Chỉnh giá 1 tuần/lần, chấm dứt cảnh cửa hàng xăng dầu 'hết hàng'?
Giá xăng dầu sẽ được điều hành cố định vào ngày thứ Năm hằng tuần, thay vì 10 ngày/lần như hiện nay, với mong muốn đưa mặt hàng này tiệm cận thị trường hơn… Tuy vậy, liệu đây đã là giải pháp căn cơ giúp thị trường chấm dứt hoàn toàn tình cảnh thiếu hàng cục bộ như đã từng diễn ra.
Liên quan tới thị trường xăng dầu, mới đây báo cáo Kết quả giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 của Đoàn Giám sát thuộc Ủy Ban Thường vụ Quốc hội nêu ra, thị trường xăng dầu trong nước còn bị động, thiếu hụt nguồn cung và vướng mắc trong cơ chế điều hành.
Doanh nghiệp còn than khó
Hiện nay, Việt Nam có tỷ lệ nhập khẩu xăng dầu khoảng 20-30%; có 2 doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước, đáp ứng 70-75% nhu cầu nội địa, nếu bị ngừng sản xuất do duy tu, bảo dưỡng kéo dài thì ảnh hưởng ngay đến thị trường trong nước. Trong giai đoạn gần đây, thị trường xăng dầu trong nước bị động và thiếu hụt nguồn cung và gặp những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế điều hành giá.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 80 nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu sau nhiều tháng lấy ý kiến, trong đó có một nội dung sửa đổi đáng chú ý là giá xăng dầu sẽ được điều hành 1 tuần/1 lần, cố định vào ngày thứ Năm hàng tuần.
Đồng thời, Nghị định mới cũng cho phép đại lý kinh doanh xăng dầu được lấy hàng từ tối đa 3 nguồn. Theo Bộ Công Thương, quy định này nhằm tạo cạnh tranh về chiết khấu xăng dầu trên thị trường, đồng thời tăng tính chủ động cho các đại lý bán lẻ xăng dầu trong việc tạo nguồn, cung ứng xăng dầu.
Tuy nhiên, với quy định điều hành 7 ngày/lần, nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ lo lắng trong việc điều hành hoạt động kinh doanh, nhất là trong tình cảnh thị trường biến động mạnh. Ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thương mại Dầu khí Đồng Nai, chia sẻ hiện nay, điều hành 10 ngày/lần, đồng nghĩa doanh nghiệp phải thực hiện kiểm kê bồn sau mỗi lần điều chỉnh. Theo đó, chuyển sang 1 tuần/lần, thì 7 ngày phải kiểm kê bồn một lần, khó khăn cho việc hạch toán.
“10 ngày điều hành một lần đã khiến doanh nghiệp lỗ rồi, chứ chưa nói tới 7 ngày/lần, nếu thị trường biến động mạnh như vừa qua”, ông Phụng nói.
Theo vị này, chu kỳ trung chuyển xăng dầu từ nước ngoài về, cũng như mua hàng của nhà máy Dung Quất, Nghi Sơn đưa về thương nhân phân phối rồi xuống cửa hàng bán lẻ phải mất vài ngày. Thời gian ngắn như vậy, doanh nghiệp không thể hạch toán, dự báo được tình hình nên rủi ro lớn hơn.
Theo ông Văn Tấn Phụng, điều hành xăng dầu nên quay trở lại 15 ngày/lần để phù hợp với quy trình xử lý dòng tiền, chu kỳ hàng hóa từ khi nhập khẩu tới doanh nghiệp bán lẻ.
“Nếu đã quyết định rút ngắn thời gian điều chỉnh thì tại sao không tính tới phương án điều chỉnh hằng ngày như nhiều quốc gia, bỏ hẳn việc Nhà nước định giá, giá cả do thị trường quyết định mua cao bán cao, mua thấp bán thấp”, vị doanh nghiệp này chia sẻ.
Trong khi đó, đại diện một doanh nghiệp đầu mối cũng chia sẻ, thực tâm, doanh nghiệp vẫn mong muốn giá xăng dầu được điều chỉnh 15 ngày/lần. Thời gian này đủ để cho doanh nghiệp giải quyết hàng tồn kho, tính toán phương án kinh doanh sao cho hiệu quả, tránh tình trạng thua lỗ, đặc biệt khi thị trường biến động mạnh.
Chờ ngày giá xăng vận hành theo thị trường?
“Hiện nay, điều hành 10 ngày/lần đã khiến chúng tôi rất khó khăn. Đơn cử như câu chuyện chiết khấu, sau khi chúng tôi công khai mức này, nhiều đơn vị khác đã dựa vào đó để nâng mức chiết khấu của họ lên, cạnh tranh khách hàng trực tiếp với chúng tôi; Cũng như nhập 1 lô hàng về đâu phải 7 ngày, 10 ngày là bán hết, trong khi chu kỳ giá thay đổi nhanh”, vị đại diện doanh nghiệp đầu mối chia sẻ.
Đồng thời, nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ Bộ Công Thương nên có hướng dẫn quy định về việc doanh nghiệp bán lẻ được lấy xăng dầu từ 3 nguồn, đảm bảo nguồn gốc chất lượng, tránh tình trạng khi có vấn đề khó truy trách nhiệm.
Ở góc nhìn chuyên gia, chia sẻ với VnBusiness, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, nhìn nhận khi Nhà nước vẫn định giá xăng dầu, thì câu chuyện điều hành bao lâu/lần sẽ vẫn không phải là cơ chế thị trường.
Ông Ánh cho rằng, mục tiêu hướng tới luôn là để xăng dầu cho thị trường quyết định. Không chỉ xăng dầu mà các mặt hàng khác do nhà nước quản lý đều phải hướng tới thị trường để phù hợp xu thế chung về phát triển kinh tế thị trường. Tuy nhiên, trước khi để thị trường quyết định, kinh doanh xăng dầu cần hội tụ đủ yếu tố thị trường, tạo cơ chế cạnh tranh thì thị trường mới vận hành.
Vì vậy, để có đáp án cho câu hỏi có nên trả mặt hàng xăng dầu về với thị trường hay chưa? Ông Ánh cho rằng nên xem lại hệ thống phân phối xăng dầu từ đầu mối, phân phối, bán lẻ xem đã hội tụ đủ các yếu tố trên hay chưa. “Nhiều người nói rằng trước đây mặt hàng gạo cũng có nhiều băn khoăn, song rồi khi trả lại cho thị trường đã giúp Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới, nông dân hưởng lợi và người tiêu dùng cũng hưởng lợi. Với mặt hàng xăng dầu cũng vậy, tại sao không chuyển sang thị trường đi, nhưng tôi không đồng tình với quan điểm này”, ông Ánh bày tỏ.
Theo vị chuyên gia này, mỗi mặt hàng có đặc điểm khác nhau, đôi khi chưa đủ các yếu tố mà để cho thị trường quyết định thì lại không tốt. “Khi trả lại cho thị trường thì quyền định giá mình phải thiết lập được thị trường có khả năng cạnh tranh hiệu quả, lúc đó nhà nước không phải can thiệp, chỉ can thiệp trong tình trạng bất ổn”, ông nói.
Mặt khác, nếu không quản lý xăng dầu, Nhà nước nên có chính sách trợ giá cho khu vực vùng sâu, vùng xa như cách trợ giá cho mặt hàng muối, dầu hỏa đã từng được triển khai trong giai đoạn trước.
Trước nhiều băn khoăn còn tồn tại, Bộ Công Thương cho biết vẫn sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu, xây dựng một nghị định mới thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu trình Chính phủ trong thời gian tới.