Chiều muộn
Đêm đêm, trong cái căn phòng tập thể với bốn chiếc giường cá nhân đơn độc, mồ côi ấy chàng lại lặn hụp trong một thế giới riêng tư, tự vắt kiệt mình cho những câu thơ. Nàng như vầng trăng lên ngôi và trở thành thần tượng của thi ca...
"Mát mặt anh hùng khi tắt gió"
Hồ Xuân Hương
Chiều xập xệ. Những tia nắng rực đỏ như một điểm nhấn báo hiệu một ngày sắp chết. Một ngày của những ai bươn chải mưu sinh, một ngày của những ai phải sắm các vai trong sân khấu cuộc đời... Sẽ không là tất cả nhưng phần đông đều đi qua cái điểm nhấn cuối cùng ấy để trở về mình, sống cho mình, sống với mình một đêm bản ngã mà tạo hóa đã ban tặng. Để rồi, khi nghe tiếng gà xao xác gáy, tiếng nhạc báo thức được cài đặt từ những con dế đen trũi hay những chiếc Smatphone sang trọng, đắt tiền lại vục dậy, bắt đầu hành trình của một ngày mới bươn chải, mưu sinh, một ngày lại sắm các vai trong sân khấu cuộc đời.
Tôi ngồi đối ẩm với nhà thơ. Gọi là đối ẩm nhưng thực ra chỉ một mình tôi uống. Từ lâu, nhà thơ đã giã từ thứ tiên tửu vì căn bệnh pắc - kinh- sơn. Người ta chỉ có thể được biết, được cảm nhận những cảm xúc của nhà thơ qua những trang viết. Còn bây giờ, trước mắt tôi, bàn tay cầm bút của nhà thơ có thể được xem là thước đo cảm xúc trực quan nhờ biên độ và tần số khi run.
Ráng chiều tán sắc vào ly rượu. Tôi lặng lẽ uống cạn buổi chiều, lặng lẽ nghe nhà thơ nói và nhìn cánh tay run. Những câu chuyện thuở thiếu thời, những câu chuyện ngỡ như là giai thoại nhưng lại rất đời của một thời tung hoành trên trang viết, lúc nghiêm túc, lúc lại rất khôi hài khiến hai chúng tôi cùng đăm chiêu, khi lại cùng cười ra nước mắt... Tất cả như những giọt rượu sẫm đỏ hoàng hôn chảy vào tôi trong một chiều nắng xế.
Dường như muốn để chiều rơi chầm chậm, để có thể dốc bầu tâm sự, nhà thơ đã phá lệ bằng cách tự rót cho mình một ly rượu. Ly rượu như cũng biết lỗi của mình đối với một người đang mắc bệnh pắc - kinh - sơn nên cũng luống cuống và run rẩy trên tay nhà thơ khiến mặt ly sóng sánh.
- Mình lấy vợ khi chưa muốn làm một gã đàn ông. Thật đấy!
- Chắc hồi đó "người" còn trẻ lắm?
- Chưa đến mức tảo hôn, cũng đã hăm rồi.
- ...
- Hăm hay băm cũng chỉ là cách tính, cách nhìn số học mà thôi. Mà số học thì muôn năm không thể lý giải được tình yêu. Có ai đó bảo giấy hôn thú như một tờ hóa đơn thanh toán tiền điện hàng tháng, nghe có vẻ hài nhưng cũng thật rất bi. Con người ta nhiều khi vẫn vậy. Đêm đêm ngủ với nhau một giường, đồng sàng đấy mà vẫn luôn dị mộng.
Nhấp một ly rượu đầu môi, nhà thơ như trôi vào cái thời trai trẻ...
- Có người bảo mình bây giờ thích chơi dung dăng dung dẻ. Hà hà! Có thể họ không hiểu nổi mình hoặc... họ đã quá hiểu về mình (trong cách viết và cả khi giao tiếp, nhà thơ thường có một kết cục mở, luôn để sẵn một ngã ba cho người đọc và người nghe như thế). Mình là người thích đi ngược thời gian. Cũng như trước kia, những ngày chủ nhật, người ta trở về nhà thì mình lại đi ngược hướng, trở về cơ quan.
Trở về căn phòng tập thể, một mình với bốn chiếc giường cá nhân mồ côi kê dạt vào bốn góc phòng. Ở cuối bốn cái gầm giường ấy là bốn cái hòm gỗ được ngăn thành nửa to nửa nhỏ. Nửa to đựng mỳ sợi, còn nửa nhỏ thì chả lúc nào đầy, vét mãi mới được dăm bảy lưng ống bơ sửa bò gạo cũ và lủng củng những bếp dầu, chai lọ.
Đạm bạc, quá đạm bạc. Nói đạm bạc cho nó thi vị thế thôi chứ thực chất là sống nghèo sống khổ. Cả một xã hội sống nghèo khổ, cũng giống như nước lụt thì lụt cả làng nào có chừa một ai. Dăm ba tháng mình mới về quê một lần và ở đó một đêm với nửa ngày chủ nhật. Chuyện chăn gối vợ chồng phận sự như đến bữa phải ngồi xuống mâm cơm mà không có cảm giác đói, ăn rồi mà vẫn cứ ngỡ như chửa được ăn, cứ ngang ngang, không biết mình đang no hay là đang đói. Nhiều năm như vậy, nó như những lớp vảy sừng ngày một chai cứng, tầng tầng, lớp lớp xếp lên nhau.
- Bởi thế nên trong thơ của "người" thường có nhiều "bóng trắng"?
- Vì mình chính là một thiếu phụ chưa chồng. Hà hà! Một gã đàn ông tao tuyết nhưng vẫn còn trinh bạch...
*
Tháng Giêng.
Hương Sơn lại mở cõi từ bi. Người người chen vai, hích cánh nườm nượp đổ về với vô vàn tâm thế: Hành hương, mộ đạo, vãng cảnh, cầu đảo hay tìm cho mình một chút bình yên giữa thác loạn của đời sống hiện đại. Tất cả cùng mang một gương mặt từ bi, hỉ xả với câu chào: "A di Đà Phật". Và, cũng như để chứng tỏ mình đã đặt chân lên chốn Hương Sơn thiền tịnh, sơn thủy hữu tình nên ai cũng tìm mua cho mình một vài thứ quà kỷ niệm gợi thiền: Tràng hạt, vòng, khánh, chữ Hán viết theo lối thư pháp...
Cũng như mọi người, tôi cũng tìm mua một thứ gì đó để có chút kỷ niệm nơi mình trẩy hội, du xuân chứ. Cửa Phật vốn từ bi, độ lượng nên tôi thấy mình không hề vướng bận, cũng chẳng vô cớ, vô duyên khi mua một cuốn sách nhỏ của Bà chúa Thơ Nôm. Về nhà, nghĩ lại thấy cái cô bán hàng kia hẳn cũng vô tình thôi. Chứ chuyện mang thơ Nôm của Bà Chúa bán chốn cửa thiền hẳn cô cũng chẳng ý thức được cái điều mà Bà Chúa muốn nhắn gửi: Những triết lý, mọi sự siêu phàm cũng đều bắt nguồn từ cõi tục. Còn trong dân gian, dân dã người ta vẫn bộc trực thì nói thẳng ra rằng mọi cái đều ở đó mà ra.
Xin cúi lạy Bà Chúa vì người đã lưu quang cho hậu thế: "A - di - Đà NGƯỜI". Chuyện thơ nôm của Bà Chúa với câu chuyện thời trai trẻ của nhà thơ trong cái buổi chiều xiên khoai nắng quái hôm nào bỗng nên duyên kỳ ngộ. Chắc cả đời nhà thơ vẫn thèm khát được yêu.
Chuyện là có một người con gái xinh đẹp vì cảm thơ của nhà thơ mà một lần giáp mặt đã đem đến cho chàng (nhà thơ) một tình yêu sét đánh. Chàng không ngần ngại tỏ tình, xin được làm "nô lệ" cho vầng trăng tròn tháng. Nàng cười má lúm một bên, bên kia phải nhìn thật kỹ mới thấy. Những người đàn bà như thế thường có cái duyên thầm, họ biết dấu mắt bão trong tim và sóng gầm thì luôn ở dưới đáy sông. Ánh mắt giăng tơ, nàng thả ra một câu không phải chối từ mà chỉ cốt để cho ngày hẹn tháng:
- Không phải ở đây, không phải bây giờ.
Chàng nhìn người con gái. Nàng đang cất rượu cho mình. Nàng cất rượu bằng thứ men tình đã ủ suốt hai mươi năm. Để có thể uống thứ rượu mà nàng cất được không thể vội vàng, gấp gáp. Vả chăng sự suồng sã và ăn xổi cũng không hợp với tính cách của chàng. Những kẻ như trâu húc sừng vào ngôi mả giữa đồng thì chỉ say khi uống, còn chàng thì thật đáng yêu, đáng trọng bởi chàng còn say cả khi chờ được uống.
Đêm đêm, trong cái căn phòng tập thể với bốn chiếc giường cá nhân đơn độc, mồ côi ấy chàng lại lặn hụp trong một thế giới riêng tư, tự vắt kiệt mình cho những câu thơ. Nàng như vầng trăng lên ngôi và trở thành thần tượng của thi ca. Những câu thơ của chàng đều thiếu hồn vía khi không có bóng dáng của nàng, không được viết ra trong cảm xúc bên nàng, vì nàng. Chàng cứ viết. Viết và cảm thấy tình yêu của chàng dành cho nàng hoàn toàn không vụ lợi, không có một hơi hướng bản năng, trần thế. Sự thăng hoa của tình yêu như chắp thêm đôi cánh thi ca và tình yêu của chàng cùng với những câu thơ đã trở nên thánh thiện.
Khác với chàng, nàng đọc nghiến ngấu những câu thơ. Những câu thơ của chàng đã đánh thức bản năng, thiên chức và hối thúc nàng ngày lại ngày gom lửa yêu thương. Nàng thấy mình thật hạnh phúc khi tự nguyện đứng trước giàn thiêu cho ngọn lửa đam mê thiêu rụi trái tim đàn bà đa cảm.
Chàng vẫn đi ngược hướng. Ngày chủ nhật người ta về nhà thì chàng lại cót két đạp xe men theo con đường nhỏ ven sông. Theo chàng, đây là con sông có nhiều cá tính, mùa lũ thì như một con ngựa bất kham, tung bờm băng giữa hai bờ đá dựng. Mùa đông ken thì lại hiền hòa, mơn man giữa đôi bờ nâu đỏ phù sa.
Bữa ấy, chàng đạp xe trở về căn phòng tập thể. Chàng không thể tin vào mắt mình khi căn phòng bỗng sáng lên khi chàng mở cửa mà trước khi đi, chàng chỉ khép hờ. Nàng đó. Trong tư thế nằm nghiêng, mái tóc xổ đầy trên chiếu. Một thoáng bối rối trước bức tranh quê trưa hè hây hẩy của Bà Chúa thơ Nôm của thiếu nữ trong tư thế trễ tràng, lỏng lơi sống áo.
Nàng nằm đó như một cây bạch lạp đợi chàng thắp lửa để được cháy hết mình dù biết rằng sẽ tan chảy trước khi rụi tắt. Cặp môi nàng chín đỏ, những đường cong trên thân thể nàng như những con sóng cồn lên, cồn lên từng đợt cùng những tiếng thở đứt quàng. Không biết có phải vì chàng đã có một cuộc hôn nhân ngoài ý muốn, mà cảm xúc về mỗi lần chung đụng mà chàng cho rằng đó chỉ là phận sự, nhàm chán và có phần dung tục. Hay là vì bấy lâu nay, nàng là một hiện thân về sự hoàn mỹ của một tình yêu lý tưởng của thi ca (???).
Một ngón tay chàng chạm nhẹ lên cặp môi chín mọng của nàng. Hình như chàng còn do dự trong sự dùng dằng. Còn nàng thì chờ đợi. Chờ đợi sự khám phá những miền đất mà những câu thơ của Bà Chúa vẫn dọc ngang tung tẩy, vẫn phô diễn một cách tự nhiên như là sự vốn dĩ của đất trời. Để rồi cái điều không ai mong muốn đã xảy ra. Nàng bật dậy, nhanh chóng chỉnh trang váy áo, búi vội mái tóc và đi như chạy ra khỏi căn phòng với bốn chiếc giường cá nhân đơn độc, mồ côi, bỏ lại ngoài tai sự van vỉ của chàng.
Nàng đi rồi. Chàng hiểu sẽ không bao giờ nàng trở lại. Chàng thấy mình thật vô lý, giáo điều và không biết mình gàn dở tự khi nào. Nhìn bốn cái khối vuông lạnh lùng, đơn điệu rồi ôm mặt tự vấn: Chẳng lẽ người ta làm ra chiếc giường cá nhân là chỉ dành riêng cho một người nằm.
Chàng run lên vì tức giận mình. Sau nhiều năm, các bác sỹ trị liệu và tâm lý đã gọi đó là tiền sử, là nguyên nhân có điều kiện của căn bệnh Pắc - kinh- sơn.
- Hóa ra "người" cũng viển vông hơn tôi vẫn tưởng.
*
Tôi nhìn gương mặt anh từ góc nhìn ngược sáng trong chiều muộn với những vùng sáng tối. Nhìn cánh tay như mái chèo khua vào không gian đang tím sẫm và bết lại, chậm dần, chậm dần như thuyền tình sắp cập bến đêm.
- Người đã đi khám và chữa chạy ở những đâu rồi?
- Có một nhà thơ trẻ đang điều trị cho mình.
- Hài hước hơn cả Folclore.
- Tớ không đùa đâu. Rất nghiêm túc đấy. Nhà thơ trẻ này cũng đã bước vào tuổi "tri thiên mệnh". Vì mới bước vào nghề nên cứ tạm gọi là trẻ. Thơ với anh chàng này chỉ là nghề tay trái, nghề chính là thầy lang bốc thuốc Nam. Thuốc thì chỉ băm, thái, tãi ra phơi, rải ra như phơi sắn phơi khoai. Mỗi thang thuốc đều chỉ áng chừng, mỗi loại một nắm, một dúm. Ấy vậy mà đã trở thành thương hiệu vì có nhiều người tìm chữa, cầu cạnh. Còn thơ của anh ta thì lại lần lượt, cặn kẽ, kê ra chính xác như những toa thuốc với đầy đủ định lượng và có chỉ dẫn hẳn hoi. Anh ta đang có ý định hoán đổi giữa hai nghề.
- Nghĩa là muốn cho thơ mình cũng có thương hiệu như món thuốc Nam?
- Đúng. Tóc đã muối tiêu rồi mà vẫn thích bập bênh. Hay. Khi thơ chìm thì thày lang nổi, khi thày lang chìm thì thơ lại vống lên.
- Hóa ra lâu nay, hai nhà đang liên kết và chữa chạy cho nhau. Tôi thật sự ái ngại vì sự "liên kết" này. Cẩn thận kẻo anh thì què tay, anh thì thơ chỉ nửa vời. Thơ què thì chẳng chết ai, chứ tay què thì chẳng hóa tự dưng chuốc vạ vào thân.
- Anh ta nói thì có vẻ thuận đường y lý, rằng mình cơ địa có vấn đề. Dương huyết mạch thịnh nhưng âm khí thì lại bị tổn hư. Bệnh này rất khó có thể chữa triệt để, chỉ có thể hạn chế tới mức tối đa mà thôi.
- Vậy sao "người" vẫn theo?
- Thì có bệnh phải vái tứ phương, mình chỉ dùng thuốc xoa bóp của anh ta. Chỉ có điều khi dùng thuốc, mình thấy nóng khắp người, hừng hực như có lửa đốt. Sảng khoái, dễ chịu lắm và lại viết như điên.
- Vậy thì anh ta cũng không phải dạng tầm thường. Bắn có một mũi tên mà trúng liền cả hai đích!
- Chuẩn! Trong cái lúc mà người ta nói "bội thực" về thơ, người người làm thơ, nhà nhà làm thơ như cái cách nói của ngày xưa: "Ra ngõ đã gặp anh hùng" như một sự cào bằng về chuẩn mực. Tớ là người thích đi ngược. Nói nhỏ với ông thôi: "Đôi khi sự lệch chuẩn, đôi khi phá vỡ trật tự trong thơ lại trở thành cái mỏ neo giữ gìn chuẩn mực".
- Và nàng vẫn còn là thần tượng của thi ca?
- Không. Mình bây giờ mới là người được hoàn toàn tự do trong sáng tạo. Công bằng mà nói thì mình quả có yêu nàng. Tự phán xét mình, thấy cái tình yêu ấy cũng chỉ nửa vời như cái cách đến với thơ của anh bạn nhà thơ bốc thuốc Nam, nó không ra mô phạm cũng chẳng ra cao đạo. Còn nàng, đơn giản là nàng chỉ cần một tình yêu, tình yêu không cần mọi thứ triết lý. Hạnh phúc đâu chỉ có ở Thiên đường!
- Nàng bây giờ ra sao?
- Vẫn như "Cây đời mãi mãi xanh tươi".
Nhà thơ cười. Tôi biết ông đang xúc động bởi bàn tay như mái chèo khua mãi vào không gian chiều muộn.
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/truyen/chieu-muon-571794/