Chiếu phim lưu động thời 4.0
Trong thời đại bùng nổ công nghệ, sóng điện thoại, mạng Internet được phủ sóng rộng rãi, phương tiện truyền thông ngày càng hiện đại thì hoạt động chiếu phim lưu động dần vắng bóng ở khu vực thành thị. Tuy nhiên, ở vùng sâu, vùng xa những 'rạp chiếu phim lưu động' vẫn là kênh thông tin hiệu quả để tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nâng cao sự hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Sau hơn 2 giờ đi trên con đường cấp phối với những viên đá to lởm chởm, các “chiến sĩ” văn hóa Đội chiếu phim số 2 thuộc Trung tâm Văn hóa và Thông tin du lịch tỉnh mới đến được trung tâm xóm Cà Lò, xã Khánh Xuân (Bảo Lạc) để chiếu phim phục vụ bà con. Phương tiện các “chiến sĩ” dùng để chở thiết bị, máy móc là những chiếc xe máy “dã chiến” mà mỗi lần vượt dốc cứ nhảy chồm chồm, có những đoạn đường lầy lội, bùn ngập quá nửa bánh xe, cả đội phải xuống dắt bộ. Cứ ngỡ màn sương mù dày đặc sẽ khiến máy chiếu và các thiết bị tăng âm, loa đài sẽ bị ẩm ướt nhưng với kinh nghiệm hàng chục năm lặn lội lên vùng cao bằng xe máy, các cán bộ trong đội vẫn giữ khô ráo cho dù bản thân họ bị ngấm sương ướt sũng.
Trời vừa tối, bà con xóm Cà Lò và khu vực lân cận rủ nhau đến nhà trưởng xóm, nơi tổ chức chiếu phim rất đông. Bà dắt cháu, mẹ bế con, thanh niên nam nữ hẹn hò nhau xem phim vui như hội, nhiều người đi bộ 5 - 7 km đến xem phim và các chương trình tuyên truyền chính sách, pháp luật của của Đảng, Nhà nước.
Xóm Cà Lò có 34 hộ, 100% là đồng bào dân tộc Dao, được mệnh danh là xóm 3 không (không nước, không điện, không sóng điện thoại) nên cầu nối thông tin duy nhất của cả xóm chỉ là sách, báo, tạp chí được cấp phát, khi có đội chiếu phim đến bà con nô nức, tưng bừng như mở hội. Ông Chảo Khì Nhàn, 60 tuổi chia sẻ: Hôm nay có đoàn chiếu phim đến, tôi và người nhà đến đây từ 5 giờ chiều, bình thường khi có thông tin gì mới trên báo thì đến nhà trưởng xóm để trưởng xóm đọc cho chúng tôi nghe. Hôm nay có đoàn chiếu phim đến chúng tôi vui lắm, ai cũng háo hức chờ xem những bộ phim, thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Anh Đặng Vần Pu, cán bộ Đội chiếu phim số 2 chia sẻ: Nghề chiếu phim lưu động giống như “ông bầu” ca nhạc, hôm nào khán giả thưa thớt thì héo hon cả ruột, hôm nào khán giả đông đúc, trong lòng mọi người vui như hội. Nghề của chúng tôi chủ yếu chiếu phục vụ bà con, nếu họ không đến xem, một mình giữa sân bãi mênh mông không buồn sao được.
Những người ở tuổi 50 chắc hẳn chưa quên những năm tháng đi xem chiếu phim hay còn gọi là chiếu bóng lưu động. Những năm 90 của thế kỷ trước, chiếu phim lưu động được coi là vị thế thượng tôn, khi đoàn chiếu phim đến đâu thì cả vùng háo hức, náo động. Khi ấy, nơi chiếu phim chỉ là sân một ngôi nhà trong làng hoặc bãi đất trống tại trung tâm xóm, nhưng lúc tấm phông bằng vải căng lên, cùng tiếng loa phóng thanh giới thiệu bộ phim được trình chiếu thì bản làng đang im ắng bỗng náo nhiệt, bởi đối với người dân thời ấy, chiếu phim không chỉ đem đến cho họ những sự kỳ diệu của nghệ thuật thứ bảy, mà còn là chiếc cầu nối ý Đảng với lòng dân. Khi được trưởng xóm thông báo hôm nay có đoàn chiếu phim đến, từ buổi chiều trẻ em trong làng rủ nhau rải chiếu hay dùng những viên đá, cành cây “xí chỗ” trước, nếu ra muộn sẽ không có chỗ ngồi xem.
Anh Nông Ngọc Thăng, Đội chiếu phim số 5, phụ trách huyện Quảng Hòa, Thạch An thuộc Trung tâm Văn hóa và Thông tin du lịch tỉnh có 30 năm gắn bó với nghề chiếu phim, đã đi chiếu phim 161/161 xã, thị trấn trong tỉnh trầm ngâm nhớ lại những ngày mới vào nghề từ năm 1994. Khi ấy, điện lưới quốc gia mới chỉ đến một số vùng trung tâm, những loại hình giải trí là điều vô cùng xa xỉ, chỉ có chiếu bóng là món ăn tinh thần duy nhất của bà con. Thời kỳ ấy, các anh được chính quyền địa phương và người dân đón tiếp như những “thượng khách”, bước chân của đội đến đâu, các anh được chính quyền và người dân đón tiếp chu đáo. Mùa nắng đội chọn những bãi đất trống để đặt máy, căng màn ảnh, mùa mưa thì chọn sân ủy ban, nhà văn hóa xóm, thậm chí là nhà của một người dân trong xóm để chiếu, phòng khi giữa buổi chiếu trời đổ mưa buộc phải dời máy vào nhà và bộ phim không bị bỏ dở. Anh Thăng kể lại: Trong quá trình đi lưu chiếu phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, chuyện ăn uống, sinh hoạt của đội đều dựa vào chính quyền các xã. Xã nào ở vùng đồng bằng, có nhiều lúa thì chúng tôi được ăn cơm, còn không sẽ là những bữa cơm độn ngô và canh rau luộc...
Đã qua thời kỳ hoàng kim từ mấy thập niên trước, hiện nay, công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, hoạt động chiếu phim lưu động tuy “giảm nhiệt” nhưng chiếu phim lưu động vẫn là kênh thông tin quan trọng trong tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân tại các xóm, xã vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới... qua đó khơi dậy nét đẹp văn hóa truyền thống.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/chieu-phim-luu-dong-thoi-4-0-3168567.html