Chính phủ cần sớm có các chính sách đồng bộ phục hồi kinh tế
Phát biểu tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng Chính phủ cần sớm có các chính sách đồng bộ phục hồi kinh tế mạnh mẽ hơn, tránh 'đứt gãy' nền kinh tế.
Sáng 8/11, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV bước vào đợt họp thứ 2 bằng phiên thảo luận trực tiếp trên hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính – ngân sách Nhà nước 3 năm (2022-2024).
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế khó hoàn thành
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) bày tỏ băn khoăn về chỉ tiêu tăng trưởng 3-3,5% năm 2021 mà Chính phủ đề ra.
Theo đại biểu, trong năm 2020, cả nước cũng bị đại dịch Covid-19 tấn công nhưng với cường độ không mạnh như hiện nay. Vậy nhưng năm ngoái tăng trưởng GDP chỉ đạt tăng trưởng 2,91%.
“Năm nay tôi e rất khó. Ba tháng cuối năm phải nỗ lực rất cao với GDP phải đạt 8,6% may ra mới đạt tốc độ tăng trưởng 3,5% cả năm. Đây là mục tiêu mà tôi cho rằng Chính phủ phải đánh giá thận trọng”, đại biểu Lê Thanh Vân nêu quan điểm.
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau). (Ảnh: Báo Thanh tra)
Về mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% trong năm 2022, đại biểu đoàn Cà Mau cũng kiến nghị Chính phủ đánh giá thận trọng hơn bởi nền kinh tế phải có giai đoạn phục hồi ít nhất tới tháng 6/2022 trước khi có thể phát triển.
Đi vào phân tích các nhiệm vụ và giải pháp mà Chính phủ đề ra cho tời gian tới, đại biểu đoàn Cà Mau cho rằng các nên tách riêng nhiệm vụ và giải pháp riêng, đồng thời kiến nghị một số giải pháp trọng tâm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Trước hết là sắp xếp trật tự ưu tiên theo hướng ưu tiên củng cố và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó nâng cao chất lượng nhân lục cấp cao trong quản lý các cấp, tiếp đó là tập trung rà soát và sửa đổi thể chế.
Cần có chính sách đồng bộ để phục hồi nền kinh tế
Theo đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai), Nhà nước phải thực sự “tiết kiệm, thắt lưng buộc bụng,” cần có cơ chế thu hút tối đa nguồn lực từ xã hội, người dân; triển khai ngay các chính sách phục hồi khu công nghiệp, khu chế xuất, nhất là các địa phương trọng điểm như Đồng Nai có các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn, tránh đứt gãy, thiếu hụt lao động và chuyên gia; thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc an toàn; có các gói khuyến khích kinh tế liệu lượng hợp lý, hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp.
“Mặt bằng lãi suất cho vay giảm nhưng lợi nhuận của các ngân hàng còn cao, chưa hài hòa với khó khăn của doanh nghiệp và người dân, doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận tín dụng ưu đãi,” đại biểu An chỉ rõ điểm bất cập.
Phiên thảo luận trực tiếp trên Hội trường trong ngày đầu tiên của đợt họp thứ 2, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Quochoi.vn)
Cũng cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) đề nghị Chính phủ cân nhắc đến việc bội chi ngân sách và chuẩn bị một khoản ngân sách bất thường để giải quyết các tình huống không bình thường.
"Chúng ta nên mạnh dạn sử dụng ngân sách để tăng tiền an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động. Bởi hỗ trợ người lao động cũng chính là giúp cho động lực tăng trưởng của đất nước,” đại biểu Khải nhấn mạnh.
Nhìn lại thời gian đại dịch Covid-19 vừa qua, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) cũng cho rằng 2 năm qua, thị trường lao động đã đối mặt với nhiều khó khăn.
Vì thế, bên cạnh việc đẩy nhanh chương trình tiêm chủng, đại biểu Đoàn Quảng Bình kiến nghị Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ đặc thù, mở rộng đào tạo hướng nghiệp, hỗ trợ người lao động, góp sức phát triển kinh tế; có các biện pháp hỗ trợ, tạo lập các nhóm tương trợ cho người lao động khi con cái họ chưa được đi học.
Khẳng định vấn đề cải cách thể chế kinh tế là nhân tố quan trọng củng cố niềm tin doanh nghiệp, nhà đầu tư, đại biểu Lã Thanh Tân (đoàn TP.Hải Phòng) bày tỏ quan điểm Chính phủ cần có cách làm đột phá, tránh tình trạng làm nhiều nhưng cải cách chưa tương xứng.
Dẫn chứng dịch Covid-19 làm thay đổi chuyển đổi số, mở ra các cơ hội phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, hướng đến hội nhập; trong đó có mô hình khu công nghiệp sinh thái nhằm thu hút tối đa nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội, song đại biểu Thanh Tân đánh giá việc hoàn thiện thiện chế tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương, ban quản lý khu công nghiệp còn chậm, chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư liên kết hợp tác.
Vì vậy, đại biểu Thanh Tân đề nghị Chính phủ cần có các chính sách ưu đãi cần thiết hơn cho doanh nghiệp nhằm tạo sự đột phá; nghiên cứu xem xét thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu doanh nghiệp áp dụng tương tự khu kinh tế…