Chính biến ở Mali: Tổng thống, thủ tướng bị quân đội bắt giữ
Quân đội Mali đã bắt giữ Tổng thống, thủ tướng lâm thời cùng Bộ trưởng quốc phòng nước này, trong một động thái làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn tại Mali sau cuộc chính biến lật đổ tổng thống trước đó.
Hãng tin Reuters ngày 25-5 cho biết lực lượng quân đội Mali đã tiến hành bắt giữ các nhà lãnh đạo chính phủ lâm thời nước này, chỉ vài tháng sau cuộc chính biến lật đổ tổng thống trước đó.
Theo đó, Tổng thống Bah Ndaw, Thủ tướng Moctar Ouane và Bộ trưởng Quốc phòng Souleymane Doucoure đều bị đưa đến một căn cứ quân sự bên ngoài thủ đô Bamako vào ngày 24-5.
Trước đó, vào tháng 8-2020, quân đội Mali cũng đã tiến hành lật đổ cựu Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita.
Các chuyên gia nhận định vụ bắt giữ có thể làm xấu thêm tình trạng bất ổn ở quốc gia Tây Phi, nơi các nhóm nổi dậy có liên kết với al Qaeda và Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang kiểm soát các khu vực rộng lớn ở vùng sa mạc phía bắc.
Tình hình bất ổn chính trị và mâu thuẫn trong nội bộ quân đội Mali đã gây nhiều phức tạp cho các nỗ lực của các nước phương Tây và các quốc gia láng giềng ủng hộ quốc gia này.
Đại diện Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở Mali kêu gọi quân đội nước này thả các nhà lãnh đạo “lập tức và vô điều kiện”, thêm rằng những người liên quan phải trả lời về hành động của họ. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng kêu gọi “trả tự do vô điều kiện đối với những người bị bắt giữ”.
Theo Reuters, một phái đoàn của Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đang đến Mali để giúp giải quyết tình hình.
“Cộng đồng quốc tế bác bỏ bất cứ hành động nào mang tính cưỡng ép, trong đó có việc cưỡng ép từ chức” - theo thông cáo chung của ECOWAS, LHQ, Liên minh châu Âu và Liên minh châu Phi.
Mục tiêu cuối cùng của quân đội hiện chưa được làm rõ. Một quan chức trong quân đội Mali ở thị trấn Kati cho biết đây không phải là một vụ bắt giữ.
Căn cứ quân sự ở Kati nổi tiếng là nơi chứng kiến các vụ chính biến của Mali. Vào tháng 8-2020, quân đội nước này cũng đã đưa cựu Tổng thống Keita đến Kati và buộc ông phải từ chức, Reuters đưa tin.
Sau khi tiếp quản, Tổng thống Ndaw và Thủ tướng Ouane chịu trách nhiệm giám sát quá trình chuyển đổi, cải tổ nội các trở về chế độ dân sự kéo dài 18 tháng. Tuy nhiên, hai lãnh đạo này được cho bất đồng với quân đội về một số vị trí quan trọng trong chính phủ.