Chiêu lừa đảo mới từ vụ Mr Pips: Kẻ gian lừa đảo hỗ trợ lấy lại tiền chiếm đoạt
Những ngày gần đây, mạng xã hội xuất hiện nhiều tài khoản có dấu hiệu lừa đảo, mời gọi hỗ trợ lấy lại tiền cho nạn nhân trong vụ nhóm đối tượng do TikToker Mr Pips cầm đầu lừa đảo, chiếm đoạt.
Gần đây, lợi dụng vào tâm lý mong muốn lấy lại được tiền bị lừa đảo, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều tài khoản có dấu hiệu lừa đảo, mời gọi hỗ trợ lấy lại tiền cho bị hại trong vụ án của TikToker Mr Pips đang gây chấn động dư luận.
Xuất hiện tài khoản có tên "Công ty tiếp nhận thu hồi vốn hiệu quả" đăng tải video về vụ việc của Mr Pips kèm nội dung cam kết: "Hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo của Mr Pips Phó Đức Nam! Bạn bị lừa mà không biết cách để lấy lại, chúng tôi chuyên tư vấn và hỗ trợ giải quyết nhanh. Nhận xử lý hồ sơ, lấy lại trên 70% số tiền bị lừa của quý khách. Lưu ý, chi phí hợp lý, thanh toán sau". Cùng với đó là đường link dẫn tới tài khoản của người được cho là "nhân viên pháp lý" sẽ hỗ trợ. Bài viết được đối tượng chạy quảng cáo thu hút hơn 70K lượt xem.
Đáng chú ý, trong đó có nhiều bình luận giả mạo rằng đã "nhận được tiền treo sau khi liên hệ công ty". Những bình luận này kéo về nhiều cảm xúc phẫn nộ của người dùng. Bên cạnh đó, cũng có bình luận "tố cáo" công ty này lừa đảo.
Thủ đoạn của chiêu lừa đảo "ăn theo" vụ Mr Pips gồm các bước như:
- Mạo danh chuyên gia hoặc tổ chức pháp lý, lừa đảo giả danh luật sư, cơ quan điều tra, hoặc tổ chức tài chính để tạo lòng tin;
- Khai thác tâm lý cấp bách, khai thác tâm lý sợ mất trắng, dùng lời hứa hoàn tiền hoặc đe dọa mất cơ hội nếu không hành động ngay;
- Thu thập thông tin cá nhân - đòi mã OTP, tài khoản ngân hàng, giấy tờ cá nhân, hoặc phí "xử lý hồ sơ", từ đó lợi dụng những thông tin này để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản;
- Sử dụng các kênh thanh toán không chính thức, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền qua ví điện tử hoặc tiền ảo, gây khó khăn trong quá trình cơ quan chức năng truy vết.
Ngoài ra, những kẻ lừa đảo còn có thể sử dụng AI và bot tự động để mở rộng phạm vi lừa đảo, hoặc dùng AI để giả giọng nói hoặc danh tính nhằm tăng tính thuyết phục với các nạn nhân.
Trước tình trạng trên, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến nghị người dân cần tỉnh táo, cảnh giác trước chiêu lừa mới "hỗ trợ lấy lại tiền" trong vụ lừa đảo của TikToker Mr Pips vừa qua để tránh việc một lần nữa trở thành nạn nhân. Đồng thời, chú ý đến những dấu hiệu giúp nhận biết và phòng tránh lừa đảo.
Người dân cũng không nên tin vào hình thức "hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo" cũng như những dịch vụ yêu cầu thanh toán trước các khoản phí. Cùng với đó, cần lưu ý không cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm. Khi nghi ngờ hay đã trở thành nạn nhân bị lừa đảo, người dân cần báo ngay với cơ quan chức năng để được hỗ trợ và xử lý theo quy định pháp luật.
Cần tuân thủ nguyên tắc “3 không”:
- Không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, số thẻ tín dụng qua điện thoại, tin nhắn hay email;
- Không truy cập đường link thanh toán từ tin nhắn hoặc email không rõ nguồn gốc.
- Không tải về những app không rõ nguồn gốc để tránh bị đánh cắp thông tin cá nhân.
Đối với những cuộc gọi xưng là công an, cảnh sát hoặc những cơ quan chức năng khác liên hệ qua điện thoại để yêu cầu xử lý công việc, tuyệt đối không cung cấp thông tin hay làm theo yêu cầu của các đối tượng liên hệ qua điện thoại; mọi thắc mắc hay hãy liên hệ trực tiếp tới trụ sở Công an gần nhất để được hướng dẫn và giải đáp. Vì cơ quan Công an tuyệt đối không làm việc qua điện thoại và mạng xã hội. Khi phát hiện bị lừa đảo hoặc nhận thấy có dấu hiệu đáng ngờ, người dân cần ngay lập tức trình báo cho cơ quan Công an gần nhất để được hỗ trợ.