Chiêu Lưu - Điểm nóng của nạn buôn người
Chúng tôi tìm đến bản Lưu Tiến (xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An), nơi đang có 38 người được cho là 'vắng mặt' lâu dài tại địa phương không rõ lý do. Bản hiện có 148 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc Khơ Mú. Trước đây, cuộc sống tuy nghèo khó, nhưng bản làng tương đối bình yên, tĩnh lặng. Khoảng 5 năm trở lại đây, khi trào lưu người dân địa phương bỏ rẫy rời quê đi làm ăn xa xuất hiện đã làm cho cuộc sống nhiều gia đình trong bản bị xáo trộn. Qua việc 'tuyển dụng lao động', bọn buôn người đã lừa dẫn hàng chục người dân trong bản đi đâu không ai biết.
Nói về thực trạng dân bản bị mất tích, ông Moong Văn Quế, Công an viên bản Lưu Tiến cho biết: "Tính đến thời điểm tháng 11-2014, bản có 38 người mất tích, nghi là bị bán sang Trung Quốc, trong đó có 16 trường hợp là trẻ em, học sinh". Cũng theo ông Quế, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do bà con dân bản có trình độ nhận thức thấp nên khi có người đến đưa cho gia đình ít tiền rồi hứa đưa con đi tìm việc làm thì đồng ý ngay mà không cần biết người đó là ai. Vì thế mà nhiều gia đình đã "tự nguyện" giao người thân cho những kẻ buôn bán người mà không hề hay biết.
Có một số trường hợp khác là trẻ em đi học về bị bắt cóc mất tích không có thông tin. Cụ thể như gia đình anh Moong Văn Tiến có con gái đầu là Moong Thị Na, SN 2002, đang là học sinh lớp 7 thì bỗng dưng mất tích trên đường đến trường. "Vợ chồng tôi hằng ngày lên nương làm rẫy, chuyện học hành để con cái tự lo. Cho đến một hôm đầu tháng 4-2014, không thấy cháu đi học về thì tôi vội đi tìm, dò hỏi thông tin cả thời gian dài nhưng đều bặt vô âm tín" - Anh Tiến chia sẻ, khi những giọt nước mắt cứ lăn dài trên má. Ngoài trường hợp cháu Na, bản Lưu Tiến còn có cháu Moong Thị Peng (8 tuổi, học sinh lớp 3); Moong Thị Đọt (12 tuổi, học sinh lớp 3 - con anh Moong Văn Hoành); Lữ Thị Chuẩn (17 tuổi - con anh Lữ Văn Thông)…đang bị mất tích không rõ nguyên nhân.
Rời bản Lưu Tiến, chúng tôi tìm đến một "điểm nóng" khác của xã Chiêu Lưu, nơi cũng có nhiều người "mất tích" không rõ lý do. Bản Lưu Thắng nằm sát Quốc lộ 7, cũng là địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc Khơ Mú. Theo ông Cụt Thanh Sơn, Trưởng bản, tính đến thời điểm hiện tại, có đến 49 người vắng mặt tại địa phương không rõ lý do. Tuy nhiên, hiện nay, một số người sau thời gian dài "mất tích" đã thông báo về cho gia đình là lấy chồng ở Trung Quốc.
Thời điểm chúng tôi có mặt tại bản Lưu Thắng, anh Cụt Văn Sang vừa trở về sau gần 15 ngày sang Trung Quốc gặp vợ và em gái bị lừa bán sang bên đó. Giờ đây, hai người thân yêu của anh đang phải chịu cảnh làm vợ của những người đàn ông bên kia biên giới. Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Sang kể về nỗi bất hạnh của gia đình: "Cuối năm 2007, tôi lấy vợ là Moong Thị May. Năm 2008, vợ tôi sinh con trai. Cuối năm 2010, vì muốn có tiền lo cho gia đình nên vợ tôi bị một phụ nữ khác ở xã Hữu Kiệm dụ dỗ đi làm công nhân, nhưng thực chất là bị thị lừa sang Trung Quốc bán. Gia đình chúng tôi đã đi tìm khắp nơi cả thời gian dài, nhưng không có thông tin gì. Nỗi đau mất vợ chưa nguôi ngoai thì tháng 2-2014, em gái tôi là Cụt Thị Mỹ, SN 1993, cũng bị một người trong xã lừa bán sang Trung Quốc".
Theo anh Sang, sau thời gian dài bặt vô âm tín, tháng 4-2014, vợ anh gọi điện về cho gia đình chồng. Qua cuộc nói chuyện, chị báo tin đang ở Trung Quốc và phải chịu cảnh làm vợ người khác. Cũng tại đây, sau khi biết em gái chồng bị mất tích, chị May cũng đã tìm gặp được Mỹ. Khi biết tin, Sang đã tìm đường sang Trung Quốc. "Sang đó, tôi bí mật gặp được vợ và em gái. Hai người khóc nức nở vì nhớ nhà, nhớ quê luôn có ý định trốn về, nhưng khó lòng thoát được sự quản thúc của phía nhà chồng mới. Giờ tôi rất đau khổ, nhưng chẳng thể làm gì được".
Ở Chiêu Lưu hiện nay, đang có rất nhiều gia đình phải chịu cảnh ly tán, mòn mỏi chờ đợi tin tức người thân trong tuyệt vọng như anh Tiến. Rất mong các cơ quan chức năng giúp họ để được đoàn tụ với người thân.
Viết Lam
Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/chieu-luu-diem-nong-cua-nan-buon-nguoi/