Mặc dù chiến xa bộ binh BMP-3 được Nga quảng cáo có khả năng chống chịu rất tốt trước hỏa lực đối phương, tuy nhiên thực tế chiến trường Ukraine đã cho thấy điều này là không chính xác
Phương tiện tác chiến nói trên hóa ra rất mỏng manh khi bị pháo binh tấn công. Hậu quả từ một phát đạn pháo 152 mm cho thấy chỉ có tháp pháo của chiếc BMP-3 là giữ được hình hài, sau khi bị bật tung khỏi thân.
Ảnh hiện trường cho thấy, xe chiến đấu bộ binh (IFV) BMP-3 bị bắn trực diện và quả đạn 152 mm xuyên qua nó như cắt bìa đậu.
Kết quả là ngoài sức công phá của chính viên đạn pháo 152 mm, toàn bộ cơ số đạn mà chiếc BMP-3 này mang theo (bao gồm hàng trăm viên đạn cỡ 100 mm và 30 mm) cùng bị kích nổ, dẫn tới việc tháp pháo bị văng ra xa.
Số phận tổ lái chiến xa bộ binh BMP-3 của Nga hiện vẫn chưa rõ, nhưng với sức công phá như trên thì cơ hội để họ sống sót là không cao.
Ngoài ra việc cỏ mọc xung quanh cho thấy xe chiến đấu bộ binh đã bị phá hủy từ khá lâu trước đó, có lẽ là vào tháng 4 hoặc đầu tháng 5. nguồn tin không cho biết chiếc IFV này bị bắn trúng ở khu vực cụ thể nào.
Đến nay, xe chiến đấu bộ binh BMP-3 đang phục vụ trong thành phần tác chiến của quân đội 15 quốc gia trên thế giới và được coi là một loại vũ khí rất hữu hiệu với giá thành tương đối rẻ nhưng vẫn mang lại độ tin cậy cao.
Trong lúc này, vũ khí đã bắn hạ chiếc BMP-3 nói trên của Nga được suy đoán là một khẩu pháo tự hành 2S3 Akatsiys cỡ 152 mm, khi nó có thể hạ nòng và xoay tháp pháo để bắn trực xạ như xe tăng.
2S3 Akatsiya là hệ thống pháo tự hành bánh xích cỡ 152 mm do Liên Xô nghiên cứu chế tạo từ năm 1968 nhằm đối phó với loại M109 Paladin cỡ 155 mm của Mỹ.
Kết cấu của 2S3 gồm khung xe dựa trên cơ sở xe mang phóng tự hành 2P24 của tổ hợp tên lửa đất đối không SA-4 Krug nhưng đã được rút bỏ một hàng bánh chịu lực. Khối lượng chiến đấu của 2S3 Akatsiya là 28.000 kg.
Pháo chính của 2S3 là loại D22 cỡ 152,4 mm có chiều dài nòng gấp 27 lần đường kính (L/27) được phát triển dựa trên lựu pháo xe kéo D20, có tầm bắn tối đa 18,5 km với đạn thường hoặc lên tới 24 km khi sử dụng đạn tăng tầm lắp động cơ đẩy phụ trợ.
Trong trường hợp hạ nòng bắn trực diện, đạn HEAT-FS 152 mm của pháo tự hành 2S3 có thể xuyên qua 250 mm thép đồng nhất (RHA) từ cự ly 3 km.
Theo ghi nhận trên chiến trường Syria, một quả đạn nổ phá mảnh với đầu đạn trọng lượng 40 kg bắn đi từ pháo tự hành 2S3 Akatsiya đã dễ dàng xuyên thủng giáp hông xe tăng chiến đấu chủ lực T-55, thậm chí còn biến xe chiến đấu bộ binh BMP-1 thành một đống sắt vụn.
Tất nhiên không thể có chuyện 2S3 Akatsiya đấu tay đôi với xe tăng khi vỏ giáp của nó quá mỏng để có thể mạnh dạn ra trận, ngoài ra loại pháo tự hành này khó lòng bắn trực xạ một cách chính xác từ cự ly xa.
Rất có thể trong trận đánh nói trên, chiếc BMP-3 của Nga đã lọt vào ổ phục kích và bị pháo tự hành 152 mm Ukraine chuẩn bị sẵn đường ngắm bắn hạ.
Bạch Dương