Chiềng Yên giữ rừng

Là một trong những xã có độ che phủ rừng lớn nhất của huyện Vân Hồ, màu xanh của rừng ở Chiềng Yên hôm nay đã và đang được tạo nên nhờ có sự đồng lòng, góp sức của người dân. Dưới tán rừng già, những mầm xanh mới vẫn đang từng ngày vươn lên.

Cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn và tổ QLBVR và PCCCR bản Piềng Chà, xã Chiềng Yên tuần tra bảo vệ rừng.

Cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn và tổ QLBVR và PCCCR bản Piềng Chà, xã Chiềng Yên tuần tra bảo vệ rừng.

Theo con đường quanh co tựa dải lụa vắt qua các sườn đồi, chúng tôi về xã Chiềng Yên. Sau chặng đường dài, trung tâm xã Chiềng Yên hiện ra với một bên là những cánh rừng xanh ngát, bên kia là những nếp nhà sàn thơ mộng ẩn hiện trong làn sương. Đồng hành với chúng tôi là anh Nguyễn Thanh Hải, kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm huyện Vân Hồ. Chia sẻ về công việc của mình, anh Hải cho biết: Năm 2015, được Hạt Kiểm lâm huyện phân công phụ trách địa bàn, tôi đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã xây dựng kế hoạch, triển khai công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, quản lý đất lâm nghiệp; phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự xã, Ban Công an xã tổ chức kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp; cập nhập diễn biến rừng, thực hiện kiểm kê rừng, phối hợp với Quỹ chi trả dịch vụ môi trường rừng rà soát diện tích đủ điều kiện chi trả dịch vụ môi trường rừng; tuyên truyền chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với người dân; hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ cho các tổ, đội QLBVR và PCCCR các bản.

Được biết, để thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, cùng với hoạt động tích cực của lực lượng kiểm lâm, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức, đoàn thể xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và nhận được sự đồng tình tham gia quản lý, bảo vệ rừng của người dân. Ông Đỗ Minh Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã thông tin: Chiềng Yên hiện có trên 6.400 ha rừng, gồm: 4.300 ha rừng sản xuất; 832 ha rừng phòng hộ; 1.200 đất quy hoạch lâm nghiệp không có rừng, được giao cho 7 cộng đồng bản và 1 hộ gia đình làm chủ rừng; độ che phủ trên 70%. Nhờ thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ, hơn 12 năm qua, trên địa bàn xã không xảy ra cháy rừng. Năm 2018, xã được chi trả hơn 3 tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng, đây là nguồn kinh phí không nhỏ giúp bà con có thêm động lực góp sức bảo vệ và phát triển rừng. Đối với chủ rừng là hộ gia đình thì được hưởng 100% tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, còn chủ rừng là cộng đồng bản sẽ do các cộng đồng bản xây dựng quy chế chi tiêu, bảo đảm công khai, minh bạch.

Diện tích rừng lớn, độ che phủ cao là kết quả tích cực, nhưng cũng là bài toán khó của xã trong việc đảm bảo phát triển kinh tế, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Theo thống kê, xã có 8/11 bản có diện tích đất lâm nghiệp lớn, diện tích đất sản xuất nông nghiệp hạn chế, nên bà con chủ yếu sống dựa vào rừng. Do vậy, lực lượng kiểm lâm đã tham mưu cho xã xây dựng kế hoạch, tìm hướng hỗ trợ người dân phát triển sản xuất trên đất lâm nghiệp, tránh các hành vi xâm hại rừng. Từ năm 1998, nhiều mô hình sản xuất trên đất lâm nghiệp được triển khai, như trồng cây bồ đề, xoan, luồng ở các bản Co Bá, Pha Lè, Piềng Chà; cây dổi ở bản Nà Bai; cây hông ở bản Leo, bản Niên, Bống Hà... Bên cạnh đó, bà con còn trồng tre, luồng, ngoài khai thác cây còn thu hoạch măng và trồng cây sa nhân dưới tán rừng, góp phần tăng thêm thu nhập, vừa tạo “đường băng xanh” cản lửa, chống cháy rừng, chống xói mòn hiệu quả. Ông Bàn Văn Tiến, bản Piềng Chà chia sẻ: Gần 20 năm nay, thu nhập từ trồng xoan và sa nhân của gia đình bình quân khoảng 50 triệu đồng/năm. Nhưng, đầu ra của cây sa nhân và giá bán xoan còn bấp bênh, nên thu nhập chưa thực sự ổn định.

Trước thực trạng đó, thời gian gần đây, lực lượng kiểm lâm đang tích cực tham mưu cho xã xây dựng kế hoạch phát triển những loại cây lâm nghiệp phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, sinh trưởng và phát triển tốt, có giá trị kinh tế cao hơn để nâng cao thu nhập cho người dân. Thực hiện theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, xã đang trồng thử nghiệm một số loại cây lâm nghiệp có đặc điểm là thu hoạch nhanh, giá trị kinh tế khá, như cây hông, gáo vàng, có thể thu hoạch sau 5-6 năm, cho thu hoạch khoảng 350 - 400 m³/ha, giá trị khoảng 500 triệu đến 1,2 tỷ đồng. Đồng thời trồng xen với cây tếch, thời gian thu hoạch sau 10-15 năm, cho thu hoạch ước khoảng 400 m³/ha, giá trị khoảng 2,4 - 3,2 tỷ đồng. Cùng với đó, các cơ quan chức năng và xã cũng tích cực hỗ trợ người dân tìm nguồn cây giống đảm bảo, có giải pháp hỗ trợ về nguồn vốn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, kết nối đầu ra cho sản phẩm, để bà con yên tâm phát triển sản xuất. Đây được xem là một trong những giải pháp tích cực giúp tạo sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân gắn với việc bảo vệ và phát triển rừng.

Cùng với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là nhận thức của người dân xã Chiềng Yên về quản lý, bảo vệ rừng ngày càng được nâng lên, đã góp phần giữ vững màu xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời giúp người dân gắn bó, phát triển kinh tế gắn với rừng để có thu nhập, từng bước ổn định và nâng cao đời sống.

Lê Hạnh

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/chieng-yen-giu-rung-30040