Chiều 21/7, giá dầu châu Á tăng khi tâm lý thị trường được cải thiện
Giá dầu châu Á đi lên trong phiên chiều 21/7, khi các thị trường tăng kỳ vọng về việc Bắc Kinh sẽ sớm ban hành thêm các biện pháp kích thích kinh tế và lượng dầu thô tồn kho của Mỹ giảm, đi kèm với việc một số nhà khai thác dầu mỏ lớn trên thế giới cắt giảm nguồn cung.
Chốt phiên, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 68 xu Mỹ, lên 80,32 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 65 xu Mỹ, lên 76,3 USD/thùng. Tính chung trong cả tuần, giá dầu Brent ước tính tăng 0,6%, trong khi giá dầu WTI ước tăng 1,2%, đánh dấu tuần tăng thứ tư liên tiếp của cả hai loại dầu.
Số liệu kinh tế quý II/2023 thấp hơn dự kiến của Trung Quốc - nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới - đã hạn chế đà tăng của giá dầu kể từ đầu tuần này. Ngày 17/7, Trung Quốc đã công bố mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý II/2023 thấp hơn kỳ vọng, làm tăng nguy cơ không đạt được mục tiêu tăng trưởng hàng năm 5% mà Bắc Kinh đã đề ra.
Tuy nhiên, tâm lý các nhà giao dịch trên thị trường đã được cải thiện do kỳ vọng gia tăng về việc Chính phủ Trung Quốc sẽ sớm đưa ra nhiều biện pháp kích thích hơn nữa để hỗ trợ nền kinh tế. Các nhà phân tích của Ngân hàng National Australia Bank (NAB) đánh giá giá dầu thô cao hơn nhờ các bình luận tích cực về triển vọng gói kích thích của Trung Quốc và tác động từ việc đồng USD mạnh lên.
Ngày 19/7, Trung Quốc tuyên bố sẽ xây dựng kế hoạch giúp ổn định tăng trưởng trong 10 lĩnh vực then chốt, đồng thời tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân.
Tại Mỹ, các dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy mức lạm phát thấp hơn dự kiến và tăng trưởng việc làm vừa phải đã hỗ trợ giá cả, trở thành cơ sở để các nhà đầu tư và giới phân tích tin rằng đợt tăng lãi suất dự kiến vào tháng Bảy của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ là đợt tăng cuối cùng trong chu kỳ thắt chặt hiện nay.
Tương tự, những yếu tố cơ bản của nguồn cung cũng củng cố tâm lý thị trường. Các nhà phân tích từ Ngân hàng ANZ nhận định việc Saudi Arabia và Nga cắt giảm nguồn cung đã thúc đẩy giá dầu tăng trở lại trong tháng này.
Vào đầu tháng 7, Saudi Arabia cho biết sẽ gia hạn lệnh cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng dầu mỗi ngày thêm một tháng, trong khi Nga xác nhận sẽ cắt giảm xuất khẩu 500.000 thùng/ngày vào tháng Tám.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ngày 19/7 thông báo dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm trong tuần trước, được hỗ trợ bởi xuất khẩu dầu thô tăng, cùng với nhà máy lọc dầu tăng sản lượng.