Chiều Bàu Tró

Bao năm, miệt mài hăm hở qua lại địa danh trận mạc những Sông Son, Phà Xuân Sơn, Sân bay dã chiến Gát, Đèo Đá Đẽo, Đường 20 Quyết thắng, Trạ Ang, Hang Tám Cô… của miền Tây Quảng Bình một thời đất lửa. Rồi những Phong Nha Kẻ Bàng Động Thiên Đường… Cứ nghĩ phải là có chút duyên chi đó thì nay mới ghé mới gặp được Bàu Tró! Mà thứ danh lam thủy tú ấy nằm sát sạt ngay mạn Bắc thành phố Đồng Hới!

Nghĩ cũng lạ cho cái anh “thực dân” Phú Lãng Sa lại có đầu óc văn hóa, văn minh. Ấy là tôi đang nói tới việc phát lộ ra một nền văn hóa Đông Sơn là công của một viên thuế đoan người Pháp ở Thanh Hóa, năm 1924 tình cờ nhìn thấy cái trống đồng ở túp lều rách của một lão nông làm nghề câu cá ven sông Mã. Năm 1920 lại một gã thuế đoan khác ở Đồng Hới tình cờ vấp phải cái rìu đá ở bờ một hồ nước khủng. Ông thuế đoan này vốn là chỗ thân thiết với ông Depiruy khi đó đương làm ở Viễn Đông Bác Cổ. Vị Depiruy này lại chia sẻ câu chuyện cái rìu đá với nhà địa lý và khảo cổ trứ danh Etinen Patte khi ấy tình cờ có công vụ ghé qua Đông Dương.

Bàu Tró nhìn từ trên cao

Bàu Tró nhìn từ trên cao

Và hơi bị mau chóng, Etinen Patte triển khai ngay một cuộc khảo cổ ở vị trí tìm thấy chiếc rìu đá ở Đồng Hới.

Một đợt rồi hai, ba đợt kế tiếp trong những năm 20-30. Trong các hố thám sát, người ta phát hiện ra số lượng đồ sộ những hiện vật từ rìu đá, mảnh tước, chì lưới đến vỏ sò, vỏ ốc, mảnh gốm… Trên cơ sở đó người ta đã nghiên cứu đã phát hiện một nền văn minh tiêu biểu của vùng đồng bằng ven biển miền Trung – “Văn hóa Bàu Tró”.

Bàu Tró đã trở thành một địa chỉ khảo cổ nổi tiếng ở miền Trung.

Nhưng người Pháp có lẽ ít người biết rằng có một vị Tiến sĩ người Nam, từ năm 1554 đã có những trang biên chép về Bàu Tró trong một cuốn sách. Đó là cuốn Ô Châu Cận lục tác giả là TS Dương Văn An một người con của đất Quảng Bình. Tất nhiên hồi ấy các học giả người Nam như cụ Dương đâu biết về di chỉ khảo cổ Bàu Tró mà hàng vạn năm trước đã có những bầy đoàn người nguyên thủy, người Việt cổ từng đến Bàu Tró trú ngụ sinh sống.

Cụ Dương nhà mình nắc nỏm trầm trồ về cái hồ “khủng” Bàu Tró như này:

“Hồ ngàn khoảnh mênh mang, một bầu trong vắt, khuấy không thể đục, lắng không trong thêm. Đây chính là cảnh non nước xinh đẹp nhất vậy...”.

Bàu Tró nằm ven biển ở phía đông bắc Đồng Hới, chỉ cách chân sóng bể Đông của Nhật Lệ có hơn trăm mét mà lạ thay, lại chứa nước ngọt tràn trề. Con hồ có chiều dài là 1.070 m, rộng 220 m ở phần Tây Bắc, 100 m ở đoạn gần giữa và 250 m ở phần Đông Nam. Bàu Tró có dung tích khoảng 9 triệu m3.

Bàu, đặc sản phương ngữ miền Trung. Bàu? Mần răng lại có bàu? Giới khoa học giải thích: những bàu này nguyên trước đây là các lạch trũng thoát triều, đầm phá ven biển sau bị các cồn cát ven biển chặn lại ở phía ngoài khiến cho chúng không thông được với biển. Nước ở đây bị nhạt hóa dần. Hoặc cũng có thể là vùng trũng giữa đụn cát cổ ứ nước mà thành.

Miền Trung có rất nhiều bàu cùng hình dạng khá phong phú. Tròn, thuôn, na ná quả bầu. Tôi ngờ rằng âm, chữ “bàu” cùng nghĩa với “bầu”. Bàu - bầu rượu túi thơ…

Bàu Tró? Bàu thì tạm rõ rồi. Nhưng còn “Tró”? Phát âm cho tạm chuẩn từ “tró” phải trẹo cả mồm. Cong lưỡi vừa phải. Bật nhẹ lên vòm họng. Dáo dác những hỏi han nghe chừng chưa có cách lý giải thỏa đáng. Tôi đành bấm máy cho Lê Minh Toản, một thổ công quê Quảng Bình. Quả không hổ danh một Phó TBT một tờ báo bự!

Nghe chất giọng hào sảng, tôi hình dung ra lão đang có động thái như chém gió!

Như ri (thế này), tiếng Việt cổ: tờ ló, ló là lúa, thóc. Cũng như trăng là tờ lăng; trời là tờ lời. Huyền tích giữa cát trắng bỗng nổi lên một mâm vàng, trên mâm có một hạt thóc (Cạnh Bàu Tró có một cái nghè thờ một vỏ lúa bằng gỗ khá to) như mách bảo nguồn nước ngọt này phát lộ sẽ mang lại cho ấm no.

Ló (tờ ló) còn có nghĩa là xuất hiện, giữa chốn rừng xanh cát trắng ló ra một hồ nước ngọt.

Nghe cũng có vẻ tạm xuôi xuôi!

***

Và bây giờ đương ló, đương òa trước tôi một Bàu Tró mênh mang.

Cũng lạ, hơi nước hay sương chiều mà giương căng hết nhỡn lực mà chỉ một màu xanh mờ bất tận chả thấy vệt bờ bên kia đâu cả.

Chiều sậm buông. Trong khoảng rời rợi âm u của những vệt dương (phi lao) thoắt một khung cảnh của chiều thu Bắc Hà, tôi ngồi với anh em Trạm bơm Bàu Tró.

Chuyện gần chuyện xa. Một Bàu Tró huyền bí và linh thiêng dần phát lộ qua những câu chuyện không đầu không cuối.

Trạm bơm Bàu Tró có nhiệm vụ cung cấp nước sinh hoạt cho TP Đồng Hới và mấy huyện lân cận. Dù Trạm có nâng công suất bơm ngày bơm đêm ngay khi cữ đại hạn thì nước hồ Bàu Tró cũng không bao giờ cạn. Chưa rõ những tầng nấc xử lý lắng lọc đoạn cuối như thế nào? Nhưng anh em ở trạm cho biết là bơm thẳng vì nước Bàu Tró rất sạch!

Chợt nhớ chuyện một chuyên gia chuyên theo dõi môi trường ở hệ thống sông suối Khu du lịch Tràng An. Vị ấy đưa ra một tiêu chí rất đơn giản: không phải bèo tây (lục bình) hay cây thủy trúc tươi tốt mà nước Tràng An không bị ô nhiễm. Mà là thứ rong đuôi chó. Loại này cực nhạy cảm. Ngoài khả năng lắng lọc xử lý ô nhiễm, chỉ hơi quá tải chút ít là rong đuôi chó này rầu rĩ ngay!

Tôi chia sẻ với mấy anh em thông tin này, tức thì một anh kêu toáng lên rằng “Trời ơi thứ rong đuôi chó ở Bàu Tró này có mà ối!”. Có lẽ nước hồ Bàu Tró hơi bị ưu việt thật?

Một góc Bàu Tró

Một góc Bàu Tró

Như chuyện Bàu Tró hình thành từ dấu chân của một người khổng lồ đi qua khu vực này. Bây giờ người ta dùng “không ảnh” hay Flycam đã “tóm” được hình Bàu Tró hệt một dấu chân khổng lồ ấy. Chuyện Bàu Tró là cái “hồ không đáy” vì một lần chứng kiến bên địa chất do sâu bằng thủ công. Người ta chèo thuyền gần giữa hồ dùng cuộn dây 30 mét cột đá vào. Vẫn hút tăm! Cột cuộn nữa 30 mét. Vẫn chưa thấy đáy mô cả!

Nhà báo có tin là dưới hồ này có những dòng sông ngầm không? Sông ngầm, chứ sao. Năm lâu rồi Quảng Bình có trận lụt to lắm. Ở Bàu Tró người ta thấy những quả bưởi lềnh bềnh nổi! Mà giống bưởi ấy chỉ có ở vùng Troóc Vực (huyện Lệ Thủy) cách đây gần 50 cây số. Vậy chỉ có Bàu Tró và Troóc Vực liên thông và có ngầm với nhau thì mới có chuyện lạ ấy?

Chẳng hay chuẩn xác đến đâu, nhưng một thời đạn bom hồi chiến tranh, đất Quảng Bình chỗ mô cũng tơi bời nát tươm bom Mỹ. Nhưng lạ thay Bàu Tró linh thiêng nơi hàng vạn năm trước người Việt cổ quần tụ chỉ bị có vài quả bom?

Không khí cuộc ngồi tự nhiên như chùng xuống. Ấy là khi một người với chất giọng lào thào thuật lại một chuyện hơi rờn rợn. Những năm đầu 80 bao cấp có một đoàn chuyên gia Liên Xô ghé Lệ Thủy. Họ đã tìm đến Bàu Tró. Mặc dù được cảnh báo hồ sâu nguy hiểm nhưng thấy khung cảnh quá tuyệt vời, nước thì leo lẻo trong nên từ trên ca nô nhiều người đi theo phương thức du lịch ngẫu hứng, địa phương không tổ chức lại chẳng có áo phao gì đã ùm xuống bàu tắm táp. Rất không may, một vị bất ngờ bị đuối nước.

Khỏi biên lại những nhiêu khê phiền toái sau cú đuối nước ấy. Cú tai nạn ấy ít người biết nên chuyện buồn đó bây giờ ít người nghe.

Tôi với anh Thanh – Trưởng trạm bơm sải bước về phía mấy cội dương lụ khụ um tùm. Ở đó có một cây hương (ngôi miếu nhỏ). Anh cho biết ngôi miếu này dân xây đã lâu… Tôi theo anh tiếp thêm mấy nén nhang lên ban thờ của miếu. Anh cho biết thi thoảng các anh cũng hương khói cầu thần linh thổ địa phù hộ cho anh em trong nhà khỏe mạnh công việc suôn sẻ, an lành. Tôi hỏi vui có chứng kiến sự linh ứng chi không? Anh thốt ra câu hơi lạ rằng nếu có nói có kể ra thì các anh cũng chả tin!

Tôi ghé gian bếp của trạm. Một chiếc chậu to đương óc ách mấy con cá. Ngó thoáng hình như giống cá nheo, cá lăng. Câu cá là thú vui của anh em. Vừa giải trí vừa cải thiện. Mùi cơm thơm từ nồi cơm điện quyện với mùi cá kho riềng làm khung cảnh trạm bơm toát lên không khí ấm cúng như một gia đình đang vô bữa tối!

Viết đến đây chợt nhớ một sự kiện.

Đầu năm 2001, trong nhóm báo chí tháp tùng chuyến công tác Quảng Bình của Thủ tướng Phan Văn Khải; Có một lúc tôi chứng kiến hình như Thủ tướng hơi lúng túng trước một tình thế…

Ấy là khi Ban lãnh đạo Quảng Bình khi ấy khá là nhiệt tình lẫn hăng hái đề nghị “cho” Quảng Bình một sân bay (trên cơ sở cải tạo nâng cấp sân bay Đồng Hới) và cây cầu bắc qua sông Nhật Lệ sang quê Mẹ Suốt.

Tác giả bên di tích khảo cổ

Tác giả bên di tích khảo cổ

Thủ tướng cười. Cho ngay thì chưa. Quảng Bình sẽ có sân bay, sẽ có cầu. Nhưng trước mắt Quảng Bình phải nỗ lực những chuẩn bị cơ sở này khác để phát triển kinh tế du lịch, một thế mạnh nếu không muốn nói là duy nhất để bứt phá thoát nghèo và tiến tới làm giàu. Cây cầu và sân bay sẽ là cú hích để Quảng Bình phát triển kinh tế du lịch!

Chao ôi, cái cười có chút ngập ngừng của ông Sáu Khải 23 năm trước nay là cái cười vui của dân Quảng Bình đang chung tay đẩy mạnh kinh tế du lịch một ưu thế mà tạo hóa ưu ái riêng với mảnh đất này. Trong đó có thế mạnh của Bàu Tró như một cú hích vậy!

Cũng được biết thêm, chỉ ít ngày khi về nhận nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, ông Vũ Đại Thắng đã có buổi làm việc với ngành văn hóa và các cơ quan chức năng khác của tỉnh về quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực bảo tồn, tôn tạo, giữ gìn bảo vệ cảnh quan môi trường di tích khảo cổ Bàu Tró.

Xuân Ba

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chieu-bau-tro-post1662713.tpo