Chính phủ Australia đang ưu tiên quan hệ kinh tế với Việt Nam
Chuyên gia Kyle Springer cho biết nhiều doanh nghiệp đang bắt đầu tìm hiểu các cách thức làm việc với Việt Nam, không chỉ về xuất-nhập khẩu mà còn về đầu tư và thiết lập quan hệ đối tác.
Chuyến thăm Việt Nam vào ngày 13/7 của Bộ trưởng Du lịch, Thương mại và Đầu tư Australia Dan Tehan cho thấy nước này đang ưu tiên quan hệ kinh tế với Việt Nam trong bối cảnh quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ và thực chất trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại, đầu tư.
Chia sẻ nhận định trên với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Sydney, chuyên gia Kyle Springer thuộc Trung tâm Perth USAsia có trụ sở tại bang Western Australia, cho biết thêm chuyến thăm cũng sẽ kích hoạt các khuôn khổ hợp tác mà hai quốc gia cùng tham gia như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), cũng như các thỏa thuận hợp tác giữa các địa phương hai nước, bao gồm thỏa thuận giữa bang Western Australia và tỉnh Bà Rịa-Vùng Tàu, bang Victoria và Thành phố Hồ Chí Minh...
Vị chuyên gia này cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu của Australia đã phải trải qua nhiều khó khăn trong 18 tháng qua do ảnh hưởng kinh tế của đại dịch COVID-19 và các biện pháp trừng phạt thương mại của Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp Australia đang bắt đầu tìm hiểu các cách thức làm việc với Việt Nam, không chỉ về xuất-nhập khẩu mà còn về đầu tư và thiết lập quan hệ đối tác.
Điều này được minh chứng qua công bố gần đây của Bộ trưởng Tehan về việc Chính phủ Australia tài trợ 2,5 triệu AUD (gần 2 triệu USD) cho hàng chục dự án nhằm tạo ra các cơ hội kinh tế và tăng cường hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp hai nước trong nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp đến giáo dục, công nghệ số đến chuỗi cung ứng doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong sáu tháng đầu năm, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đã tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm 2020.
Tại các cuộc gặp với Bộ trưởng Du lịch, Thương mại và Đầu tư Australia, các nhà lãnh đạo Việt Nam bày tỏ mong muốn trong thời gian tới các sản phẩm tôm viên, chanh leo được xuất khẩu vào thị trường Australia, trong khi Việt Nam muốn nhập khẩu một số sản phẩm quặng mỏ, than, sắt thép, đất hiếm…
Theo ông Springer, cả Việt Nam và Australia có điều kiện thuận lợi cho việc đảm bảo các chuỗi cung ứng nguyên liệu quan trọng, đặc biệt là đất hiếm, một loại khoáng sản với chuỗi giá trị có rủi ro cao do bị chi phối bởi sản xuất gần như độc quyền. Trung Quốc từ lâu đã là nhà khai thác và chế biến đất hiếm chiếm 80% thị phần. Australia hiện có chuỗi cung ứng đất hiếm duy nhất bên ngoài Trung Quốc.
Vị chuyên gia này cho rằng trong khuôn khổ CPTPP và RCEP, hai nước có thể phát triển mô hình chuỗi cung ứng đất hiếm, trong đó Australia khai thác và chế biến ban đầu còn Việt Nam đảm nhận công đoạn chế biến nâng cao để tạo ra sản phẩm cuối cùng.
Cũng theo chuyên gia Springer, chính quyền bang Western Australia mong muốn thiết lập đường bay thẳng từ thủ phủ Perth sang Việt Nam ngay sau khi đại dịch COVID-19 được đẩy lùi, nhằm tạo thuận lợi hơn cho việc đi lại và giao thương giữa người dân và doanh nghiệp hai bên./.