Chiều khiết bông
Chiều vần vũ mây đen. Một chiều Sài Gòn mưa bất chợt. Có lần, Sáu nói với ông: 'Sài Gòn này mưa nó cũng du côn anh Tư à. Nãy bên nhà tui mưa thí mụ nội, mặc áo mưa qua nhà anh cái tạnh ráo. Khúc này mưa, khúc kia nắng chói chang. Mưa còn vậy, huống hồ chi tui hen anh'. Thằng Trọng của ông, thằng Sáu Nhỏ có cặp giò danh trấn Sài Gòn nay quéo quắt tàn kiệt bên góc chung cư cũ. Đời người qua như gió thoảng…
Ông ngồi dưới giàn hoa đương mùa bông rợp đỏ. Xóm nghèo lọt thỏm trong cái hâm hấp nóng của tháng năm. Đã là hơn ba giờ chiều, Sáu hổng tới. Nghe chừng như lòng ông thấp thỏm một điều gì. Hôm qua, trước khi về, Sáu nói một tràng: "Hình như cái ngực tui nó nhói, dạo này hay bị lắm anh. Mà mai nhiều khi tui ghé trễ nhen, mai giỗ cha nội Chà Và. Quanh quẩn ai đâu mà nhớ, đời lụn tàn thì ngay cả cái xác mình cũng khô khốc. Có chăng là mình ên tui nhớ nó, cắm cho nó cây nhang. Biết đâu chừng…". Ông nhìn Sáu, rồi dúi vào tay Sáu trăm bạc: "Nè, mầy đi mua cái gì cho nó ăn cho ngon. Thắp giùm tao cây nhang. Hồi đó…".
Mấy ông già hay nói chuyện "hồi đó". Là cái hồi xưa xa lắc lơ, xa đến nỗi giờ có khi nhớ đúng, có khi nói sai, có khi cự cãi hoài hổng dứt câu chuyện. Vậy đó mà mấy năm, cái rào khiết bông bao mùa lên lá, bao mùa đỏ sân, bao lần thấy hai ông già kể, nghe hai ông già nói, nhìn hai ông già ngồi cười khục khặc.
"Thằng Tâm giống y hệt anh lúc nhỏ hen anh Tư. Thương cái thằng… ờ cái thằng con tui… giờ hổng biết nó sao, còn hay mất… Chỉ cần được nhìn thấy nó là tui mãn nguyện kiếp này" - Sáu cười đó rồi buồn đó. Ký ức có thể khiến người ta vui mà đi qua tuổi đời heo may xế tà. Vậy mà đôi khi, nó lại khiến người ta đớn đau cạn cùng con tim. Đó là mỗi lần Sáu gặp thằng Tâm. Mấy lần như vậy, đường về của Sáu cứ chênh chao theo ánh chiều loang loáng nước mắt.
*
Trọng xiết chặt tay Nghĩa chạy băng băng về khu Đa Kao, quẹo ngay con hẻm luồn ra cầu Sắt. Vừa chạy nó vừa ngoái lại. Xuống được dốc Vịt Quay, nó ém Nghĩa xuống gầm cầu, ra dấu, rồi một mình nó trồi ngược lên, băng qua phía đầu Hiền Vương thì bị cả đám đuổi kịp. Nghĩa nghe tiếng la vang dậy cả một chiều mưa hắt lên phố cũ. Mấy cây dầu mùa này rụng trái đầy đường. Tiếng hét cộng với mấy câu chửi thề ỏm tỏi càng lúc càng nhòa đi trong tiếng mưa. Tim Nghĩa đập liên hồi. Nín thở và đợi.
Thời gian cứ chầm chậm trôi qua. Nghĩa nghe có tiếng bước chân về phía gầm cầu. Trọng xuất hiện với mái tóc lòa xòa và cái chân cà nhắc, miệng đầy vệt máu. Nghĩa chạy ra giữa mưa, rối rít: "Mày có sao không? Hay đi nhà thương?". Trọng khoát tay, thả người ngồi xuống gầm cầu. Mười sáu tuổi, Trọng nghỉ học, theo ba má nó chạy hàng chợ. Nhà sáu anh chị em nheo nhóc, thất học, đến Trọng thì coi như "có chữ cũng chẳng giúp ích gì cho đời. Có tiền mới sống nha thằng chó!" - ba Trọng chửi miết. "Học chi nhiều mậy. Nuôi mầy nhiêu đó đủ rồi!", những câu nói phũ phàng của ba Trọng cứ dày thêm theo thời gian. Trọng nghỉ học ngang khi người bạn thân cạnh nhà háo hức báo tin mình đậu Pétrus Ký.
Nghĩa nhớ đêm đó, hai đứa lò dò ra kinh Thị Nghè nhìn con nước đêm trôi đặc quánh. Hỏi Trọng buồn không, nó chỉ cười trừ. Hai thằng con nít nhà sát vách, thân nhau từ nhỏ, ngặt thằng lớn tuổi hơn là con ông bà bác sĩ thì hiền queo, thằng nhỏ vốn con nhà chạy chợ thó hàng thì dày dạn dữ dằn. Trọng vẫn cứ đều đặn đưa rước Nghĩa ngày hai buổi đi về, đến đầu hẻm nhà thì nó lại quay ngược ra chợ. Cho đến một buổi sáng một ngày gió lạnh về ngang xóm nghèo, nó đứng chờ hoài nơi đầu hẻm vẫn không thấy ông anh cùng xóm xuất hiện. Chạy hộc tốc về căn nhà quen thuộc, nó thấy cửa đóng im ỉm. Người trong xóm cũng lắc đầu hổng ai biết tin.
Những năm đó, Sài Gòn hỗn mang. Bốn ngả đường thành còn mịt mùng tăm tối. Đêm đêm trái sáng giăng ì đùng ngoại ô. Vũ trường, quán bar đánh nhạc disco với mấy tay giang hồ cát cứ mỗi lãnh địa là một ông trùm. Trọng người nhỏ thó, da ngăm đen, ngồi gác cửa vũ trường Ngàn Mây nổi tiếng nhất khu Đa Kao. Đêm về ngang kinh Thị Nghè, nó hay ngoái lại nhìn đâu đó giữa thẫm đen dòng nước. Nó có đánh rơi gì hông, mà cứ nhìn miết, nhìn miết…
*
Hồi đó, xuôi chiếc xe lam một sớm trời chưa rạng, pháo súng ven đô bốc mùi in hằn trí nhớ. Gia đình ông bác sĩ lặng lẽ về quê chịu tang, mà chịu tang ai thì chỉ gia đình ông biết. Thằng nhỏ ngoái nhìn cái xóm nghèo hút dần theo con đường Hiền Vương. Rẽ qua quốc lộ, nó hỏi ba nó: "Rồi khi nào mình về?". Ông bác sĩ mắt chẳng rời phía trước. Có khi là một vài năm, có khi không. Chiến tranh đâu ai biết trước.
Nghĩa lục trong túi áo tấm hình nó chụp chung với thằng bạn thân nơi xóm nghèo. Chẳng biết linh tính mách bảo hay trời thương, bữa nọ từ Pétrus Ký về gần Phan Thanh Giản, nó thấy cái tiệm chụp hình, ngó thằng Trọng mặc bộ đồ có lẽ tươm tất nhất trong mớ quần áo cũ rích, nó kéo tay thằng bạn nghèo vào tiệm. Hai đứa con nít ngô nghê làm kiểu. Nghĩa nói: "Chụp để dành đi mày. Đâu ai biết thời loạn lạc này ra sao. Chừng nữa có dọn đi đâu cũng có cái mà nhớ". Mỗi thằng một tấm hình y hệt nhau.
Chiều đô thị bữa đó nghe nói có cuộc bố ráp đám học sinh Gia Long. Mấy con nhỏ làm gì hổng biết, chỉ thấy bị xốc nách lên xe nhà binh. Nghĩa đứng bên đường mắt rướm đỏ. Trọng bảo: "Lỡ sau này mà bị bắt lên xe thùng chắc em cắn lưỡi. Chớ nghe ngoài chợ nói tụi nó đánh đập, hãm hiếp dã man lắm đó anh. Anh lo học thôi nhen! Đừng xuống đường mần chi cho thiệt cái thân".
Nghĩa chưa kịp xuống đường hay rải truyền đơn chi hết, chỉ một giấc ngủ dài, nó thấy mình sâu hun hút vào mấy cánh rừng khộp. Chiều biên giới, mấy trận mưa buồn tê tái. Rì rào bên tai là giọng chú tài xế nói với ba nó: "Đồng chí ơi, vào căn cứ an toàn rồi". Ba má nó chít khăn tang trắng trên đầu, mặc bộ đồ trắng, tay ôm cái bài vị, thở phào nhẹ nhõm. Mãi sau này, trong một lần ngồi chờ ba đi họp trở về lại lán, nó cũng thấy một gia đình chịu tang giả như thế để đi vào căn cứ. Nó hỏi má, sao lại để tang giả mà không tìm cách khác để thoát ly. "Giả đâu mà giả con, tang thật đó", má nói. Nghĩa ngước đầu nhìn những cây dầu rừng thả mấy cánh dầu xoay tít từ trên cao xuống. Quê hương độ đó trắng toát màu chinh chiến.
Nghĩa về đây mới đó mà đã hai năm. Đôi khi trong những bài học tác chiến, học cách đánh mã morse, học che lá ngụy trang, nó hay tự hỏi nếu thằng Trọng biết nó đang làm gì thì sao. Những đêm băng rừng từ Tà Xia qua Lò Gò, ngồi dưới tán lá rừng, trăng sáng vằng vặc trên cao, Nghĩa thầm nghĩ, có khi nào ven bờ kinh Thị Nghè, thằng Trọng cũng ngồi ngó trăng như mình. Nó giờ ra sao? Chắc cao lắm rồi và vẫn đen nhẻm chạy tà lọt cho mấy sạp hàng ngoài chợ. Hay biết đâu nó đã có vợ cũng phường buôn gánh bán bưng trong cái chợ chồm hổm giáp bờ kinh.
Có lần đánh phá sân bay Thiện Ngôn, giữa thế trận giằng co trong đêm, Nghĩa bị một viên đạn ghim ngay đùi, được đồng đội lôi về suối Cô Tiên nằm chờ tuyến sau tải thương. Tim Nghĩa thình thịch đập. Cơn mưa rừng ập xuống. Bất giác nó thấy thấp thoáng trong màn mưa bóng hình thằng Trọng, hệt như bận trước. Mắt Nghĩa nhắm nghiền, môi mấp máy gì đó, rồi thiếp đi. Bữa đó, tiểu đội bị càn, rút về đến R cũng chỉ đâu chừng chục đứa.
*
Đô thành hoa lệ một phen nhốn nháo. Thiên hạ kháo nhau về trận tương tàn giữa Minh Cầu muối và Sáu Nhỏ sắp diễn ra trên đại lộ Nguyễn Công Trứ. Minh thuộc lớp đàn anh, hùng bá một cõi khu Ông Lãnh. Sáu Nhỏ chỉ là thằng cắc ké, nay ngang nhiên từ Đa Kao dẫn quân qua. Chẳng ai biết ngọn nguồn. Chỉ thấy quán cà phê trá hình sòng bài của Năm Thông Lợi đông đúc hơn lệ thường. Khắp chốn dân mặt rô, bảo kê, tay anh chị số má kéo về mỗi lúc một đông. Lời bàn tán không ngớt.
Gì chớ đất này có câu: "Cặp giò Sáu Nhỏ, cặp chỏ Chà Và". Phen này thằng Sáu quyết chơi cú lớn. Cái thằng mới hai mươi, thời loạn lạc ngoi lên từ kinh Thị Nghè, dưới trướng đâu trăm thằng lâu la thiện nghệ, dàn quân trận nào là tốc thắng trận đó. Đám đó trẻ khỏe, lại toàn dân lò võ Kid Demspey vang danh Viễn Đông. Mà giai thoại vì sao một cước nó hạ thủ đám Bình Long Xuyên ngay trên thủ phủ miền Tây thì nghe là bạt vía: thằng đầu đảng gãy cổ ngay tại trận. Hay mấy lần xộ khám Thủ Đức, chỉ bằng một cú đá, nó làm gãy một lượt ba song gỗ, khiến mấy thằng lính canh tái xanh mặt.
Câu chuyện rốp rẻng đang cao trào thì đã nghe bụi tung mịt mùng. Tiếng gầm gào vang động cả đại lộ. Đám hiếu kì nháo nhào đè đầu nhau coi cho bằng được trận thư hùng. Tiếng còi cảnh sát hú từ bốn ngả đường. Đám đông chạy tứ tán. Súng bắn chỉ thiên cũng chẳng cản nổi cuộc hăng tiết. Cho đến khi tàn cuộc, lính áp giải cả đám lên bốt, người ta vẫn không thấy Sáu Nhỏ, chỉ thấy Minh Cầu Muối mặt mũi be bét máu. Năm Thông Lợi phe phẩy cái quạt cười khà khà: "Đố trời mà bắt được thằng Sáu. Nó nhanh như sóc, khỏe như ngựa, lặn như rái cá. Hổng chừng giờ nó đang bơi tuốt qua phía bên kia Khánh Hội rồi bây ơi. Thôi thôi, giải tán".
*
"Cán bộ mới về theo giải phóng chưa biết chứ cái khu này phải trấn áp ngay. Tụi nó kéo băng kéo đảng hoành hành khắp nơi. Bà con thưa gởi đơn thành từng chồng. Cán bộ tiếp quản cần đi tuần quanh khu vực thì báo em chứ đừng tự đi. Đám dân anh chị tụi nó làm càn làm quấy, mình đỡ hổng kịp đó cán bộ…" - mấy lời đó vô tai Nghĩa câu được câu mất. Nghĩa đứng từ trụ sở Cảnh sát nhìn ra bờ kinh đen ngòm mà như thấy cái thuở thiếu thời của mình. Nghĩa khoát tay cho anh thuộc cấp lui ra rồi cứ thế lặng nhìn cái nơi quen thuộc đã từng lưu dấu nhiều kí ức. Ngày ra đi, xóm nghèo oằn mình theo thời cuộc. Ngày trở lại, tàn tro vẫn còn âm ỉ cháy.
Nghĩa đọc tập hồ sơ đầu tiên để trên bàn. Tập hồ sơ đó đánh dấu mật, ghi lại cuộc đời một thằng giang hồ cộm cán. Cái tên, gương mặt chẳng thể nào lẫn đâu được trong muôn vạn ảnh hình Nghĩa đã gặp trong cuộc đời mình. Nghĩa bắt đầu từ việc đi xuống xóm cũ, cái xóm nghèo có lối đi từ hẻm này thông qua hẻm kia. Địa bàn phức tạp. Dân Đa Kao giựt dọc chạy lách thân vô mấy con hẻm sâu hun hút bề ngang chừng một mét là có thể từ đường này băng qua đường kia, bí quá thì nhảy xuống kinh bơi từ bờ bên này qua bờ bên kia, thành ra phường khác quận khác. Xui rủi hụt hơi, đuối nước, ba ngày sau trương phình, dạt ở mé cầu nào đó, người dân phát hiện la í ới, vậy là xong một kiếp người. Đời du đãng, nếu không ngoi lên thành ông trùm cát cứ một phương thì sớm muộn cũng lê lết đầu đường xó chợ.
Cái xóm nghèo đìu hiu sau giải phóng, nhà còn nhà mất. Chỉ vào căn nhà trống không, bà con nói: "Vượt biên rồi cán bộ ơi". Ghé qua bên này thì "chủ nhà vẫn chạy chợ thuốc giả". Ghé qua bên kia thì "nó làm rượu lậu, bị bắt đợt truy quét, nhà còn ai đâu nữa mà hỏi". "Ờ thì căn này của hai vợ chồng ông bác sĩ, nghe đâu về Tây Ninh chịu tang cha hồi chục năm trước" là lời người ta nói về gia đình Nghĩa.
"Ổng đi rồi người ta xì xầm ổng làm cách mạng, bác sĩ chỉ là cái vỏ bọc để tiện bề làm tình báo. Sát vách hả, trời, cán bộ tinh ghê, nhà thằng Sáu Nhỏ, thằng quỷ trùm du đãng khu này. Ba nó chết hồi đạn lạc ở Gò Môn, má nó đu tàu vượt biên với mấy đứa em. Còn mình ên nó ở lại. Nó quỷ ở đâu, chớ cái xóm này hổng có nó bảo kê là băng khác qua làm càn rồi nhen cán bộ… Mà cán bộ nhìn quen quen…". Nghĩa chỉnh lại cái nón, che phủ quá nửa mặt rồi bước đi. Xóm vẫn xì xào: "Ngộ hen, ông cán bộ nói giọng miền Nam bây ơi!".
Đêm phủ lên bờ kinh Thị Nghè một màu đen thâm u. Đêm không trăng, sao chi chít trên nền tối. Bóng người vẫn phì phèo điếu thuốc, nhả từng ngụm khói lên thinh không. Nghĩa tiến lại gần, trong bộ đồ bình thường như người ta ra bờ kinh lang thang. "Trọng" - tiếng gọi trầm đục vang giữa không gian tĩnh lặng.
Bóng người quay ngang rồi nhảy phóc xuống, đứng sững lắp bắp: "Anh… anh còn sống hả?". Đêm hiu hiu gió. Hai cái bóng gợn theo từng đợt lăn tăn sóng. "Người ta nói nhà anh làm cách mạng. Anh đi rồi đâu hai ba hôm, tụi lính tới lục soát nhà. Tụi nó đập phá đồ rồi niêm phong cửa. Nó hỏi bà con trong xóm, mà có ai biết đâu. Mà chắc đúng hen anh? Giờ anh làm Công an, em làm thằng du đãng. Nay mình ngồi đây, chớ đâu biết ngày mai ra sao. Cũng có khi em chết dưới họng súng của anh. Em hổng còn ai thân thích ở đây nhưng em còn mấy đứa nhỏ. Nếu anh muốn làm gì tụi nó, chắc em phải nằm xuống đã. Còn nếu em theo anh về, anh tha cho tụi nó nhen. Tụi nó cù bất cù bơ, cha mẹ cũng tứ tán hay chết trận hết rồi. Đất này, tàn cuộc chiến, người ta mồ côi đầy rẫy…", mấy lời Trọng nói nghe cay đắng tới nhói lòng.
Nghĩa chẳng nói gì, chục năm trời mới gặp lại Trọng. Ánh nhìn thương lo đầy khắc khoải. Hai cái bóng lặng thinh trong đêm. Chợt loảng xoảng những tiếng va đập của kim loại. Chà Và Hương dàn quân từ đâu ùa tới. Bờ kinh nhốn nháo. Phía bên kia vùng tối, một đám lâu la từ các hẻm nhỏ kéo ra. Trọng nắm tay Nghĩa vội chạy đến đầu một con hẻm vắng rồi nhanh như cắt, Trọng thành Sáu Nhỏ băng ra đầu hẻm bắt đầu cuộc thanh trừng giành lãnh địa. Cả dãy phố bên bờ kinh sáng đèn. Nghĩa lừng khừng một đỗi rồi bọc mấy con hẻm quen thuộc chạy thẳng về đồn.
Khi tiếng xe hụ còi inh ỏi chặn hai đầu bờ kinh từ từ ép sát vào đám hỗn chiến, dao rựa vẫn còn tung mù trời loạn xạ. Có tiếng hét "Công an kìa", "lính tới chạy đi tụi bây ơi", nhưng cơn hăng tiết đã khiến đám giang hồ bất chấp. Tiếng súng chỉ thiên vang lên chừng như khiến đám đông sực tỉnh, những gã giang hồ tao tác chạy vào mấy con hẻm. Nhìn bóng Chà Và Hương đang đuổi theo Trọng, chẳng phân vân, Nghĩa chạy theo.
Con hẻm nhỏ chặt ngang mấy lối mở để thông ra Hàng Xanh. Nghĩa bắt kịp Chà Và Hương, lấy đà dậm bờ tường tung cú đạp rồi theo đà nhảy lên khuỵu gối đè thẳng vào lưng gã, móc ngay cặp còng khóa đôi tay gã võ sư lẫy lừng của chế độ cũ. Nghĩa giơ súng lên, thẳng về cuối hẻm cụt, có một người đang lom lom đứng nhìn, hai từ đanh thép buông ra: "Đứng im!". Trọng sững người, giơ tay lên, lần đầu tiên trong cuộc đời mình, Trọng nhìn thằng anh mình thương quý nhất mà nước mắt cứ lặng lẽ tuôn.
*
Sau chục ngày bặt tin, Tâm cười khì khì trong điện thoại: "Xong rồi má ơi, chừng một hai bữa nữa con về. Tóm gọn được thằng đầu sỏ rồi. Tụi con đang tạm lấy cung ban đầu, rồi áp tải về nè má. Ba má hạn chế ra đường nha, còn địch đó… Nhất là ba đó, cứ khoái lang thang với ông Sáu".
Tâm cúp máy, bà liền chạy ra sân tìm ông: "Thằng nhỏ mới điện thoại về, xong rồi ông ơi, an toàn hết trơn. Ủa mà nay sao thằng Sáu hổng ghé? Xế chiều rồi đó ông, hay gọi cho nó?". Ông thấp thỏm trong lòng nãy giờ. "Tui gọi cả chục cuộc rồi. Chắc nó đi thăm mộ thằng Chà Và Hương về mệt rồi ngủ quên…". Chiều vẫn chầm chậm trôi theo từng ngụm trà ông hớp.
Sau lần đó, người ta tống thằng Sáu lên Lê Minh Xuân. Mất cả năm trời lo thủ tục xin phép, ông mới được gặp nó. Thằng Sáu ốm nhách. Ông bảo giờ tao gọi mày là Trọng nghen. Thằng Sáu ngoảnh đi, trả lời ráo hoảnh: "Tui tên Sáu Nhỏ. Tui hổng quen ai hết. Ba chết, má vượt biên. Vợ dắt thằng con bỏ đi mất tiêu. Tui dân giang hồ, quen biết gì ai đâu". Rồi Trọng bỏ đi, mình ên ông ngồi dựa lưng thẫn thờ.
Bận đó lãnh đạo cũng chú ý gọi ông lên nhắc nhở: "Đồng chí còn trẻ, lo mà phục vụ đất nước. Đừng vì cái tình nghĩa riêng tư mà hỏng cơ đồ. Thương chú nên tui nhắc. Chú cứ về mà tự nghĩ". Cấp trên của ông trầm ngâm một hồi rồi nói tiếp: "Chú biết gì nhiều về nó? Thằng đó vang danh từ hồi chế độ cũ. Cặp giò của nó giết người trong chớp mắt. Thiên hạ nói nó có thuốc tiên từ ông thầy nào đó dạy. Chừng bắt được nó, nó lên cơn, không phải thuốc phiện, chú biết ma xêtông không? Thứ thuốc người ta chích cho mấy con ngựa chứng đó! Chích vô là máu nó rần rần, cho nó nhai thêm mấy lá thuốc lá, nó chạy đến đứt mạch máu mới dừng…". Ông thủ trưởng cắp nón bỏ đi, cánh cửa phòng đóng sập. Nghĩa rớt nước mắt hồi nào không hay.
*
Nghỉ hưu, ông dọn về lại con hẻm quen, sửa sang căn nhà cũ bấy lâu nay cho thuê. Ông cho trồng lại giàn hoa cũ ngày xưa. Cái giàn hoa có lần thằng nhỏ hỏi thằng lớn: "Anh biết tên gì hông? Đêm đêm em ngửi thấy nó thơm hết biết luôn". Thằng lớn gãi gãi đầu rồi lóe lên ánh nhìn rạng rỡ: "Khiết bông". Thằng nhỏ toét miệng cười: "Anh giỏi quá chừng, cái gì cũng biết hết trơn". Giàn hoa chịu đất, chịu nắng mưa của tiết trời phương Nam nên chừng một năm hơn đâm lá biếc xanh, qua trận mưa đầu mùa, bắt đầu trổ bông đỏ rực.
Mấy đứa con ra riêng chẳng thèm dọn về ở chung, chỉ mỗi thằng Út theo nghiệp cha, vẫn còn độc thân, giờ làm Trưởng phòng nghiệp vụ trên quận. Thằng con hoạt bát, gan dạ và hiếu thảo. Thằng con thương ba, hiểu hết nỗi lòng cha mình, hiểu luôn chuyện thi thoảng ông già lang thang ra bờ kinh ngồi ngó con nước. Mấy bận má thở dài thườn thượt rồi đem tấm hình cho thằng con coi. Má kể câu chuyện ba nó giấu nhẹm trong lòng, chẳng bao giờ để con cái biết: "Ổng sợ nói ra tụi bây hổng hiểu, nói ổng bao đồng mấy thằng chẳng ra gì. Nhưng mà chừng bây lớn rồi bây mới hiểu, cuộc chiến nào cũng nghiệt ngã. Còn - mất, thắng - thua, bạn - thù… thiệt lòng cách nhau chỉ một lằn ranh mà thôi. Cái lằn ranh do con người vẽ ra mà. Để hay xóa cũng là do mình…".
Thằng con trầm ngâm chẳng nói gì. Cho đến một hôm, nó gọi điện thoại cho ông. Trong điện thoại, nó kêu ông thay đồ lẹ chạy lên quận đi, rằng có người nhà cần ông bảo lãnh. "Người ta hổng có giấy tờ gì. Người ta khai dân Đa Kao hồi xưa. Người ta nói tên Sáu Nhỏ. Thằng cha Sáu Nhỏ chạy xích lô ẩu, đụng đuôi xe hơi mấy tỉ bạc, giờ hổng có tiền để đền. Hổng ai chịu lên bảo lãnh là bắt ổng thiệt đó nhen ba", thằng con nói một hồi.
Ông nghe điện thoại mà tay chân bủn rủn, hấp tấp chạy lên quận. Hai mái đầu bạc thếch thời gian trân trân nhìn nhau. Ai cũng khóc. Thằng Tâm cũng khóc. Đâu phải cứ hễ khóc là buồn? Sáu Nhỏ hổng có nhà, trú tạm gầm cầu thang chung cư Nhà Cháy bên quận Tư. Từ bận đó, Sáu Nhỏ bắt đầu ghé nhà ông mà ăn cơm gia đình.
*
Trên Quận điện thoại báo ông sắp xếp cuối tuần lên Quận lãnh huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. "Bữa đó chú Tư nhớ mặc bộ đồ ngành cho tụi con làm cái phóng sự để dịp kỷ niệm 30/4, nhà đài họ phát. Chú kêu thằng con Trưởng phòng chở đi nhen. Thằng nhỏ phát biểu vài câu về ba nó cho khí thế".
Đầu dây bên kia, giọng thằng Tâm gấp gáp: "Má nói ba chụp tấm hình hồi xưa gởi qua tin nhắn cho con coi". "Ủa chi bây?" - hỏi vậy chớ hai ông bà già cũng lúi húi chụp gởi theo lời thằng con. Ít phút sau, thằng con gởi lại tấm hình y chang. "Tấm hình này con thu được trong bóp của một thằng trong băng vận chuyển ma túy đá. Thằng đó gốc Việt, nó khai hồi nhỏ nó ở Sài Gòn, chỗ bờ kinh nước đen có cái cầu sắt bắt ngang. Sau chiến tranh, nó theo má nó chạy qua Cam, rồi sống đến giờ. Nó chỉ có tấm hình này là hình ba nó ưa nhét trong cái lon ghi gô. Lúc bỏ nhà đi, nó lén lấy đem theo. Nó nhớ mài mại hình như người ta kêu ba nó là Sáu Nhỏ…".
Ông rụng rời tay chân, lấy chiếc xe đạp nhắm hướng chung cư Nhà Cháy mà thẳng tiến. Nắng cuối ngày cũng đủ làm ông già bảy chục rỉ rả mồ hôi. Thiên hạ bu đen bu đỏ ngay chỗ Sáu Nhỏ tá túc. Ông dừng xe lại, gạt đám đông rồi đau đớn đứng nhìn. Thằng bạn của ông nằm co quắp, sùi bọt mép trắng miệng. Dân chung cư nói ông giang hồ sốc ma xêtông mà chết. Trưa nay họ thấy ổng đi đâu về than mệt, ổng nói chắc ổng chích mũi thuốc cho khỏe rồi qua nhà bạn uống trà…
Chiều vần vũ mây đen. Một chiều Sài Gòn mưa bất chợt. Có lần, Sáu nói với ông: "Sài Gòn này mưa nó cũng du côn anh Tư à. Nãy bên nhà tui mưa thí mụ nội, mặc áo mưa qua nhà anh cái tạnh ráo. Khúc này mưa, khúc kia nắng chói chang. Mưa còn vậy, huống hồ chi tui hen anh". Thằng Trọng của ông, thằng Sáu Nhỏ có cặp giò danh trấn Sài Gòn nay quéo quắt tàn kiệt bên góc chung cư cũ. Đời người qua như gió thoảng…
Thằng Tâm kí giấy tờ làm đơn xin thăm nuôi cho tên tội phạm mình vừa bắt, nó điền tên nó vào chỗ người thân. Sẫm trời, Tâm về đến rào nhà, ba vẫn ngồi bên giàn khiết bông, cạnh ông vẫn là hai ly trà chiều như lệ thường vẫn còn người bạn của mình. Chiều nổi gió, khiết bông vẫn đỏ một màu rưng rức.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/chieu-khiet-bong-i663598/