Vừa qua, chính khách Doug Bandow, cựu trợ lý đặc biệt của cựu Tổng thống Mỹ thứ 40 Ronald Reagan tuyên bố trong chuyên mục dành cho American Conservative rằng, Mỹ không nên can dự vào các sự kiện ở bán đảo Crimea (đã sáp nhập vào lãnh thổ Nga năm 2014).
Ông Bandow nói rằng, Mỹ không nên bằng cách nào đó đồng ý rồi thúc đẩy thực hiện ý tưởng của Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky trong việc giành lại Crimea, bởi đơn giản là cư dân bán đảo không muốn như vậy. Điều này đã thể hiện rõ thông qua cuộc trưng cầu dân ý tháng 3/2014.
Ông nhấn mạnh, Mỹ không nên hành xử với cư dân Crimea như với “thứ chiến lợi phẩm chuyền tay nhau”. Các nước phương Tây chỉ trích chính phủ quyết liệt chống lại ly khai thì hãy nhớ lại cuộc chiến gây hấn của NATO với Serbia để bảo vệ vùng lãnh thổ ly khai Kosovo vào năm 1999.
Dư luận phương Tây chắc chắn sẽ không thể chấp thuận chiến dịch quân sự của Ukraine nhằm tái chiếm Crimea vì nó là sự thể hiện rõ ràng của cái gọi là “tiêu chuẩn kép”.
Ông nhắc lại rằng, đại đa số cư dân trên bán đảo thực sự ủng hộ việc đưa khu vực này tách khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga (95,5% phiếu bầu đồng ý sáp nhập Crimea với nước Nga). Và hiện nay, phương Tây không có bằng chứng nào cho thấy người dân Crimea muốn thay đổi quy chế hiện tại của họ.
Ngoài ra, ý định của Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky đang làm tình hình leo thang nghiêm trọng. Chẳng hạn, nỗ lực tiến đánh bán đảo sẽ dẫn khu vực đến xung đột toàn diện và có nguy cơ lôi kéo các nước phương Tây vào hoạt động chiến sự trực tiếp với Nga.
Vị cựu quan chức Mỹ khẳng định, Washington và các đồng minh đã nhiều lần chỉ ra rằng, kết quả của cuộc xung đột ở Ukraine cần do chính Kiev quyết định. Nhưng đồng thời phương Tây không có nghĩa vụ phải ủng hộ bất kỳ ý tưởng nào do ông Zelensky nêu ra.
Theo ông Doug Bandow, nếu Washington cứ “nuông chiều” Kiev, thậm chí Tổng thống Zelensky còn có thể yêu cầu cung cấp nguồn lực hậu cần cần thiết để đánh chiếm Moscow.
Cuối cùng, vị cựu chính khách Mỹ kết luận rằng, phương Tây nên nỗ lực hợp lực để giải quyết tình hình ở Ukraine, nhưng trong hành động này không thể bao gồm chiến dịch lấy lại bán đảo Crimea, để tránh đưa nước Mỹ sa vào một “bãi lầy” không lối thoát.
Tờ Wall Street Journal của Mỹ cho biết, quan điểm trên được chuyên gia Doug Bandow nêu lên trong bối cảnh trong Quốc hội Hoa Kỳ đang dấy lên những cuộc tranh luận gay gắt về vấn đề hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Theo đó, các thành viên đảng Cộng hòa lại cho rằng, Mỹ đang phung phí tiền thuế của người dân vào mục đích sai lầm, số tiền được phân bổ cho Ukraine có thể được chi tiêu tốt nếu dùng để chống lại Trung Quốc và giải quyết các vấn đề kinh tế mà đất nước đang đối mặt.
Trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa kỳ Quốc hội Hoa Kỳ vào tháng 11/2022 sắp tới gần, nếu đảng Cộng hòa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới và chiếm được đa số trong Hạ viện, nguồn viện trợ cho Ukraine có thể sẽ bị chấm dứt hoặc chí ít cũng bị suy giảm nghiêm trọng.
Do đó, từ nay đến tháng 11, các quan chức trong Quốc hội và chính quyền của Tổng thống Biden (đảng Dân chủ) đang ráo riết làm việc để thông qua viện trợ cho Ukraine càng nhiều càng tốt trước cuối năm nay, vì các yêu cầu trong tương lai có thể vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ.
Tuyên bố được vị chính khách Mỹ đưa ra trong bối cảnh hai nước ly khai vùng Donbass là Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR), Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng (LPR) và các vùng mới được Nga kiểm soát là Kherson và Zaporozhye đang tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý từ ngày 23/9 đến 27/9/2022.
Mục đích của chúng là thăm dò ý kiến nhân dân về khả năng sáp nhập vào lãnh thổ Nga. Giới phân tích dự đoán kết cục của những cuộc trưng cầu dân ý này nghiêng về khả năng 4 vùng lãnh thổ của Ukraine sẽ sáp nhập với Liên bang Nga.
Toàn Thắng