Chính phủ Anh kêu gọi thành lập bộ quy tắc dành cho AI

Vào ngày 29/3 vừa qua, chính phủ Anh đã công bố các khuyến nghị cho ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo, phác thảo một cách tiếp cận toàn diện nhằm điều chỉnh công nghệ tại thời điểm thị trường đầy biến động…

ChatGPT và OpenAI

ChatGPT và OpenAI

Trong một công văn trình lên Chính phủ Vương Quốc Anh, Bộ Khoa học, Đổi mới và Công nghệ (DSIT) đã phác thảo 5 nguyên tắc xung quanh việc sử dụng và kinh doanh trí tuệ nhân tạo. Đó là: an toàn, bảo mật mạnh mẽ; minh bạch; công bằng; trách nhiệm giải trình và quản trị; và khả năng tranh chấp - khắc phục.

Thay vì thiết lập bộ quy định hoàn toàn mới, chính phủ đang kêu gọi các nhà quản lý áp dụng một số quy định hiện hành và thông báo cho các công ty về nghĩa vụ cần tuân theo.

Theo CNBC, Chính phủ Anh đã giao nhiệm vụ cho Giám đốc Điều hành An toàn và Sức khỏe, thuộc Ủy ban Bình đẳng và Nhân quyền, và Cơ quan Cạnh tranh Thị trường đưa ra "các phương pháp tiếp cận khả thi, theo ngữ cảnh cụ thể phù hợp với cách AI thực sự được sử dụng trong nhiều lĩnh vực".

"Trong 12 tháng tới, chúng tôi sẽ ban hành hướng dẫn thực tế cho tổ chức, cũng như các công cụ và nguồn lực khác như mẫu đánh giá rủi ro, hỗ trợ áp dụng bộ nguyên tắc này dễ dàng trong nhiều lĩnh vực", chính phủ cho biết.

Bà Maya Pindeus, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập công ty khởi nghiệp AI Humanising Autonomy, cho biết động thái của chính phủ đánh dấu "bước đầu tiên" hướng tới việc kiểm soát AI.

Sự xuất hiện của các khuyến nghị là kịp thời. Bởi lẽ, ChatGPT, chatbot AI nổi tiếng thuộc OpenAI, đã thúc đẩy một làn sóng nhu cầu công nghệ và người dân đang sử dụng công cụ này cho mọi hoạt động thường ngày, từ viết các bài luận văn đến soạn thảo ý kiến pháp lý.

ChatGPT đã trở thành một trong những ứng dụng tiêu dùng phát triển nhanh nhất mọi thời đại, thu hút 100 triệu người dùng hoạt động hàng tháng tính đến tháng 2/2023. Nhưng các chuyên gia đã nêu lên lo ngại về những tác động tiêu cực của công nghệ này, bao gồm khả năng đạo văn cũng như phân biệt đối xử phụ nữ và người dân tộc thiểu số.

Nhiều chuyên gia nghiên cứu AI lo lắng về sự thiên vị trong dữ liệu đào tạo các mô hình trí tuệ nhân tạo. Nhiều thuật toán đã được chứng minh là có xu hướng nghiêng về nam giới, đặc biệt là đàn ông da trắng, khiến phụ nữ và người dân tộc thiểu số gặp bất lợi.

Những lo ngại cũng đã được nêu ra về khả năng mất việc làm do tự động hóa. Vào thứ Ba tuần trước (28/3), ngân hàng Goldman cảnh báo rằng có tới 300 triệu việc làm có nguy cơ bị xóa sổ hoặc thay thể bởi các sản phẩm AI tạo ra.

AI, được cho là đóng góp 3,7 tỷ bảng Anh (khoảng 4,6 tỷ USD) cho nền kinh tế Anh mỗi năm, cũng nên "được sử dụng trên tinh thần tuân thủ luật hiện hành của Vương quốc Anh, ví dụ như Đạo luật Bình đẳng 2010 hoặc GDPR của Vương quốc Anh và không được phân biệt đối xử với các cá nhân hoặc tạo ra kết quả thương mại không công bằng", DSIT nhấn mạnh.

Hôm thứ Hai (27/03), Ngoại trưởng Michelle Donelan đã đến thăm văn phòng của công ty khởi nghiệp AI DeepMind ở London, một phát ngôn viên của chính phủ cho biết.

"Trí tuệ nhân tạo không còn là định nghĩa của khoa học viễn tưởng và tốc độ phát triển AI thật đáng kinh ngạc, vì vậy chúng ta cần có các quy tắc để đảm bảo công nghệ này được phát triển một cách an toàn", bà Donelan tuyên bố.

"Cách tiếp cận mới của chúng tôi dựa trên nguyên tắc chặt chẽ để mọi người có thể tin tưởng vào các doanh nghiệp khai thác công nghệ này trong tương lai".

Bà Lila Ibrahim, Giám đốc điều hành của DeepMind và thành viên Hội đồng AI Vương quốc Anh, cho biết AI là một "công nghệ chuyển đổi", nhưng nó "chỉ có thể đạt được tiềm năng đầy đủ nếu được tin cậy, đòi hỏi sự hợp tác công và tư trên tinh thần tiên phong có trách nhiệm".

"Cách tiếp cận theo ngữ cảnh được đề xuất của Vương quốc Anh sẽ giúp bộ quy định bắt kịp với sự phát triển của AI, hỗ trợ đổi mới và giảm thiểu rủi ro trong tương lai", bà Ibrahim nói.

Trước đó, tại Trung Quốc, chính phủ đã yêu cầu các công ty công nghệ bàn giao chi tiết về thuật toán đề xuất được đánh giá cao của họ, trong khi Liên minh châu Âu đã đề xuất một số quy định riêng cho ngành.

Nhưng không phải ai cũng bị thuyết phục bởi cách tiếp cận của chính phủ Anh trong việc điều chỉnh ngành công nghiệp AI. John Buyers, nhà lãnh đạo về AI tại công ty luật Osborne Clarke, cho biết động thái ủy thác trách nhiệm giám sát công nghệ giữa các nhà quản lý có nguy cơ tạo ra một "bộ quy định chắp vá phức tạp đầy lỗ hổng".

Bảo Ngọc

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chinh-phu-anh-keu-goi-thanh-lap-bo-quy-tac-danh-cho-ai.htm