Chim sẻ ký sinh nhờ trong tổ, bắt chước con non để lừa bố mẹ cho ăn

Những con chim sẻ châu Phi non sử dụng kỹ thuật tiến hóa đáng kinh ngạc để lừa bố mẹ loài chim khác nuôi mình.

Nghiên cứu mới đây phát hiện ra rằng những con chim sẻ châu Phi sử dụng kỹ thuật tiến hóa đáng kinh ngạc để lừa loài chim khác nuôi con của chúng.

Theo đó, ba loài chim sẻ châu Phi đẻ trứng vào tổ của loài khác. Sau khi trứng nở, lũ chim sẻ con "sao chép" hành vi và ngoại hành của những con chim non "chính chủ".

"Sự bắt chước này đáng kinh ngạc bởi sự phức tạp của nó và rất đặc trưng cho loài", tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Gabriel Jamie tại Đại học Cambridge cho biết.

Làm việc tại các thảo nguyên ở Zambia, các nhà nghiên cứu thu thập hình ảnh, âm thanh trong bốn năm để khám phá ra chiêu trò bắt chước này.

Họ tập trung vào một nhóm chim sẻ xuất hiện trên phần lớn châu Phi được gọi là chim indigobird và whydah thuộc chi Vidua.

Con non của chim sẻ indigobird (bên phải) có ngoại hình giống con non của chim di Jameson đáng kinh ngạc. (Ảnh: Claire Spottiswoode)

Con non của chim sẻ indigobird (bên phải) có ngoại hình giống con non của chim di Jameson đáng kinh ngạc. (Ảnh: Claire Spottiswoode)

Vidua đẻ trứng vào tổ của một loài chim cỏ cụ thể. Vật chủ của chúng sau đó ấp trứng và cho con non của "kẻ lừa đảo" ăn cùng khi chúng nở.

Thông qua quan sát, các nhà khoa học phát hiện những con indigobird và whydah non bắt chước ngoại hình, âm thanh và chuyển động của lũ chim sẻ cỏ non. Chúng cũng phát triển các họa tiết đầy màu sắc bên trong miệng như chính chủ.

"Khi Vidua bắt đầu ký sinh trên một loài chim cỏ cụ thể, các dấu hiệu trên miệng không khớp lắm. Tuy nhiên trong quần thể của loài Vidua sẽ tồn tại một số biển thể do di truyền xác định trên dấu miệng với một số cá thể có ngoại hình gần với vật chủ hơn những cá thể khác", ông Jamie cho hay.

Nghiên cứu cũng cho thấy, những con Vidua có dấu hiệu trên miệng gần giống với những con chim sẻ cỏ được cho ăn nhiều hơn. Do đó, chúng dễ sống sót hơn những con khác.

“Quá trình chọn lọc tự nhiên dựa trên sự biến đổi do di truyền xác định trong dấu miệng được lặp đi lặp lại qua nhiều thế hệ với kết quả là các loài chim sẻ Vidua phát triển các dấu hiệu miệng ngày càng trùng khớp với vật chủ của chúng", ông nói.

Khi những con sẻ non Vidua được nuôi dưỡng và rời khỏi tổ, nó vẫn được mẹ ruột chăm sóc trong một thời gian ngắn trước khi hoàn toàn độc lập.

“Những con chim sẻ bố mẹ không bị tổn hại trực tiếp trong quá trình này nhưng cuối cùng chúng lãng phí rất nhiều thời gian và năng lượng để nuôi một con chim khác loài", ông Jamie cho hay.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy một số 'khiếm khuyết nhỏ' trong các kỹ thuật giả dạng của Vidua.

Ví dụ, trong một cặp ký sinh-vật chủ được kiểm tra, con Vidua làm tổ có những đốm bên trong miệng lớn hơn con vật chủ tương ứng của nó. Nhưng đặc điểm này giúp chúng phát ra những tiếng "xin ăn" dài hơn và to hơn.

"Điều này cho thấy có khả năng tiến hóa của Vidua để tạo ra một phiên bản phóng đại về ngoại hình và âm thanh của vật chủ", Tiến sỹ Jamie nói thêm.

Diệu Hoa (Nguồn: Daily Mail)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/chim-se-ky-sinh-nho-trong-to-bat-chuoc-con-non-de-lua-bo-me-cho-an-ar592184.html