Chính phủ cần hỗ trợ mạnh mẽ để khôi phục kinh tế miền Trung

ĐBQH Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh, qua thiên tai, dịch bệnh thể hiện được tình người của Việt Nam, đó là bài học để giáo dục thế hệ trẻ. Qua lũ lụt, nếu không được hỗ trợ phù hợp sẽ bị khiến nhiều người dân miền Trung sẽ bị bần cùng hóa, do đó Chính phủ hỗ trợ mạnh mẽ để khôi phục kinh tế miền Trung.

Tiếp tục chương trình, sáng 2/11 Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020: Phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; Dự kiến mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và các kế hoạch: đầu tư công trung hạn, tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Phiên thảo luận tại tổ của đoàn đại biểu TP Hà Nội.

Phiên thảo luận tại tổ của đoàn đại biểu TP Hà Nội.

ĐBQH Nguyễn Thị Lan (đoàn Hà Nội) nhận định, đến nay kinh tế vẫn phát triển tốt, được quốc tế đánh giá cao. Ngành nông nghiệp có những bước phát triển bền vững trong cơ cấu nền kinh tế, trong đó việc chuyển đổi cơ cấu hợp tác xã đạt những hiệu quả tích cực, đặc biệt Việc tổ chức sản xuất, kết nối chuỗi với các thị trường và truy xuất nguồn gốc là những vấn đề quan trọng để phát triển bền vững, hình thành hợp tác xã kiểu mới.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan đề nghị, để phát triển nông nghiệp bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu cần rà soát lại mô hình các hợp tác xã theo kiểu mới và áp dụng theo chuẩn quốc tế. Việc cần làm là nâng cao nhận thức về hợp tác xã kiểu mới; nhận diện, phân tích đánh giá các mô hình hợp tác xã đang làm tốt để nhân rộng; tạo dựng môi trường pháp lý hoàn thiện để hợp tác xã sống được bằng chính nội lực; làm tốt mối quan hệ giữa nông dân với hợp tác xã, hợp tác xã với các doanh nghiệp, kết nối các nhà khoa học công nghệ để đưa hàm lượng khoa học công nghệ vào trong sản xuất…

Các tỉnh miền Trung đã chịu ảnh hưởng nặng nề do thiên tai.

Các tỉnh miền Trung đã chịu ảnh hưởng nặng nề do thiên tai.

Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Anh Trí cũng nhận định, các chỉ tiêu phát triển kinh tế năm 2020 đạt được đều không như kế hoạch đã đề ra, tuy nhiên cử tri hài lòng bởi trong bối cảnh thế giới cũng khó đạt được bởi do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đại biểu bày tỏ ấn tượng ngành nông nghiệp nước ta đã khẳng định được vai trò trụ đỡ, xuất khẩu tăng, đạt gần 17 tỷ USD trong bối cảnh thương mại toàn cầu giảm. Hiệp định EVFTA là thắng lợi rất quan trọng của nước ra, mở ra đại lộ lớn để hội nhập với kinh tế thế giới.

Bên cạnh đó, qua thiên tai, dịch bệnh thể hiện được tình người của người Việt Nam, là bài học để giáo dục thế hệ trẻ, thể hiện rõ trách nhiệm của Chính phủ trong điều hành kinh tế - xã hội trong thiên tai và dịch bệnh. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần nắm bắt cơ hội khi nền kinh tế thế giới đang có sự cơ cấu lại, chuyển dịch để tăng tốc sau dịch. Qua lũ lụt, nếu không được hỗ trợ phù hợp sẽ bị khiến nhiều người dân miền Trung sẽ bị bần cùng hóa, do đó Chính phủ hỗ trợ mạnh mẽ để khôi phục kinh tế miền Trung.

Nhắc đến tác động của dịch bệnh COVID-19, ĐBQH Ngọ Duy Hiểu nêu ra thực trạng, dịch bệnh đã làm cho xu hướng nghèo hóa gia tăng, sụt giảm mạnh về tiền lương đến 50%, lương một số ngành giảm cao như giao thông vận tải, du lịch giảm sâu đến 70-80%. 60% người lao động được hỏi phải chi tiêu thắt lưng buộc bụng, 40% người lao động phải giảm dinh dưỡng bữa ăn, 27% phải giảm việc học tập, nâng cao tay nghề, 13% phải giảm việc khám chữa bệnh và cũng tỷ lệ đó đã giảm hạnh phúc gia đình.

Theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu, cần có các giải pháp quan tâm hỗ trợ cho người lao động trong khi gói hỗ trợ đến người lao động rất ít, chỉ có 402 nghìn người được thụ hưởng do chính sách chưa gần với cuộc sống, người lao động đang gặp nhiều khó khăn, dịch bệnh kéo dài có thể một lực lượng trong lao động thất nghiệp sẽ vi phạm pháp luật và làm nảy sinh các vấn đề xã hội

Đại biểu cũng nêu ra 5 kiến nghị, trong đó tập trung duy trì thị trường lao động, việc làm, nhất là đối với những đối tượng yếu thế, doanh nghiệp coi đây là cơ hội nâng cao tay nghề để người lao động tiếp cận việc làm sau dịch. Đồng thời Chính phủ phát huy hơn nữa cơ hội tận dụng các hiệp định thương mại, tiếp cận các thị trường để đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động; tiếp tục mở cửa thận trọng, có kiểm soát, tập trung phát triển thị trường trong nước.

Lê Bảo

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/chinh-phu-can-ho-tro-manh-me-de-khoi-phuc-kinh-te-mien-trung-20201102130128905.htm