Chiêu lách luật để nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp

Mặc dù trên thị trường sơ cấp, tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ giảm mạnh so với năm 2020, nhưng trên thị trường thứ cấp tỷ trọng mua của các nhà đầu tư cá nhân lên tới mức 19% tổng khối lượng phát hành.

Báo cáo về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 và quý I/2022 mà Bộ Tài chính gửi tới Thủ tướng ghi nhận thị trường trái phiếu doanh nghiệp xuất hiện những rủi ro đối với sự phát triển của thị trường.

Theo đó, về nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, mặc dù trên thị trường sơ cấp, tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu giảm mạnh so với năm 2020, nhưng trên thị trường thứ cấp tỷ trọng mua của các nhà đầu tư cá nhân lên tới mức 19% tổng khối lượng phát hành.

Để chào mời nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu riêng lẻ, thị trường đã xuất hiện nhiều cách thức “lách” quy định của pháp luật về nhà đầu tư chứng khoán riêng lẻ.

Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân được xác nhận là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (hiệu lực trong vòng 1 năm) bằng hợp đồng mua kỳ hạn trái phiếu chính phủ hoặc chứng khoán niêm yết trong thời gian từ 2 - 4 ngày; nhà đầu tư cá nhân sử dụng tài khoản vay ký quỹ để chứng minh danh mục chứng khoán niêm yết đang nắm giữ có giá trị trên 2 tỷ đồng nhưng thực tế số vốn tự có thấp hơn; cá nhân không trực tiêp đứng tên mua trái phiếu mà ký hợp đồng dân sự với công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại hoặc doanh nghiệp khác để mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Về doanh nghiệp phát hành, trong số 358 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ năm 2021, có 57 doanh nghiệp phát hành có kết quả kinh doanh lỗ trước khi phát hành; 45 doanh nghiệp có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 10 và 10 doanh nghiệp phát hành có tỷ lệ khối lượng phát hành gấp trên 5 lần vốn chủ sở hữu.

Một số doanh nghiệp phát hành để góp vốn, mua cổ phần, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn; hoặc phát hành để chuyển vốn “lòng vòng” nhằm lách quy định về giới hạn cho vay/đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng đối với 1 khách hàng/nhóm khách hàng.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính còn cho biết, trên thị trường có hiện tượng các doanh nghiệp chào bán công khai trái phiếu phát hành riêng lẻ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trái phiếu được chào bán là trái phiếu có lãi suất cao (11% - 12%/năm), thông tin chào bán do chính tổ chức phát hành trực tiếp chào mời trên thị trường sơ cấp hoặc do doanh nghiệp có liên quan chào bán lại trên thị trường thứ cấp.

Về tổ chức cung cấp dịch vụ, tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu là công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ tư vấn, rà soát, hỗ trợ xây dựng hồ sơ chào bán trái phiếu riêng lẻ đáp ứng quy định về điều kiện và hồ sơ chào bán trái phiếu theo Nghị định số 153 và có trách nhiệm rà soát, đảm bảo tính tuân thủ của hồ sơ.

Tuy nhiên, có hiện tượng một số tổ chức tư vấn xây dựng hồ sơ chào bán có lợi cho doanh nghiệp để huy động vốn mà không cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin công bố cho nhà đầu tư.

Theo quy định tại Nghị định số 153, tổ chức đại lý phát hành, tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu có trách nhiệm rà soát chào bán cho đúng đối tượng nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và thực hiện đăng ký, chuyển nhượng trái phiếu cho đúng đối tượng nhà đầu tư.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, một số tổ chức đại lý phát hành, tổ chức đăng ký lưu ký cung cấp các dịch vụ để hợp thức hóa hồ sơ xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để chào mời nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu riêng lẻ.

Dù còn nhiều vấn đề nảy sinh, báo cáo của Bộ Tài chính đánh giá, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vẫn tiếp tục là kênh huy động vốn quan trọng của các doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn cho nhiều lĩnh vực (sản xuất, thương mại, dịch vụ, năng lượng...). Mặc dù nền kinh tế chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh, các doanh nghiệp vẫn lựa chọn kênh phát hành trái phiếu để huy động vốn với khối lượng phát hành tăng 40,36% so với năm 2020.

Cả năm 2021, các doanh nghiệp phát hành 639.766 tỷ đồng trái phiếu tăng 39% so với năm 2020. Trong đó chủ yếu là phát hành riêng lẻ (hơn 605 nghìn tỷ đồng) và phát hành ra công chúng đạt 34.146 tỷ đồng. Khối lượng phát hành trái phiếu ra công chúng tiếp tục tăng tích cực trong quý I/2022 với 5.486 tỷ đồng được phát hành thành công.

Khối lượng giao dịch trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp, bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp niêm yết và trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, đều tăng so với năm 2020.

Theo đó, “nhu cầu giao dịch trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường là tương đối lớn, việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tại Sở Giao dịch Chứng khoán là cần thiết để vừa tăng cường tính minh bạch của thị trường, vừa thúc đẩy thanh khoản trái phiếu” – Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết.

Bộ Tài chính cho biết thêm, thông tin thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng minh bạch với việc yêu cầu công bố thông tin tập trung trên hệ thống chuyên trang thông tin đối với cả doanh nghiệp phát hành và tổ chức đăng ký, lưu ký.

Trần Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/chieu-lach-luat-de-nha-dau-tu-ca-nhan-mua-trai-phieu-doanh-nghiep-1654165500645.htm