Chiều nay (11-11), Quốc hội sẽ thông qua Dự án Luật Biên phòng Việt Nam

Theo chương trình của Kỳ họp thứ 10, chiều 11-11, Quốc hội (QH) khóa XIV sẽ thông qua Dự án Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN). Dự án Luật BPVN được Chính phủ trình QH khóa XIV tại Kỳ họp thứ 9 và được thảo luận, thông qua sau 2 kỳ họp QH theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đồn Biên phòng Pha Long, BĐBP Lào Cai (Việt Nam) và Trạm Hội ngộ - Hội đàm Hà Khẩu, Tiểu đoàn BĐBP Nam Khê, BĐBP khu Mông Tự, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tổ chức tuần tra song phương kiểm tra cột mốc trên biên giới. Ảnh: Trung Dũng

Đồn Biên phòng Pha Long, BĐBP Lào Cai (Việt Nam) và Trạm Hội ngộ - Hội đàm Hà Khẩu, Tiểu đoàn BĐBP Nam Khê, BĐBP khu Mông Tự, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tổ chức tuần tra song phương kiểm tra cột mốc trên biên giới. Ảnh: Trung Dũng

Sau khi Luật BPVN được QH thảo luận tại Kỳ họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp với Ban Soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung dự thảo Luật BPVN.

Đến nay, dự thảo Luật BPVN qua tiếp thu, chỉnh lý có 6 chương, 36 điều quy định các chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, hoạt động, lực lượng, bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan tổ chức, cá nhân về biên phòng.

Qua các cuộc thảo luận, xin ý kiến, đại đa số đại biểu QH cũng như các chuyên gia cho rằng, việc ban hành Luật BPVN là hết sức cần thiết nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân vào sự nghiệp bảo vệ biên giới. Xây dựng lực lượng BĐBP chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Tăng cường công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân hai bên biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển…

Việc ban hành Luật BPVN nhằm cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm, tư duy mới của Đảng, Nhà nước về bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia nhưng chưa được thể chế hóa thành pháp luật như: "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 được QH khóa XIV phê duyệt tại Nghị quyết số 88/2019/QH14. Đặc biệt, dự thảo Luật BPVN đáp ứng yêu cầu cụ thể hóa Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia”...

Viết Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chieu-nay-11-11-quoc-hoi-se-thong-qua-du-an-luat-bien-phong-viet-nam-post434994.html