Chính phủ cho phép sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính huyện Yên Dũng vào thành phố Bắc Giang
Theo Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang đến năm 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, phấn đấu xây dựng đô thị Bắc Giang trở thành đô thị loại I, trong đó sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính huyện Yên Dũng vào thành phố Bắc Giang.
Theo đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 425/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang đến năm 2045, tỷ lệ 1/10.000.
Theo phê duyệt, phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của thành phố Bắc Giang và huyện Yên Dũng hiện hữu (Đô thị Bắc Giang). Diện tích lập quy hoạch khoảng: 25.830 ha. Trong đó thành phố Bắc Giang: 6.656 ha; huyện Yên Dũng: 19.174 ha.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Bắc Giang phù hợp với Quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính theo Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã; phấn đấu xây dựng đô thị Bắc Giang trở thành đô thị loại I (trong đó sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính huyện Yên Dũng vào thành phố Bắc Giang).
Theo nhiệm vụ quy hoạch, đến năm 2030, dân số đô thị Bắc Giang khoảng 472.000 người. Trong đó dân số nội thị khoảng 365.200 người, chiếm 77% tổng dân số; đến năm 2045, dân số đô thị Bắc Giang khoảng 666.000 người. Trong đó dân số nội thị đô thị Bắc Giang khoảng 565.000 người, chiếm 85% tổng dân số.
Về định hướng phát triển không gian đô thị, định hướng phát triển đô thị đến năm 2030 tập trung tái phát triển chỉnh trang, bổ sung hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, không gian mở tại khu vực thành phố hiện hữu và các thị trấn (huyện Yên Dũng), các xã dự kiến lên phường để tập trung nguồn lực đầu tư phát triển và mở rộng đô thị trong tương lai, đáp ứng tiêu chí đô thị loại I.
Định hướng phát triển đô thị Bắc Giang đến năm 2045, tiếp tục phát triển đô thị theo hướng Nam và hướng Đông, gồm các khu đô thị mới đồng bộ, khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khu nhà ở công nhân có kết hợp với sản xuất tạo được nét đặc thù của đô thị, khu nông nghiệp công nghệ cao, khu cây xanh vui chơi giải trí và dịch vụ du lịch.
Thiết kế đô thị hiện đại, hấp dẫn, giàu bản sắc, dựa trên cấu trúc cảnh quan và sinh thái tự nhiên, đặc biệt là cảnh quan dãy núi Nham Biền và cảnh quan dọc hai bên sông Thương, sông Cầu... phải được khai thác hiệu quả.
Thiết kế đô thị phù hợp với điều kiện văn hóa, xã hội, trong đó nâng cấp, cải tạo và khai thác các khu đô thị hiện hữu; tăng cường khả năng giao lưu và tạo sự hấp dẫn của đô thị du lịch thông qua hệ thống không gian công cộng, quảng trường, không gian cảnh quan tự nhiên...