Chiêu lừa không mới

Ngày 24-7-2019, Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức phiên tòa hình sự sơ thẩm để xét xử vụ án 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản' đối với các bị cáo: Vũ Đình Vũ (SN 1965), Hồ Thị Thư (SN 1967) và Trần Đình Chinh (SN 1960). Điều đáng nói các bị cáo đã sử dụng chiêu lừa rất cũ là mời gọi đầu tư vào các dự án ảo để hưởng lãi suất cao từ 37-200% mỗi tháng, vậy mà có rất nhiều người dính bẫy.

>> Huy động hơn 107 tỷ đồng trái phép: Tổng giám đốc lĩnh 20 năm tù

Đâm lao phải theo lao

Theo hồ sơ vụ án, năm 2015, Nguyễn Thế Anh (SN 1979), trú quận Cầu Giấy, Hà Nội thành lập Công ty cổ phần thương mại đầu tư Phúc Gia Bảo 868 (Công ty 868) và giữ chức Tổng giám đốc. Sau đó, Thế Anh mở chi nhánh nhiều nơi trong cả nước để kêu gọi người dân góp tiền hợp tác đầu tư vào lĩnh vực xây dựng hệ thống cà phê, nấm linh chi đỏ, chuỗi siêu thị mini tự chọn, dịch vụ du lịch lữ hành khai thác mỏ... (tất cả đều là dự án ảo). Mục đích lập công ty là để Thế Anh và đồng bọn thực hiện các hành vi lừa đảo những người nhẹ dạ cả tin góp tiền để hưởng lãi suất cao. Theo đó, Thế Anh dùng tiền của người đầu tư sau trả lãi cho người đầu tư trước, phần còn lại thì chiếm đoạt.

Tại Bình Phước, tháng 10-2015, Thế Anh mở một chi nhánh tại phường Tân Bình (Đồng Xoài), giao cho Vũ Đình Vũ làm Giám đốc. Từ tháng 10-2015 đến tháng 2-2016, bằng các chiêu trò giới thiệu về một số dự án khách sạn, khu du lịch, siêu thị... ảo và hiệu quả ma để ký 116 hợp đồng góp vốn, với số tiền 3.805.600.000 đồng của nhiều người, số tiền này Vũ chi trả lợi nhuận cho những người góp vốn trước 2,9 tỷ đồng, chuyển về Công ty 868 số tiền 356 triệu đồng. Vũ sử dụng khoảng 527 triệu đồng vào các hoạt động của chi nhánh, phần còn lại Vũ hưởng lợi như một nhà đầu tư. Nhiều người phát hiện trò lừa đảo của Công ty 868 nên đã gửi đơn tố cáo Nguyễn Thế Anh đến Bộ Công an. Ngày 22-7-2017, Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can, trong đó có Vũ Đình Vũ, Giám đốc chi nhánh Công ty 868 tại Bình Phước. Tháng 5-2018, Vũ Đình Vũ bị Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố ra trước tòa về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngày 28-11-2018, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên xét xử Nguyễn Thế Anh và đồng bọn về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, trong đó tuyên phạt Vũ Đình Vũ 24 tháng tù.

3 bị cáo Hồ Thị Thư, Vũ Đình Vũ và Trần Đình Chinh tại phiên tòa

Điều đáng nói, trong quá trình giúp sức cho Nguyễn Thế Anh thực hiện hành vi phạm pháp, Vũ Đình Vũ đã thành lập tại Bình Phước thêm một công ty giống như Công ty 868 để lừa đảo. Đó là Công ty TNHH MTV đầu tư Thương mại dịch vụ O.G Trung Tín (Công ty O.G Trung Tín) vào tháng 2-2016.

Góp vốn theo kiểu đa cấp

Tại phiên tòa, bị cáo Vũ Đình Vũ cho rằng, do nhận thấy Trần Đình Chinh, nguyên Phó chủ tịch UBND thị trấn Cát Tiên, huyện Cát Tiên đã nghỉ chế độ là người có “năng lực”, hiểu biết nên giao chức vụ Giám đốc Công ty O.G Trung Tín nhằm tạo lòng tin đối với khách hàng. Tuy nhiên, lời khai này đã bị hội đồng xét xử phản bác vì bản chất Vũ muốn Chinh thay thế mình đối phó với pháp luật.

Tại phiên tòa hình sự sơ thẩm ngày 24-7-2019, Vũ Đình Vũ khai nhận, khi làm Giám đốc chi nhánh tại Bình Phước, Vũ đưa bà Hồ Thị Thư, trú thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đến phụ trách kế toán kiêm thủ quỹ của chi nhánh. Đồng thời, Vũ đưa Trần Đình Chinh, trú thị trấn Cát Tiên, huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) vào đường dây của mình.

Tuy mở chi nhánh hoạt động nhưng Công ty 868 không chuyển tiền về để Vũ chi trả lợi nhuận cho những người đầu tư tại Bình Phước. Vì vậy, Vũ yêu cầu Thư không chuyển tiền cho Nguyễn Thế Anh nữa mà giữ lại để sử dụng. Đến tháng 1-2016, chi nhánh tại Bình Phước mất cân đối thu - chi, nên Vũ mượn Thư 400 triệu đồng để trả tiền lãi cho khách hàng. Biết Công ty 868 trước sau gì cũng bị cơ quan chức năng “sờ gáy” nên Vũ lập một công ty riêng rồi đưa một người khác lên làm giám đốc, còn bản thân rút lui để tránh bị bắt. Sau đó, Vũ lấy giấy tờ tùy thân của Trần Đình Chinh nhờ một cán bộ ở Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Phước đăng ký mở doanh nghiệp. Đầu tháng 2-2019, Công ty O.G Trung Tín do Trần Đình Chinh là người đại diện được cấp giấy phép hoạt động. Theo giấy phép, Công ty O.G Trung Tín do Trần Đình Chinh làm Giám đốc nhưng thực chất do Vũ điều hành với ngành nghề đăng ký kinh doanh không khác gì Công ty 868. Vũ cũng chia thành 3 gói đầu tư với mức 12,6 triệu đồng, 24,6 triệu đồng và 36,6 triệu đồng theo mô hình tăng lợi nhuận tháng thứ nhất nhà đầu tư nhận 5 triệu đồng, tháng thứ hai nhận 7 triệu đồng... Tức sau 6 tháng đầu tư, người góp vốn ở gói cao nhất sẽ hưởng 99 triệu đồng lợi nhuận.

Tuy nhiên, để nhà đầu tư được hưởng lợi nhuận, Vũ yêu cầu họ phải cam kết nếu đầu tư vào gói 12,6 triệu đồng phải giới thiệu thêm 6 người cùng ký hợp đồng góp vốn ở gói 36,6 triệu đồng. Nếu chọn gói 24,6 triệu đồng thì người đầu tư phải tìm được 2 nhà đầu tư khác ký hợp đồng đầu tư ở gói 36,6 triệu đồng. Cách làm này không chỉ đảm bảo được số tiền dư để chi trả cho người đã đầu tư trước mà còn có một phần để chiếm đoạt.

Trả giá

Bằng thủ đoạn nêu trên, chỉ từ ngày 2-2-2016 đến ngày 9-3-2016, bộ ba Vũ, Thư và Chinh đã ký được 20 hợp đồng góp vốn của 19 người đầu tư, thu về 794,4 triệu đồng. Số tiền này, Vũ dùng để trả lãi cho người đầu tư hết 194,4 triệu đồng, còn lại cả 3 sử dụng riêng, trong đó một phần để mua sắm trang thiết bị văn phòng, quảng cáo về công ty... Đặc biệt, Vũ còn lấy một phần tiền này chi trả lợi nhuận cho những người đã đầu tư vào Công ty 868 vì sợ khách hàng kéo đến đòi tiền làm đổ bể sự vụ.

Trong quá trình hợp tác lừa đảo, Chinh phát hiện Công ty O.G Trung Tín và Công ty 868 không có liên hệ gì với nhau. Vũ và Thư chỉ lợi dụng pháp nhân của Công ty O.G Trung Tín do mình đứng tên để thực hiện các hành vi lừa đảo, nhưng Chinh đã không can ngăn mà vẫn tiếp tục mời chào khách ký hợp đồng thu tiền góp vốn. Tuy nhiên, bộ ba này hoạt động chỉ khoảng 1 tháng thì bị cơ quan chức năng của tỉnh và Bộ Công an triệt phá cùng với vụ án của Nguyễn Thế Anh.

Tại phiên tòa hình sự sơ thẩm, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị hội đồng xét xử ra các quyết định xử phạt thật nghiêm khắc, vừa thể hiện sự công minh của pháp luật vừa để răn đe các đối tượng khác. Khi được nói lời sau cùng, các bị cáo đã bật khóc, thừa nhận hành vi phạm tội của mình và mong muốn nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Để xem xét thấu đáo mọi yếu tố, các tình tiết giảm nhẹ hình phạt cũng như những vấn đề liên quan đến vụ án và các bị cáo, hội đồng xét xử đã thống nhất tạm dừng phiên tòa để nghị án kéo dài.

Tấn Phong

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/chieu-lua-khong-moi-20489