Chính phủ, các bộ, ngành đã nghiêm túc triển khai các nghị quyết của Quốc hội
Chiều 16-9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 48, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước và cá nhân có liên quan về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên thảo luận.
Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ, các bộ, ngành đã nghiêm túc triển khai các nghị quyết của Quốc hội, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều việc đã hoàn thành, cơ bản hoàn thành; một số việc mang tính chất thường xuyên, lâu dài đang được triển khai tích cực; có những việc triển khai còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra do có bất cập trong cơ chế, chính sách, việc triển khai chưa quyết liệt, chưa đồng bộ, thiếu nguồn lực cần thiết và cần có thời gian.
Trong đó, về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, 100% các xã đã hoàn thành quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới. Cả nước đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung; xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết tiêu biểu, trong đó có hơn 1.600 chuỗi nông sản an toàn. Về lĩnh vực y tế, Chính phủ đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường năng lực cho y tế cơ sở, từ đó đã có thêm 29.524 giường bệnh. Đối với lĩnh vực nội vụ, tính đến năm 2020, biên chế do Chính phủ quản lý đã giảm được 334.548 người, so với yêu cầu của Bộ Chính trị thì trong năm 2021 còn phải tiếp tục giảm 20.076 người…
Trình bày báo cáo, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến năm 2020, Quốc hội không có nghị quyết riêng về giám sát chuyên đề và chất vấn đối với Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, nhưng trong 4 nghị quyết có 4 nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. Ngay sau khi Quốc hội ban hành các nghị quyết trên, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã quán triệt, đưa 4 nhiệm vụ trên vào chỉ thị, kế hoạch công tác hằng năm để triển khai thực hiện trong toàn ngành.
Theo đó, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã yêu cầu tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Thủ trưởng các đơn vị đã chủ động đề ra các giải pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn của từng đơn vị để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ; coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất và phải chịu trách nhiệm khi đơn vị mình không hoàn thành.
Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, tòa án các cấp đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ cơ bản mà các nghị quyết của Quốc hội đề ra. Một số lĩnh vực công tác mặc dù chưa đạt được 100% theo yêu cầu nhưng tiếp tục có nhiều tiến bộ...
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, qua xem xét báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước và các bộ, ngành trong thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện dự thảo các báo cáo trước khi trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ mười.
* Sau đó, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết tán thành việc thay đổi thành viên Hội đồng tuyển chọn kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. Theo đó, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa sẽ tham gia Hội đồng tuyển chọn kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, thay Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng.