Chiềng Muôn nỗ lực thoát nghèo

Chiềng Muôn là xã vùng III đặc biệt khó khăn của huyện Mường La, xã hiện có 6 bản, hơn 350 hộ, gồm 2 dân tộc Mông và La Ha sinh sống. Những năm qua, từ các chương trình, dự án, Chiềng Muôn đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập, từng bước xóa đói, giảm nghèo.

Người dân bản Cát Lình, xã Chiềng Muôn (Mường La) thu hoạch thảo quả trồng dưới tán rừng.

Người dân bản Cát Lình, xã Chiềng Muôn (Mường La) thu hoạch thảo quả trồng dưới tán rừng.

Với đặc thù địa hình chia cắt, độ dốc cao, giao thông khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, sản xuất chủ yếu mang tính tự cung, tự cấp, nên đời sống của người dân nơi đây còn nhiều gian khó, tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm 67,2%. Để công tác xóa đói, giảm nghèo đạt hiệu quả, xã Chiềng Muôn đã vận động nhân dân khai hoang diện tích đất trồng lúa nước, chuyển đổi đất nương kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cây sơn tra, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc; triển khai hỗ trợ giống cây, con cho các hộ nghèo phát triển sản xuất. Tổ chức cho nhân dân đi tham quan một số mô hình kinh tế hiệu quả ở các địa phương khác; chỉ đạo cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn nhân dân sản xuất theo mùa vụ. Xã đã được Nhà nước đầu tư kiên cố hóa hệ thống kênh mương ở các bản: Hua Chiến, Hua Đán, Pá Kìm, Nong Quài... với tổng chiều gần 13 km. Bên cạnh đó, tuyến đường từ xã Chiềng San vào trung tâm xã dài hơn 12 km đã được đổ bê tông, tạo thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa nông sản.

Chúng tôi đến thăm mô hình phát triển kinh tế của gia đình chị Hờ Thị Của, bản Cát Lình. Cách đây hơn chục năm, gia đình chị thuộc diện khó khăn của bản. Năm 2012, được cán bộ xã giới thiệu, chị đã mua 10 kg hạt giống thảo quả từ huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái về trồng 1 ha dưới tán rừng. Vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm, vừa mở rộng diện tích, đến nay, gia đình chị có 2 ha thảo quả trồng dưới tán rừng, trong đó, 1 ha đã cho thu hoạch, năm 2019 thu hơn 5 tạ quả khô, bán với giá 130 nghìn đồng/kg, thu trên 65 triệu đồng. Ngoài trồng thảo quả, gia đình chị còn nuôi 7 con trâu, bò; hơn 100 con gia cầm, mỗi năm thu nhập hơn 40 triệu đồng từ chăn nuôi. Chị Của chia sẻ: Bây giờ gia đình tôi đã có cuộc sống ổn định, không còn phải lo cái ăn, cái mặc nữa và đã làm được ngôi nhà mới bằng gỗ khang trang.

Tìm hiểu được biết, hằng năm, nhân dân xã Chiềng Muôn đã thâm canh hơn 100 ha lúa ruộng, sản lượng đạt gần 500 tấn thóc/năm; gần 90 ha lúa nương, sản lượng hơn 100 tấn; trên 85 ha ngô, sắn, sản lượng hơn 250 tấn. Bên cạnh đó, thông qua các chương trình, dự án, như: Chương trình 30a, chương trình 135, xây dựng nông thôn mới... đã hỗ trợ cây, con giống để người dân phát triển sản xuất. Riêng năm 2019, hỗ trợ bà con trồng mới hơn 52 ha mận, chuối tây; 36 ha cây sơn tra tại bản Hua Kìm, nâng diện tích cây sơn tra toàn xã lên hơn 150 ha. Ngoài ra, người dân bản Cát Lình, Hua Kìm còn trồng trên 6 ha cây thảo quả dưới tán rừng, sản lượng đạt gần 20 tấn quả tươi/năm. Cùng với đó, thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2020, xã có 100 hộ dân hai bản Nong Quài, Pá Kìm được hỗ trợ 100 con bò cái sinh sản. Hiện, toàn xã có gần 1.000 con trâu, bò; gần 600 con dê; gần 700 con lợn.

Thời gian tới, xã Chiềng Muôn tiếp tục phát huy hiệu quả mọi nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế; tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân chăm sóc, phòng trừ bệnh cho cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đưa các loại giống cây, con có năng suất, giá trị kinh tế cao vào sản xuất.

A Mua

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/chieng-muon-no-luc-thoat-ngheo-32750