Chiếu phim thời công nghệ số

Đội ngũ những người chiếu bóng thuộc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Thái Nguyên đã và đang cần mẫn mang phim về bản, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân ở những nơi còn khó khăn của tỉnh.

Với một giàn máy chiếu gọn nhẹ cùng thẻ nhớ tích hợp hàng trăm bộ phim tư liệu, phim truyện, đội ngũ những người chiếu bóng thuộc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Thái Nguyên (Trung tâm) đã và đang cần mẫn mang phim về bản, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân ở những nơi còn khó khăn của tỉnh.

Đại diện Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Thái Nguyên thống nhất với lãnh đạo xã Lục Ba (Đại Từ) về việc chiếu phim phục vụ nhân dân.

Đại diện Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Thái Nguyên thống nhất với lãnh đạo xã Lục Ba (Đại Từ) về việc chiếu phim phục vụ nhân dân.

Ông Phạm Trung Nghĩa, Trưởng Phòng Nghiệp vụ phát hành tuyên truyền và Phụ trách Rạp, nhớ lại: Trước đây các đội chiếu bóng sử dụng máy chiếu phim nhựa 105, chiếu phim 35 li. Buổi chiếu cần liền lúc có 2 máy thay nhau. Nếu tính trọng lượng, 2 máy chiếu nặng khoảng 100kg. Để phục vụ cho 1 bộ phim còn cần từ 6 đến 9 cuốn phim, mỗi cuốn, kể cả phim và vỏ đựng nặng 6kg. Như vậy, mỗi bộ phim có tổng khối lượng từ 36kg đến 54kg, kèm theo đó là máy nổ và các thiết bị kỹ thuật phục vụ cho buổi chiếu. Hầu hết các thiết bị máy chiếu thời bấy giờ đã lạc hậu, rất cồng kềnh và không có phim nhựa mới để chiếu.

Cái thời đi chiếu phim phải huy động dân quân địa phương tham gia hỗ trợ khiêng máy, gùi phim nay đã thành “cổ tích”. Bởi công nghệ số đã thay đổi toàn diện ngành Điện ảnh, trong đó có đội ngũ những người chiếu phim.

Cả người xem cũng thay đổi tư duy, vì qua mạng Internet, bà con ngồi ở nhà, thậm chí đi làm đồng cũng có thể xem bộ phim mình thích nhờ các thiết bị điện tử.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều người thích đi xem phim ảnh nơi công cộng. Đó là nhu cầu tinh thần rất thực tế của người dân, nhất là với những vùng khó khăn, nơi có nhiều đồng bào người dân tộc thiểu số sinh sống.

Ông Đào Minh Tuân, Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết: Năm 2022, ngay sau dịch COVID-19 ổn định, Trung tâm đã tổ chức cho các tổ mang phim về xóm, bản phục vụ nhân dân, với 419 buổi chiếu, thu hút được hàng nghìn lượt người xem. Theo kế hoạch năm 2023, Trung tâm được giao 414 buổi chiếu, trong đó 384 buổi chiếu phim lưu động; 30 buổi chiếu tại Rạp chiếu bóng nhân dân Thái Nguyên; 88 xã được phục vụ chiếu phim lưu động (4 buổi/xã).

Những buổi chiếu phim lưu động được thực hiện đã đáp ứng một phần nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của người dân, nhất là với người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng 135, nơi có nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống.

Từ xác định rõ nhiệm vụ, các thế hệ trong đội ngũ những người làm công tác chiếu phim không quản gian khổ, vất vả vận chuyển máy móc, thiết bị kỹ thuật, mang điện ảnh về phục vụ nhân dân.

Các thành viên Đội Chiếu phim lưu động chuẩn bị buổi chiếu.

Các thành viên Đội Chiếu phim lưu động chuẩn bị buổi chiếu.

Hiện Trung tâm có 1 đội chiếu phim lưu động, chia 2 tổ chiếu. Nhằm đảm bảo số buổi cũng như chất lượng chiếu phim phục vụ, Trung tâm chia đều địa bàn cho từng tổ.

Theo đó, từng tổ đều có địa bàn vùng khó và vùng có giao thông thuận lợi, nên anh chị em giữa các tổ luôn có sự cảm thông, sẵn sàng sẻ chia, hỗ trợ nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ.

Chuyện phim ảnh về bản, ông Nguyễn Đức Trung, Đội trưởng Đội Chiếu phim lưu động, người có thâm niên nhất trong đội ngũ những người làm nhiệm vụ chiếu phim của tỉnh, nhớ lại: Trước năm 2015 máy móc, thiết bị chiếu phim cồng kềnh, giao thông khó khăn, đi lại, khiêng vác như người đánh vật trên đường. Nhiều khi mưa đường trơn, đổ xe máy, bị ngã là chuyện cơm bữa. Có lần một nhân viên bị ngã gãy tay, nhưng phim vẫn chiếu đúng giờ. Làm công tác phục vụ, chúng tôi xác định: Mình chờ nhân dân chứ không để nhân dân chờ mình.

Biết tối 25-7 Đội lưu động về chiếu phim phục vụ nhân dân xóm Bình Hương, xã Lục Ba (Đại Từ), chúng tôi đã về xóm để cùng nhân dân xem phim. Từ chiều, bà Phạm Thu Hương, Phó Giám đốc Trung tâm, cùng anh chị em cán bộ, viên chức, người lao động Trung tâm đã có một hoạt động ý nghĩa: Tặng 3 suất quà tri ân cho 3 người có công với cách mạng sinh sống ở địa phương. Một nghĩa cử đẹp mà gần gũi, thân thiện, làm khoảng cách giữa những người chiếu phim và người dân thêm gần gũi.

Ông Trần Đức Tuân, Chủ tịch UBND xã Lục Ba, chia sẻ: Hằng năm, địa phương đều đón tiếp Đội về chiếu phim phục vụ. Ngày tôi còn trẻ thì xem phim nhựa, nay phim số. Quan trọng là chất lượng phim tốt, thái độ phục vụ của các thành viên trong Đội chiếu phim thân thiện như người nhà. Vì thế mỗi lần địa phương có phim, bà con các xóm rủ nhau về xem phim vui như ngày hội.

Đặc thù công việc của những người chiếu phim là làm việc vào giờ nghỉ. Hơn nữa, phim chiếu phải có người xem, nên các tổ lưu động lựa giờ chiếu phim phù hợp với từng thời điểm, từng khu vực dân cư. Lúc mùa vụ bận rộn, buổi chiếu được lui lại muộn hơn. Rồi như chiếu phim cho… người nhà mình, tổ chiếu cùng bà con thống nhất giờ mở máy, có thể đến 20 giờ mới trình chiếu.

Phim được chiếu bằng thiết bị kỹ thuật số.

Phim được chiếu bằng thiết bị kỹ thuật số.

Bà Hoàng Thị Thìn, nhân viên của Tổ chiếu bóng, mộc mạc nói: Mùa vụ bận rộn, bà con làm về muộn, phải cơm nước xong mới đi xem phim. Cũng vì thế chúng tôi chấp nhận thực hiện buổi chiếu muộn, nên bà con đến xem khá đông. Sau buổi chiếu, thu dọn máy móc, chúng tôi trở về nhà trên những cung đường vắng lặng. Nhiều hôm về đến nhà đã 2 giờ sáng.

“Đã mang cái nghiệp vào thân” nên yêu lấy nghề mà sống. Nhưng tôi biết động cơ giúp họ đứng vững với nghề là được chứng kiến bao khuôn mặt hồn nhiên chăm chú dõi theo diễn biến của từng bộ phim.

Trở lại xóm Bình Hương, ông Dương Huy Đoàn, Trưởng xóm, cho biết: Thời gian này trời thường có mưa bất chợt, nên xóm sắp xếp để Đội chiếu phim trong nhà văn hóa, vừa an toàn cho thiết bị, máy chiếu, người dân đến xem phim cũng không bị mưa làm ướt.

Nói xong, ông cầm mic, thông báo: Tối nay… mời bà con đến nhà văn hóa xem phim “Mùi cỏ cháy”.

Cũng lúc đó, một số bà con đã có mặt ở nhà văn hóa để hỗ trợ Đội chiếu bóng. Ông Nguyễn Đức Quân, hơn 80 tuổi, phấn chấn nói: Hầu hết gia đình đều có ti vi kết nối mạng Internet, nhưng chúng tôi vẫn thích đi xem phim tập trung.

Ngồi kế bên, ông Nguyễn Đình Hiển tâm đắc: Cùng nhau đi xem phim cũng là một nét đẹp văn hóa, gắn kết cộng đồng. Ngoài xem phim, chúng tôi còn chia sẻ với nhau kinh nghiệm phát triển kinh tế, nuôi dạy con cháu…

Ngồi xem phim cùng bà con, tôi chợt nhận ra một điều thú vị: Trên phim ảnh có điều gì đó gần gũi, thân thiện với cuộc sống của mỗi người, hình như trong đó có hình bóng người thân, và chính mình. Đó là lý do để những người lính trên mặt trận văn hóa tư tưởng gắn bó hơn với nhân dân, mang phim về phục vụ nhân dân và được nhân dân mong đợi.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/phong-su-ghi-chep/202308/chieu-phim-thoi-cong-nghe-so-25c05aa/