Chiều 30 Tết khởi sự cho năm mới bình yên
Cuối cùng, sự thúc hối của tháng Chạp đã tạm nguôi ngoai. Tín hiệu bình yên đầu tiên của mùa xuân dễ dàng nhận ra ở chiều 30 tết. Chút thong dong của người bận rộn, chút bâng khuâng của người thờ ơ, chút ngậm ngùi của người cô độc.
Chiều 30 tết nôn nao như ngọn gió mà ấm áp như ngọn lửa, đủ để những xa lạ được nối kết lại, chân thành thổ lộ và bồi hồi lắng nghe câu chuyện của nhau. Tôi vẫn tin, chiều 30 tết, không có thanh âm nào vang lên từ một phía rồi chìm khuất từ một phía, mà luôn tạo ra làn sóng nôn nao hồi đáp của kỷ niệm miên man.
Khi cái nắng tháng Chạp ở phương Nam bỗng dịu nhẹ hơn, căn nhà nhỏ của gia đình tôi cũng bắt đầu xôn xao. Thằng con 6 tuổi cứ chạy tới chạy lui lo sắp xếp những món quà mà nó gom góp được, để về quê tặng cho ông bà và các anh chị em. Những món quà chỉ bỏ gọn vào một cái túi, mà nó đếm đi đếm lại vẫn sợ thiếu, đếm đi đếm lại vẫn sợ… mất. Tôi đã tha hương hơn một phần tư thế kỷ. Năm nào, cũng chạy ngược con đường xa cách để được thăm lại mảnh đất chôn nhau cắt rốn. Về quê, có khi chẳng biết làm gì, nhưng không về quê chẳng cách nào khỏa lấp những trống trải như chột dạ bất an. Về quê, chỉ để trả món nợ thương nhớ cội nguồn luôn réo thúc tâm can mỗi khi bàn tay ngỡ ngàng gỡ đi tờ lịch cuối cùng năm cũ.
Lộ trình về quê đâu hẳn băng qua mấy trăm cây số dằng dặc, mà trải nghiệm mỗi cung đường nhắc nhớ một kỷ niệm ấu thơ. Đèo và dốc, sương và bụi, mây và khói, cứ nôn nao từng mảng màu đậm nhạt của xa xưa. Ngôi nhà thời trẻ dại, mái trường thuở cắp sách, quán lá ngày hẹn hò, dòng sông phút chia ly... đều gợi lại cho tôi những bóng râm ngơ ngác và trong trẻo. Muốn hào hùng gọi tên những kỷ niệm ấy thật bi tráng, mà cổ họng sao nghẹn ngào. Muốn xao xuyến gọi tên những kỷ niệm ấy thật thầm thì, mà khóe mắt sao cay xè. Lẽ đời, người đi thì trà nguội. Thế nhưng, điệu bài chòi ngập ngừng con hẻm vắng vẫn giữ nguyên hơi thở trong lòng tôi biền biệt lữ khách bao mùa.
Ruộng đồng đã thu hẹp lại, phố xá đã cơi nới ra. Về quê, có khi chênh chao đi lạc giữa những lối quanh ngõ tắt đã khác xưa nhiều. Người quê cũng thay đổi, giọng quê cũng thay đổi theo đà hội nhập sâu rộng. Tuy nhiên, lời chào vồn vã của bạn bè cũ, ánh mắt trìu mến của hàng xóm cũ không lẫn vào đâu được. Những cử chỉ ân cần từng theo tôi khôn lớn, vẫn lặng lẽ gửi trao từ năm nọ qua tháng kia, vừa nhẫn nại vừa bao dung. Vì thế, suốt năm xuôi ngược áo cơm, tôi chỉ mong Tết để được về quê. Dẫu chen chúc tàu xe, nhưng trong sự vội vã mệt mỏi cũng có sự thong dong hạnh phúc. Về quê không võng lọng mà cũng thấy mình vinh quy. Về quê không cao lương mỹ vị mà cũng thấy mình no đủ nụ cười.
Về quê khi tóc lốm đốm sợi bạc càng thấy thương người thân đã lận đận mưu sinh từng buổi chợ nghèo. Về quê để cảm ơn phúc phận riêng mình vẫn còn cha mẹ già sớm tối bình yên tổ ấm cũ. Còn cha mẹ già còn cố hương gần gũi âu yếm. Còn cha mẹ già còn bồng bềnh những đám mây trắng trẻ dại bay lơ đãng giấc chiêm bao. Tôi lấy thương nhớ cội nguồn làm hành trang tha phương cầu thực. Đã có lắm ước mơ lỡ làng, đã có lắm ngộ nhận ê chề, đã có lắm va chạm gay gắt và cũng đã có lắm toan tính nửa vời, nhưng tôi chưa bao giờ che đậy gốc gác tỉnh lẻ của bản thân. Bởi lẽ, vệt nắng Chóp Chài hay bóng trăng Tháp Nhạn đều trở thành thứ đạo cụ lấp lánh để tôi được bền bỉ giữ lại khuôn mặt chính mình giữa chập chờn vai diễn cười khóc nhân gian.
Chiều 30 tết, tôi thích ngồi lặng yên trong ngôi nhà ấu thơ để nhìn ra con hẻm nhỏ, mà mỗi bước chân qua lại đã nghe tiếng động bớt nhọc nhằn hơn. Từ con hẻm nhỏ lô xô những mái nhà nặng trĩu âu lo đói no hàng ngày, tôi từng ngước lên bầu trời xanh thẳm những đám mây lang thang và mơ ước những chuyến đi rộn ràng. Tôi đã tha hương, thực sự tôi đã tha hương. Năm tha hương đầu tiên, vì sự liều lĩnh và hiếu thắng của tuổi trẻ, tôi đã phóng xe máy vượt gần 600km để về nhà cho kịp bữa cơm sum họp chiều 30 tết. Khuôn mặt mừng rỡ của mẹ tôi không thể nào che giấu được đôi mắt hoảng sợ. Mẹ tôi không quở trách gì, chỉ lặng lẽ thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên, như một cách cảm tạ các bậc tiền nhân độ lượng đã phù hộ cho đứa con lang bạt. Tôi bỗng hiểu rằng, giá trị lớn nhất của mỗi gia đình chiều 30 tết là được thấy mọi người thân đều an toàn và lành lặn, dẫu mâm cao cỗ đầy hay đắp đổi rau dưa.
Càng sống nhiều và càng sống đầy, càng thấy chiều 30 tết thật sự đáng trân trọng. Đấy là lúc cảm nhận rõ ràng mỗi giây trôi rất chậm của mỗi năm trôi rất nhanh. Đấy là lúc cảm nhận ngậm ngùi sự bất lực níu kéo những cái bắt tay ân cần và những cái vẫy tay chia biệt đã lướt qua âm thầm giữa những hạnh ngộ nhân duyên ngắn ngủi.
Đấy là lúc cảm nhận cụ thể sự tác động của thời gian đã nhập vào và xóa bớt những dữ liệu yêu ghét trong thẻ nhớ riêng mình, mà không thể mong ngóng bất kỳ sự trợ giúp nào của công nghệ hiện đại. Đấy là lúc đối diện bản thân để dần dần hiểu thêm, cuộc đời vẫn giống như dòng sông quanh co tự tìm ra cách chuyển động bền bỉ từ con suối thanh vắng.
Chiều 30 tết là một cuộc trở về. Mảnh vườn cỏ úa nào hoặc bậc thềm rêu cũ nào, cũng trở thành thánh đường cho cuộc trở về cho những con người thiết tha nguồn cội. Cuộc trở về đoàn viên của những bôn ba. Cuộc trở về an ủi của những lận đận. Cuộc trở về tằn tiện của những túng bấn. Cuộc trở về nhẹ nhõm của những nhọc nhằn. Cuộc trở về gom góp của những dành dụm... Tất cả đều xóa nhòa sang hèn và được mất. Tất cả đều hắt lên ánh sáng gần gũi của dĩ vãng và ánh sáng thăm thẳm của tương lai để ánh sáng hạnh phúc của hiện tại được hiển lộ đích thực chiều 30 tết.
Đối với tôi, chiều 30 tết là cột mốc khởi sự cho năm mới bình yên. Cuộc trở về nơi chôn nhau cắt rốn vào chiều 30 tết, mãi mãi như chuyến hành hương của đức tin và hy vọng. Chiều 30 tết, tôi cố gắng dọn dẹp những vướng bận và những ích kỷ mà bản thân trót đeo mang danh lợi, vì không dám chạm vào khoảnh khắc giao thừa chất chứa bao nhiêu trầm tích thiêng liêng bằng tính cách bạc nhược và tâm hồn tả tơi.
Nguồn SGĐT: https://www.saigondautu.com.vn/chieu-30-tet-khoi-su-cho-nam-moi-binh-yen-post101335.html