Chiêu lừa đảo mới khi trẻ nhỏ ở nhà một mình, cần làm gì để tránh
Giả dạng người bán thuốc vào một nhà dân rồi lừa đảo cháu nhỏ lấy lợn đất có số tiền trị giá khoảng 14 triệu đồng. Thêm một thủ đoạn lừa đảo mới khi trẻ nhỏ ở nhà một mình mà các bậc cha mẹ cần cảnh giác.
Lừa đảo thanh toán tiền mua thuốc cho mẹ khi trẻ nhỏ ở nhà một mình
Thông tin từ Công an TP Hạ Long, Quảng Ninh cho biết đang điều tra, làm rõ một phụ nữ có hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Cưỡng đoạt tài sản" bằng cách lợi dụng tình huống trẻ nhỏ ở nhà một mình rồi lừa đảo, đe dọa và lấy đi lợn đất có số tiền trị giá khoảng 14 triệu đồng.
Cụ thể, tại địa bàn phường Hùng Thắng, TP Hạ Long có một phụ nữ đi xe máy đến bấm chuông cửa một nhà dân. Người phụ nữ này giả là người bán thuốc, yêu cầu cháu nhỏ trong nhà thanh toán tiền mua thuốc cho mẹ.
Khi cháu bé cho biết không có tiền, người phụ nữ này đã quát mắng. Rồi giả vờ gọi điện thoại cho mẹ cháu, sau đó yêu cầu lấy lợn đất tiết kiệm đập vỡ để trả tiền thuốc. Vì hoảng sợ, cháu bé này đã làm theo, đưa cho đối tượng khoảng 14 triệu đồng.
Tiến hành rà soát, lực lượng công an xác định đối tượng là nữ, khoảng 50 tuổi, cao khoảng 1m60, dáng người to béo, thường sử dụng phương tiện là xe máy có màu sơn đỏ đen, dán đề can vào biển kiểm soát.
Theo Công an TP Hạ Long, đây là một thủ đoạn mới, tinh vi. Đối tượng đã lợi dụng tình hình dịch COVID-19, khi có nhiều cháu nhỏ ở nhà một mình, đã thực hiện hành vi gọi cửa rồi yêu cầu các cháu phải thanh toán tiền mua hàng của bố mẹ. Sau đó đe dọa, quát mắng rồi giả vờ điện cho người thân để bắt các cháu thực hiện theo yêu cầu của đối tượng.
Những điều cần làm khi để trẻ ở nhà một mình tránh bị lừa đảo
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều gia đình, cha mẹ đi làm đành phải để trẻ nhỏ ở nhà một mình. Nhiều trẻ nhỏ đã trở thành nạn nhân của trộm cướp, lừa đảo.
Theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh – Phòng Tư vấn Tâm lý gia đình và trẻ em TP.HCM chia sẻ, chúng ta luôn dạy trẻ theo hướng phải biết nghe lời người lớn. Không hình thành tinh thần phản biện cho trẻ và cho đó là giá trị của sự vâng lời.
Chính vì thế, rất khó để các em có được những hành động tự chủ như khả năng từ chối, khả năng chạy trốn, giữ an toàn cho bản thân,… Chưa nói đến khả năng chống đối để tự bảo vệ mình.
Thực tế cho thấy, đa phần trẻ em đều không dám cãi lời người lớn. Nếu kèm theo đó là sự hù dọa thì các em sẽ rất sợ hãi và sẽ làm theo các yêu cầu của người lớn. Các đối tượng tội phạm đã dựa vào đó để tạo nên áp lực. Dẫn tới việc trẻ phải lấy tài sản của mình để giao cho chúng.
Đối với các em sau khi bị hù dọa, dụ dỗ để làm mất tài sản của gia đình, các bậc cha mẹ cần phải nhận ra phần lỗi của mình. Không nên la mắng, trách móc, đánh đập trẻ nhỏ hay than thân trách phận. Trải qua tình huống này, trẻ nhỏ cũng bị tổn thương nhiều, sẽ rất lo lắng, sợ hãi. Bố mẹ hãy an ủi trẻ nhỏ rằng "của đi thay người", sự an toàn của con mới là điều quan trọng. Hành xử như vậy là để tránh cho trẻ nhỏ thêm một lần chấn thương tâm lý.
Khi gặp những tình huống này, điều quan trọng là phải biết rút kinh nghiệm cho bản thân. Tránh việc để con ở nhà một mình mà không có biện pháp bảo vệ an toàn. Đồng thời cần phải có những biện pháp an toàn cho con, tránh để sự việc lặp lại hoặc xảy ra dưới một hình thức khác.
Trong trường hợp bất khả kháng phải để con ở nhà, cha mẹ cần lưu ý một số biện pháp để bảo vệ con:
-Không để tiền nhiều và các tài sản đáng giá ra bên ngoài. Chỉ nên để bên ngoài cho trẻ những sách vở, đồ dùng không có giá trị cao.
-Trang bị các kỹ năng sống an toàn cho con. Ví dụ, dặn dò trẻ nhỏ nếu có ai đến hỏi thì phải nói là bố mẹ cháu sắp về. Sau đó phát tín hiệu cầu cứu cho những người xung quanh, gọi điện cho cha mẹ. Tuyệt đối không cho ai lọt vào trong nhà. Xây dựng những tình huống và có thể tập cho các em một số biện pháp để kêu cứu hay trốn chạy.
Cha mẹ cần gửi gắm con cho những người lớn tin cậy xung quanh, hàng xóm để họ lưu ý giám sát cùng cha mẹ.
H.P