Chiêu trò lừa tình kiểu 'chăn lợn' ở Trung Quốc
Thủ phạm thường xây dựng mối quan hệ tình cảm hoặc đối tác tin cậy với nạn nhân trong nhiều tháng, chờ ngày vay mượn tiền, rủ đầu tư rồi biến mất.
Một chiến lược lừa đảo ở Trung Quốc được gọi là “chăn lợn” đang lan rộng ra quy mô toàn cầu, SCMP đưa tin.
Theo Tổ chức Chống lừa đảo Toàn cầu (GASO), nạn nhân chính trong các vụ việc này là công dân Trung Quốc hoặc người gốc Hoa sống ở Đông Nam Á.
Ngoài ra, hơn 1/3 số người bị lừa là người không phải gốc Hoa sống ở Bắc Mỹ và châu Á. Điều này cho thấy mục tiêu của nhóm lừa đảo đang mở rộng nhanh chóng.
Nuôi con mồi chờ ngày lừa tiền
Kiểu lừa đảo này được gọi là sha zhu pan trong tiếng Trung Quốc, tức “chăn nuôi lợn”.
Thủ phạm thường xây dựng mối quan hệ tình cảm hoặc đối tác tin cậy với nạn nhân trong nhiều tháng, tương tự "vỗ béo một con lợn". Sau đó, chúng thuyết phục họ đầu tư tiền vào một công cuộc làm ăn giả mạo, giống như "đưa lợn lên bàn mổ lấy thịt".
Số tiền thiệt hại rất đáng kể, trung bình khoảng 98.000 USD/người trên tổng số 240 nạn nhân được GASO khảo sát. Khoảng 70% nạn nhân là phụ nữ.
Không giống các chiêu trò lừa tình online truyền thống, hầu hết nạn nhân rơi vào bẫy “chăn lợn” đều là người ở độ tuổi 20-30 và có trình độ học vấn cao. Gần 90% trong số đó sở hữu bằng cử nhân hoặc cao hơn.
Vụ lừa đảo khiến khoảng 1/3 số nạn nhân lâm vào cảnh nợ nần, và hơn 40% mất hơn nửa giá trị tài sản ròng của họ.
Ngoài ra, GASO cho biết chiêu trò này trở nên phổ biến ở khu vực Bắc Mỹ vào cuối năm 2020.
“Quy mô rộng lớn, đào tạo chuyên nghiệp và hoạt động theo tổ chức đằng sau mỗi vụ lừa đảo đều tinh vi một cách đáng kinh ngạc. Thủ phạm là những người trò chuyện online rất cuốn hút, cực kỳ am hiểu về cuộc sống và tài chính ở các thành phố, quốc gia nơi con mồi sinh sống”, GASO đề cập trong một thông cáo báo chí.
“Trò lừa đảo hủy hoại cuộc sống của những nạn đang có tương lai tươi sáng hoặc ở thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp. Nó tiêu tán tài khoản ngân hàng, khiến họ tan vỡ gia đình, gây căng thẳng hôn nhân, làm chệch hướng mục tiêu cuộc sống và gây ra các vụ tự tử”, tổ chức cho biết thêm.
Khó truy tố
Trò lừa đảo “chăn lợn” đầu tiên xuất hiện tại Trung Quốc vào đầu những năm 2010. Nó lan rộng mạnh mẽ sau năm 2018, khi những kẻ lừa đảo Trung Quốc lợi dụng một số người gốc Hoa đang quan tâm đến ngành công nghiệp cờ bạc ở Đông Nam Á.
Tại Philippines, các trang web đánh bạc được gọi là POGO, thường nhắm mục tiêu đến các công dân Trung Quốc thích cá cược trực tuyến. POGO sớm trở thành ngành kinh doanh lớn, đồng thời là vấn đề đau đầu đối với các nhà chức trách Philippines.
Một số nhóm lừa đảo lợi dụng điều này bằng cách lừa nạn nhân đặt cược trên các website giả mạo của chúng - nơi họ sẽ chẳng bao giờ nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào cho dù “thắng cược”.
Hiện chưa có số liệu chính thức về số vụ lừa đảo “chăn lợn” ở Trung Quốc hàng năm, nhưng báo cáo từ một số chính quyền địa phương cho thấy chúng đang diễn ra tràn lan.
Tuần qua, cảnh sát Bắc Kinh đã bắt quả tang một băng nhóm gồm 18 người đã lừa đảo hơn 50 nạn nhân trên khắp Trung Quốc với số tiền gần 10 triệu NDT (1,55 triệu USD), theo Beijing Daily.
Năm 2020, tại thành phố Trường Sa (tỉnh Hồ Nam), cảnh sát đã triệt phá 270 vụ lừa đảo trực tuyến riêng lẻ với tổng thiệt hại lên đến 500.000 NDT (77.300 USD). Một nửa trong số đó là lừa tình lấy tiền, theo phòng an ninh công cộng của thành phố hồi tháng 1.
Tuy nhiên, rất khó để cảnh sát truy tố những vụ việc này, một phần do những kẻ lừa đảo đã tận dụng tính ẩn danh và thiếu thẩm quyền pháp lý của tiền điện tử.
“Trong khi đó, nạn nhân và gia đình của họ phải gánh chịu toàn bộ hậu quả của những vụ lừa đảo này, dẫn đến các khoản nợ ngân hàng, cơ quan cho vay và dịch vụ cho vay nặng lãi”.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chieu-tro-lua-tinh-kieu-chan-lon-o-trung-quoc-post1267814.html