Chim quyên ăn trái nhãn lồng…

Những ngày hè, đám trẻ nhỏ trong xóm vẫn hay túm tụm qua sân vườn nhà bà Sáu Thơi vui chơi và để 'trông chừng' mấy loại trái cây vườn sắp chín tới. Hễ thấy có trái cây chín là tụi nhỏ lại xúm xít xin bà cho hái, rồi chia nhau ăn. Đám nhỏ cũng rất ngoan và lễ phép, chưa bao giờ 'thu hoạch' xong mà không để một phần trái cây ngon cho bà bày cúng ông Sáu.

Trái nhãn lồng là “món ngon” ngày hè của trẻ em nông thôn

Trái nhãn lồng là “món ngon” ngày hè của trẻ em nông thôn

Trong khu vườn đầy cây trái ấy, dọc theo bờ rào, lan tới mép con kênh nhỏ, còn có mấy bụi cây nhãn lồng (chùm bao) xanh mởn, là “món ngon” và thú vị trong ngày hè của đám trẻ và của cả mấy đứa cháu nội ngoại của bà Sáu.

Trong số các loại trái cây vườn nhà, bà Sáu quý mấy bụi nhãn lồng lắm, vì nhãn lồng không chỉ ăn được trái, mà đọt nhãn lồng còn là một trong những món rau luộc thanh mát, thường góp mặt trong rổ rau tập tàng luộc, ăn mát ruột mát gan. Riêng đọt nhãn lồng luộc vừa chín tới, xanh mởn, vẫn thường dùng chấm kèm với món cá kho, đơn giản hơn là để chấm với nước mắm kho quẹt, hoặc nấu món canh đọt nhãn lồng với cá rô đồng ngọt mát, hấp dẫn.

Mâm cơm nhà nghèo với món ăn bình dị vậy thôi, nhưng cũng đủ mang đậm hương vị quê hương miền Tây, vị nồng nàn của ký ức, của một thời bà Sáu trẻ trung, lúc ông Sáu còn ở cạnh, gia cảnh dẫu gian khó, nhưng tình cảm vợ chồng sao mà thân thương, cuộc sống luôn tràn đầy nụ cười sẻ chia, hạnh phúc. Cũng từ những bữa cơm bình dị ấy, bà Sáu đã sống hạnh phúc bên người chồng luôn yêu thương trân quý bà, và giúp bà Sáu nuôi các con khôn lớn, trưởng thành qua từng năm tháng.

Rồi từ ngày ông Sáu mất, con cái lập nghiệp ở xa, bà Sáu vẫn một mình một bóng với mâm cơm nhỏ luôn có hai cái chén, hai đôi đũa, để bữa cơm thường nhật bà cảm giác đỡ cô đơn. Món ngon trên mâm vẫn luôn có dĩa rau tập tàng luộc, các loại rau được bà dạo hái trong vườn, mà trong đó không bao giờ thiếu đọt nhãn lồng, ăn cùng món cá kho quen thuộc.

“Má ơi, tụi con về rồi!”. Tiếng anh Hai Thắng, chị Ba Thương và Út Thoa rộn ràng cùng với nhiều tiếng cười nói quen thuộc của mấy đứa cháu của bà Sáu ùa vang trong sân, khiến lòng bà Sáu mừng vui khôn xiết. Bà bỏ dở công việc thổi lửa trong chái bếp nhỏ, để mấy khúc củi trên tay xuống đất, phủi mớ bụi còn bám trên đôi tay gầy guộc, rồi lật đật đi vội lên nhà trên đón bầy con cháu ríu rít về thăm.

Đám nhỏ sau những giây phút hồ hởi quấn quýt, ôm hôn bà ngoại, bà nội, hí hửng kéo nhau ra vườn nhà. Trong ánh mắt bà Sáu ngập tràn sự ấm áp của tình cảm và niềm hạnh phúc đoàn viên, bà Sáu quay sang mấy đứa con, bảo: “Thằng Hai dẫn tụi nhỏ đi hái trái cây đi. Hổm rày má không có cho đám nhỏ trong xóm hái mớ nhãn lồng, nói để dành cho mấy đứa cháu về nghỉ hè. Má cũng ráng đợi tụi nó chín nhiều chút, cho tụi nhỏ tự tay hái ăn. Ở Sài Gòn đâu có món này hén, nên má nghĩ tụi nhỏ sẽ thích. Mà thằng Hai dẫn tụi nhỏ ra vườn, nhớ ngó chừng dưới đất nghen bây, nhắc tụi nhỏ đứng xa con kênh chút, mấy nay có mưa, cẩn thận trơn trợt. Út Thoa ra nhà sau phụ má mần cơm đi, để má rửa mớ rau luộc chấm với cá kho, rồi mần thêm con gà thả vườn cho tụi nhỏ…”.

Căn nhà nhỏ của bà Sáu những ngày hè cứ thế rộn ràng, tràn ngập nụ cười vui của người mẹ, người bà, hiền lành, chân chất, giản dị, chịu thương chịu khó, luôn dành cả cuộc đời, tâm trí và tình yêu thương trao hết cho chồng, con và cháu.

BẢO LÂM

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chim-quyen-an-trai-nhan-long-post754577.html