Chính phủ Anh có thể chặn thương vụ bán nhà máy chip do lo ngại an ninh quốc gia
Thương vụ mua lại nhà máy chip lớn nhất nước Anh - Newport Wafer Fab (NWF) của Tập đoàn Nexperia có thể bị chặn bởi chính phủ Anh.
Việc bán NWF cho Nexperia ban đầu đã được Bộ trưởng Kinh doanh Vương quốc Anh Kwasi Kwarteng chấp thuận vào đầu tháng này. Tuy nhiên, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã ra lệnh cho cố vấn an ninh quốc gia Stephen Lovegrove xem xét lại sau khi một số nhà lập pháp trong đảng của ông cho biết việc này làm dấy lên lo ngại về an ninh quốc gia do tầm quan trọng địa chính trị của ngành bán dẫn.
Theo nguồn tin của một người quen thuộc với tình hình đề nghị giấu tên cho biết, một tập đoàn đang huy động tiền từ các ngân hàng và các nhà đầu tư cổ phần tư nhân để tài trợ cho một cuộc đấu thầu tiềm năng nhằm mua lại NWF.
Theo nguồn tin của CNBC, tập đoàn này dự kiến sẽ đệ trình một kế hoạch thay thế lên chính phủ, bao gồm một giám đốc điều hành nổi tiếng trong lĩnh vực bán dẫn và những người trước đây đã tham gia với NWF.
Nguồn tin cho biết, chính phủ khó có thể yêu cầu Nexperia và NWF “làm sáng tỏ” thỏa thuận hoặc buộc Nexperia phải bán 100% cổ phần của công ty. Nhưng có thể xem xét liệu có một kế hoạch thay thế nhằm đạt mục tiêu “đôi bên cùng có lợi” hay không.
Thỏa hiệp có thể liên quan đến việc yêu cầu Nexperia giảm cổ phần của mình trong NWF xuống dưới 25% để tuân thủ Đạo luật An ninh quốc gia và Đầu tư của Vương quốc Anh, được ban hành vào tháng 4 vừa qua. Đồng thời yêu cầu bất kỳ ai mua lại NWF đều phải ký một số loại hợp đồng dài hạn với Nexperia để họ vẫn nhận được tấm wafer mà họ cần.
Trong đề xuất của mình, tập đoàn này cho rằng Nexperia có thể sẽ gây khó khăn hơn cho các tổ chức bên ngoài sử dụng cơ sở sản xuất của NWF.
NWF là nhà máy bán dẫn cuối cùng ở Vương quốc Anh và nó được sử dụng bởi các công ty, công ty khởi nghiệp, trường đại học và chính phủ cho các mục đích nghiên cứu và phát triển.
Nexperia, vốn đã là cổ đông của NWF, đã trả khoảng 63 triệu bảng Anh (87,9 triệu USD) cho NWF, theo nguồn tin của CNBC. Nếu Nexperia bán 75% cổ phần tại NWF để tuân thủ Đạo luật An ninh quốc gia và Đầu tư thì con số này sẽ tính ra khoảng 50 triệu bảng Anh.
Người phát ngôn của chính phủ Anh nói với CNBC rằng tình hình đang được theo dõi chặt chẽ. Trong khi Nexperia từ chối bình luận về vấn đề này.
Liên quan đến vấn đề này, Tony Abbott, cố vấn thương mại cấp cao của Tổng thống Johnson cho biết hôm 27/7 rằng, ông hy vọng thỏa thuận hiện tại sẽ bị chặn lại.
Việc bán NWF cho Nexperia diễn ra 5 năm sau khi công ty chip lớn nhất của Vương quốc Anh, Arm, được bán cho SoftBank của Nhật Bản với giá 32 tỷ USD. SoftBank hiện đang trong quá trình đàm phán để bán Arm cho Nvidia của Mỹ với giá 40 tỷ USD, mặc dù thương vụ này đang được các cơ quan quản lý cạnh tranh ở Anh, Châu Âu, Trung Quốc và Mỹ điều tra.
Liên kết của Nexperia với Trung Quốc
Có trụ sở chính tại Hà Lan, Nexperia thuộc sở hữu 100% của Wingtech Technologies, một công ty sản xuất lắp ráp điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử tiêu dùng khác có trụ sở tại Thượng Hải. Wingtech cũng nhận được sự hậu thuẫn rất lớn từ chính phủ Trung Quốc.
Ciaran Martin, cựu Giám đốc an ninh mạng của Vương quốc Anh, nói với The Telegraph vào tuần trước rằng, việc bán NWF cho Nexperia có rủi ro lớn hơn sự tham gia của Huawei vào mạng 5G. Vì tương lai của nguồn cung cấp chất bán dẫn là vấn đề chiến lược, nó là trọng tâm của việc Anh nên đối phó với Trung Quốc như thế nào.
Trong khi đó, một số nhà lập pháp Anh lo ngại rằng, thỏa thuận NWF sẽ chứng kiến một nhà máy sản xuất chip tiên tiến hiếm hoi của Anh được chuyển giao cho Trung Quốc, quốc gia đang hướng tới mục tiêu vượt qua Mỹ, Hàn Quốc và Đài Loan về công nghệ bán dẫn.
Tom Tugendhat, lãnh đạo Nhóm Nghiên cứu Trung Quốc của chính phủ Anh và là Chủ tịch Ủy ban Lựa chọn Đối ngoại, nói với CNBC rằng ông muốn xem bằng chứng cho thấy chính phủ đã tiến hành “một cuộc đánh giá đầy đủ và toàn diện trên các cơ sở an ninh quốc gia và chiến lược bán dẫn của Trung Quốc”.
NWF là gì?
Tọa lạc trên một khu đất rộng 28 mẫu Anh ở xứ Wales, NWF sử dụng từ 400 đến 450 nhân viên và sản xuất khoảng 8.000 tấm wafer cấp thấp mỗi tuần.
Các tấm wafer là những miếng silicon mỏng mà các mẫu mạch được in trên đó để tạo ra các con chip. Các tấm wafer 200mm tương đối cơ bản của NWF phần lớn được sử dụng trong ngành công nghiệp ô tô, vốn đã bị ảnh hưởng rất lớn bởi tình trạng thiếu chip bán dẫn trong thời gian qua.
NWF đã cố gắng huy động vốn vào đầu năm nay để có thể duy trì hoạt động độc lập nhưng Nexperia đã kích hoạt một điều khoản hợp đồng cho phép họ tiếp quản cơ sở này.
Glenn O’Donnell, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Forrester nói với CNBC rằng: “Mức giá 63 triệu bảng Anh cho một nhà máy sản xuất bán dẫn là rất nhỏ. Hầu hết các nhà máy bán dẫn đều có giá trên 1 tỷ bảng Anh. Ngay cả khi đây là công nghệ cũ hơn, thì thương vụ này rẻ một cách kỳ cục”.
NWF cũng thực hiện nghiên cứu chất bán dẫn cho chính phủ Vương quốc Anh. Nó có hơn một chục hợp đồng được tài trợ phần lớn bởi Innovate UK, cơ quan đổi mới của chính phủ Vương quốc Anh, thông qua các chương trình tài trợ khác nhau lên tới khoảng 55 triệu bảng Anh.
Một hợp đồng quốc phòng của NWF liên quan đến việc phát triển công nghệ chip với Đại học Cardiff cho một hệ thống radar sẽ được sử dụng trong máy bay chiến đấu. Dự án trị giá 5,4 triệu bảng Anh này nhằm chuyển giao công nghệ cho nhà thầu quốc phòng Leonardo, nhà phát triển tên lửa MBDA và nhà sản xuất chip hàng không vũ trụ Arralis.
Phan Văn Hòa(theo CNBC)