tố chính trị - tinh thần của toàn quân, toàn dân ta tạo nên sức mạnh tổng hợp để chiến thắng” - Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh.