Chiêu bài của nhóm 'Kỹ nữ', chiếm đoạt hơn 200 tỉ đồng của 300 người
Hám lợi và tiếc số tiền đã chuyển trước đó, hơn 300 người đã bị cuốn vào lối chơi của nhóm đối tượng lừa đảo xuyên quốc gia và bị lừa hơn 200 tỉ đồng.
Ngày 4-10, 1 lãnh đạo phòng cảnh sát hình sự Công an Đắk Lắk cho biết đang tiếp tục điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt quy mô lớn. Trước đó, cơ quan này đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Vũ Duy Sơn (SN 1997, ngụ quận Hà Đông, TP Hà Nội) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
"Dụ rắn ra khỏi hang"
Ngày 19-2, anh L.X.H. (ngụ TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) lên mạng xã hội Tiktok, vào đường link Henho.bio được hướng dẫn tìm bạn khác giới để tâm sự trên app "Kỹ nữ".
Sau khi đóng 299.000 đồng lấy thẻ hẹn gặp và tạo tài khoản trên app "Kỹ nữ", liên kết tài khoản ngân hàng, nhân viên yêu cầu nạp tiền và làm theo hướng dẫn để nếu thành công sẽ được hoàn lại tiền kèm theo lợi nhuận.
Vì ham lợi nhuận, ngày ngày 20-2, anh H. chuyển thêm 555.000 đồng và được hoàn lại hơn 600.000 đồng. Anh H. chuyển tiếp gần 1,2 triệu đồng và được hoàn lại hơn 1,4 triệu đồng. Chuyển hơn 1,5 triệu đồng thì lập tức được hoàn hơn 1,8 triệu đồng.
Thấy không làm mà vẫn có tiền, trong ngày 20-2, anh H. chuyển tiếp gần 12 triệu đồng nhưng lần này nhân viên lấy lý do anh H. nhập sai dữ liệu, phải nạp 31 triệu đồng sửa. Sau khi nạp tiền, nhân viên tiếp tục liên hệ nói phải sửa chữa 2 lần và yêu cầu nạp gần 70 triệu đồng.
Lo sợ mất tiền đã chuyển, anh H. làm theo thì người xưng nhân viên hướng dẫn làm việc với kế toán để rút tiền. Anh H. liên lạc nhưng kế toán lại yêu cầu phải nạp ít nhất 80 triệu hoặc 180 triệu đồng phí bảo hiểm.
Bị cuốn theo và hy vọng được hoàn tiền, ngày 22-2, anh H. tiếp tục chuyển 80 triệu đồng. Sau đó, kế toán tiếp tục yêu cầu chuyển thêm số tiền 100 triệu đồng với lý do anh H. được hoàn tiền vượt quá hạn mức.
Thấy "con mồi" không làm theo, ngày 3-3, kế toán tiếp tục liên lạc với anh H. thông báo đến hạn cuối phí bảo hiểm 180 triệu đồng để được hoàn tiền và khoản lợi nhuận.
Muốn lấy lại số tiền, anh H. tiếp tục chuyển 100 triệu đồng. Sau đó, kế toán hướng dẫn anh H. rút thử số tiền 588.000 đồng và rút thành công.
Nhân viên kế toán tiếp tục hướng dẫn anh H. rút toàn bộ số tiền còn lại thì bất ngờ được thông báo tài khoản bị đóng. Trước tình huống "phức tạp", đến lượt 1 người xưng kế toán trưởng ra tay và yêu cầu anh H. nạp thêm hơn 166 triệu đồng.
Đến ngày 16-3, anh H. tiếp tục chuyển hơn 166 triệu đồng với hy vọng được khôi phục tài khoản. Thấy vậy, kế toán tiếp tục yêu cầu anh H. chuyển thêm 101 triệu đồng để được hoàn lại 657 triệu đồng nhưng anh H. không có tiền để nạp thêm.
Xuất hiện "người tốt"!
Cũng trong thời gian này, 1 đối tượng lạ có tên zalo và facebook là "Diệp Ngọc Như" kết bạn, trò chuyện. Khi anh H. chia sẻ việc bị lừa, đối tượng nói muốn giúp đỡ nên chia sẻ cho anh H. nền tảng trung gian thương mại để kiếm hoa hồng trên mỗi đơn hàng.
Sau đó, đối tượng nhờ anh H. vào tài khoản tên "Diệp Ngọc Như" để xử lý các đơn hàng và thấy nhận hoa hồng 3 triệu đồng nên anh H. nhờ hướng dẫn làm.
Sau khi đóng 5 triệu đồng đăng ký tài khoản thì anh H. nhận được 12 đơn hàng. Trong lúc xử lý đơn thì được thông báo có 1 đơn hàng lớn và yêu cầu anh H. phải nạp số tiền 5,4 triệu đồng. Sau khi hoàn thành 12 đơn hàng, thì anh H. nhận được gần 12 triệu đồng.
Thấy "cá đã cắn câu", đối tượng khuyên nên đăng ký gói thành viên VIP3 để được hưởng mức hoa hồng cao. Sau khi chuyển 72 triệu đồng, anh H. được nhận xử lý 120 đơn hàng. Tuy nhiên, khi xử lý đến đơn hàng 60 thì phát sinh đơn hàng có giá trị lớn và được yêu cầu nạp 134 triệu đồng.
Chưa dừng lại, đến đơn hàng thứ 119 thì tiếp tục phát sinh một đơn hàng có giá trị lớn và có yêu cầu nạp 377 triệu đồng. Do không đủ tiền nên anh H. chỉ chuyển được 192 triệu đồng, còn lại 185 triệu đồng thì đối tượng nói cho anh H. mượn và chuyển trực tiếp vào nền tảng.
Sau khi xử lý xong 120 đơn hàng, tài khoản trên nền tảng của anh H. vào số tiền rất lớn. Khi anh H. nhập lệnh rút tiền thì được yêu cầu chuyển số tiền thuế tiêu thụ hơn 382 triệu đồng. Do không đủ tiền, anh H. chỉ chuyển số tiền hơn 159 triệu đồng, số tiền còn lại đối tượng "tốt bụng" "Diệp Ngọc Như" tiếp tục cho anh H. mượn.
Sau đó, nhóm lừa đảo tiếp tục yêu cầu anh H. đặt cọc khoản bảo đảm chuyển tiền xuyên biên hơn 434 triệu đồng. Lúc này, anh H. không còn khả năng nạp thêm tiền thì đối tượng "Diệp Ngọc Như" chặn mọi liên lạc. Tổng cộng, anh H. bị chiếm đoạt hơn 1 tỉ đồng.
Như Báo Người Lao Động đã phản ánh, tiếp nhận đơn tố cáo của anh H. Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Đắk Lắk) đã vào cuộc làm rõ đối tượng Vũ Duy Sơn là một thành viên của đường dây lừa đảo.
Bước đầu Sơn khai nhận thông qua mạng xã hội, Sơn quen biết người tên Hùng và tên Minh (không rõ nhân thân lai lịch) đang sinh sống ở Dubai (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất).
Tháng 12-2022, Minh liên lạc với Sơn và giao nhiệm vụ cho Sơn đứng ra nhận tiền chuyển khoản của người khác chuyển đến với tiền công 12 triệu đồng/tháng.
Khi Sơn hỏi tiền đó là tiền gì, của ai thì Minh nói đó là tiền của những người bị nhóm Minh lừa tham gia vào app "Hen ho" (hẹn hò) và "Ky nu" (kỹ nữ) chuyển đến.
Với thủ đoạn trên, từ tháng 12-2022 đến nay, Sơn đã giúp cho nhóm của Minh lừa tiền của hơn 300 người tham gia ứng dụng, chiếm đoạt trên 200 tỉ đổng.