Chiến trường mới của các tỷ phú

Chỉ có một số quỹ đạo đủ tốt để sử dụng, nên các cuộc cạnh tranh giành thị phần vũ trụ ngày càng quyết liệt. Và dĩ nhiên, những người tiên phong đều là các tỷ phú.

Hãng công nghệ vũ trụ Blue Origin của tỷ phú giàu bậc nhất thế giới Jeff Bezos (ông chủ của Amazon) vừa giành được hợp đồng làm tàu đổ bộ Mặt trăng cho NASA. Theo đó, Blue Origin sẽ phát triển một tàu đổ bộ để các phi hành gia của NASA đặt chân lên Mặt trăng vào năm 2029, trong sứ mệnh có tên Artemis 5. Dự án này được đánh giá là có giá trị hơn 7 tỷ USD.

Trước đó, năm 2021, SpaceX của tỷ phú, cũng giàu nhất nhì thế giới, Elon Musk (ông chủ của Tesla), cũng là công ty đầu tiên giành được hợp đồng tàu đổ bộ lên Mặt trăng. Theo đó, SpaceX sẽ phát triển một biến thể của tên lửa Starship phục vụ cho các nhiệm vụ Artemis của NASA. Đây là chương trình của NASA về đưa con người trở lại Mặt Trăng lần đầu tiên kể từ năm 1972.

“Trận chiến tỷ phú”

Khoảng chục năm trở lại đây, các tỷ phú bắt đầu để mắt đến vũ trụ như là một thị trường hoang sơ chưa được khai thác, từ các dự án vệ tinh bán dịch vụ internet Starlink của Elon Musk, đến các dự án đưa người đi du lịch ngoài không gian của Jeff Bezos. Hai tỷ phú này luôn “kèn cựa” và giành nhau mọi “hợp đồng không gian” cả chục năm qua.

SpaceX của Musk có vẻ theo chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh”. Họ liên tục thử nghiệm tên lửa, công nghệ vũ trụ mới, sai nhanh, sửa nhanh. Vì thế, SpaceX chiếm được nhiều tiếng tăm cũng như niềm tin từ chính phủ lẫn các quỹ đầu tư. Năm 2006, tên lửa Falcon One của SpaceX phát nổ khi thử nghiệm, nhưng chỉ 4 tháng sau SpaceX vẫn giành được một hợp đồng 400 triệu USD của NASA. Và chỉ 2 năm sau, SpaceX đã phóng thành công tên lửa Falcon 1 vào quỹ đạo, sau đó chở hàng lên trạm vũ trụ quốc tế ISS.

Ngược lại, Blue Orgin của Jeff Bezos lại đặt cược vào “cửa” khai thác du lịch vũ trụ, mang tính “kinh doanh” hơn. Khẩu hiệu chiến lược của vị tỷ phú này là: “Đi từng bước, nhưng quyết liệt”.

Thành quả nhìn thấy rõ nhất của chiến lược này sau 20 năm có lẽ chỉ là chiếc tàu vũ trụ New Shepard. Tàu này đã thực hiện thành công một chuyến du lịch đưa con người lên độ cao 100km, cho khách du lịch ngắm nhìn Trái đất từ không gian. Cho đến giờ, Blue Orgin mới thực hiện được duy nhất 1 chuyến nhưng họ tuyên bố sẽ thực hiện những chuyến du lịch như vậy thường xuyên trong tương lai.

Năm 2023, cả hai công ty của hai vị tỷ phú giàu nhất nhì thế giới này lại bắt đầu lao vào cuộc cạnh tranh mới: Lên Mặt trăng. Cả 2 cùng giành được hợp đồng với NASA cho việc này.

IBM đã đồng ý cho Moderna truy cập vào các hệ thống máy tính lượng tử và mô hình AI tổng hợp của họ để nghiên cứu vaccine và tạo ra các liệu pháp RNA mới.

IBM đã đồng ý cho Moderna truy cập vào các hệ thống máy tính lượng tử và mô hình AI tổng hợp của họ để nghiên cứu vaccine và tạo ra các liệu pháp RNA mới.

Khó như… “lên trời”

Tuy các tỷ phú đạt được một số thành công nhất định cả về mặt công nghệ lẫn thương mại, nhưng họ đều thành công bay lên quỹ đạo Trái đất và cùng giành được những hợp đồng lớn với NASA, nhưng con đường thương mại hóa vũ trụ vẫn còn nhiều chông gai.

Tháng 4 năm 2023, SpaceX phóng tàu Starship để thử nghiệm nhưng tàu đã nhanh chóng phát nổ trên không trung chỉ sau 4 phút rời bệ phóng. Trước đó năm 2021, tàu vũ trụ của Bezos đưa hành khách tư nhân lên không gian trong vòng 10 phút 20 giây với 4 phút cất cánh - 4 phút trải nghiệm không trọng lực - 2 phút 20 giây trở về mặt đất, tiêu tốn mất 5,5 tỷ USD của ông này. Sau đó, Bezos nhận rất nhiều chỉ trích là quá tốn kém và xa xỉ.

Không phải mỗi SpaceX và Blue Origin, nhiều doanh nghiệp muốn vươn tầm đến vũ trụ cũng vấp phải nhiều khó khăn, một số đã phải dừng cuộc chơi sớm, bất chấp đã đạt được một số thành tựu rất đáng ghi nhận.

Virgin Orbit, công ty phóng vệ tinh của tỷ phú Richard Branson là một ví dụ. Công ty lên sàn chứng khoán vào năm 2021 với giá trị thị trường khoảng 3 tỷ USD. Virgin Orbit chuyên phóng vệ tinh lên quỹ đạo thông qua tên lửa chở bằng máy bay Boeing 747 được chỉnh sửa.

Hồi tháng 1/2023, chuyến bay thứ 6 của Virgin Orbit với tên lửa LauncherOne đã không thể đạt quỹ đạo mong muốn, khiến những vệ tinh tình báo của Mỹ và Anh rơi xuống biển. Kể từ đó, Virgin Orbit xuống dốc và cuối cùng là phá sản.

Trong thị trường vũ trụ ngày càng cạnh tranh, nơi có thể chỉ có chỗ cho một vài công ty, một sai sót nghiêm trọng cũng có thể khiến công ty phá sản. Mặc dù Virgin Orbit đã có 4 lần phóng vệ tinh thành công trước khi xảy ra thất bại, nhưng đó lại là lần cuối cùng của công ty này.

Theo một số thống kê không đầy đủ, có đến hơn 100 công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực vũ trụ trên thế giới, nhưng rất ít người còn trụ lại. Nhiều công ty đã phá sản như Virgin Orbit, một số thì phải bán mình cho công ty lớn hơn.

Như vậy có thể thấy, việc kinh doanh “trên trời” quả thực “khó như lên trời”, kể cả là đối với các tỷ phú giầu nhất thế giới.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/chien-truong-moi-cua-cac-ty-phu-691347.html