Chính phủ Cuba tiếp tục 'USD hóa' một phần nền kinh tế
Quy định mới này cho phép việc sử dụng ngoại tệ trong một số hoạt động bán lẻ, cá nhân sử dụng ngoại tệ để nhập khẩu một số hàng hóa qua các công ty nhà nước được cấp phép.
Theo tuần báo Progreso Semanal (Mỹ), Nghị định 73 mới được Ngân hàng Trung ương Cuba ban hành cuối tháng 5/2020 vừa qua đồng nghĩa với việc mở rộng việc sử dụng ngoại tệ thông dụng (Chính phủ Cuba gọi là “các đồng tiền tự do chuyển đổi”), chủ yếu là USD.
Biện pháp này được nhiều nhà kinh tế nhận xét là một sự “USD hóa” từng phần nền kinh tế mạnh mẽ hơn, trong bối cảnh tình trạng thiếu thanh khoản ngoại tệ cho các hoạt động thường xuyên có thể dẫn tới hàng loạt tác động tiêu cực.
Quy định mới này cho phép việc sử dụng ngoại tệ trong một số hoạt động bán lẻ, cá nhân sử dụng ngoại tệ để nhập khẩu một số hàng hóa qua các công ty nhà nước được cấp phép.
Công dân Cuba không thường trú trong nước được phép mở tài khoản bằng ngoại tệ chỉ giao dịch bằng thẻ trong ngân hàng Cuba, công dân Cuba có tài khoản ngân hàng trong nước được quyền nhận chuyển khoản ngân hàng bằng ngoại tệ từ nước ngoài, cùng một số điều khoản khác.
Nhà kinh tế Cuba Ricardo Torres nhận định rằng Nghị định mới của ngân hàng trung ương khẳng định xu thế đã bắt đầu từ tháng 11/2019, khi La Habana mở các cửa hàng bán một số mặt hàng chỉ bằng ngoại tệ (chỉ bằng thẻ), và đi kèm theo là việc cơ chế mở tài khoản tại ngân hàng Cuba bằng tiền mặt, việc tạo ra loạt thẻ ngân hàng dành riêng cho giao dịch này đối với công dân trong nước.
Kể từ tháng 11/2016, Nghị định 275 đã cho phép bất kỳ công dân Cuba nào có tài khoản tại ngân hàng trong nước đều được nạp ngoại tệ vào tài khoản của mình, giờ đây Nghị định 73 đã mở rộng ra các đối tượng công dân Cuba định cư tại nước ngoài.
Ngoài ra, văn bản mới cũng hợp nhất vào một quy định về thương mại bán lẻ trong lãnh thổ Cuba bằng ngoại tệ và chi trả của cá nhân cho một số dịch vụ và sản phẩm nhập khẩu thông qua một số doanh nghiệp nhà nước được cấp phép.
Ông Torres cho rằng “điều này mở ra khả năng trong tương lai sẽ có thêm các hạng mục sản phẩm và dịch vụ sẽ được thanh toán bằng ngoại tệ.”
Giáo sư Khoa Kinh tế, Đại học La Habana, Henry Colina cho rằng Nghị định 73 cũng cho thấy sự thiếu hụt thanh khoản ngắn hạn của Cuba, vì nhu cầu nhập khẩu nhiều sản phẩm tăng (vì đại dịch COVID-19), và mặc dù giá cả xăng dầu và thực phẩm giảm trên thị trường thế giới, giá trị hóa đơn vẫn là rất lớn. Nhu cầu ngoại tệ ngắn hạn là rõ ràng, và biện pháp này nhằm vào những nguồn ngoại tệ đang nằm trong dân chúng.
Trong khi đó, tiến sỹ Kinh tế Betsy Anaya Cruz, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Cuba, nhận định việc phát hành thẻ ngân hàng phục vụ thanh toán bằng ngoại tệ một số mặt hàng nhất định trong các cửa hàng riêng là tích cực cho nhiệm vụ thu gom ngoại tệ, mặc dù không hoàn toàn tích cực xét trên khía cạnh chính sách tiền tệ.
Nguyên nhân của việc mở rộng phạm vi quy định đó cho người Cuba sinh sống ở nước ngoài chính là sự thiếu hụt ngoại tệ kéo dài mà Cuba phải đối mặt.
Tiến sỹ Kinh tế Oscar Fernández dự báo biện pháp mới có thể kích thích nguồn kiều hối từ nước ngoài vào Cuba qua các kênh chính thức, đó là cách duy nhất để Nhà nước có thể tái cung ứng hàng hóa trong các chuỗi cửa hàng bán lẻ, vì hiện tại họ đã không còn USD để nhập khẩu.
Chuyên gia này đồng thời bình luận rằng việc mở rộng sử dụng đồng USD sẽ làm giảm bớt vai trò của đồng peso chuyển đổi (CUC) - một công cụ tiền tệ được Cuba đưa ra từ thập kỷ 1990 với chức năng song hành và sau đó là thay thế đồng USD lưu thông trong nước.
Việc quản lý ngoại tệ tiền mặt được giải quyết bằng việc bắt buộc sử dụng thẻ cho các giao dịch ngoại tệ được cho phép. Tại thị trường ngoại hối không chính thức, hay “chợ đen,” vẫn hoạt động song song với các cơ chế hối đoái chính thức - trong đó đồng CUC có giá trị được neo cố định theo đồng USD, các biện pháp này nhiều khả năng sẽ làm tăng giá trị đồng USD so với đồng CUC trong khi Chính phủ vẫn chưa đưa ra tỷ giá rõ ràng giữa đồng USD và đồng peso nội tệ.
Rõ ràng, Cuba đang trải qua một cuộc khủng hoảng về cán cân thanh toán, và nền kinh tế đảo quốc này vẫn phụ thuộc mạnh mẽ vào yếu tố bên ngoài, từ việc nguồn thu chính đến từ các ngành xuất khẩu dịch vụ y tế, du lịch và kiều hối, cho tới việc hoạt động kinh tế và đời sống sinh hoạt phụ thuộc vào việc nhập khẩu hàng loạt những sản phẩm và dịch vụ nhất định.
Những yếu tố khác, như tính đơn điệu của các mặt hàng xuất khẩu hay lượng vốn đầu tư nước ngoài ít ỏi, càng khiến tình trạng thêm trầm trọng.
Diễn biến dịch bệnh COVID-19 đang tác động tiêu cực tới những nguồn thu chủ chốt của Cuba, điển hình là du lịch, khi các thị trường chính như Italy, Tây Ban Nha, Đức và Nga đều chịu ảnh hưởng nặng nề.
Khi các cửa khẩu biên giới được mở lại và các chuyến bay được tái lập, có thể dự báo những “du khách” chủ chốt chính là các kiều dân Cuba hồi hương thăm thân, và thậm chí về lâu về dài. Đây cũng là mảng “khách quốc tế” ít bị ảnh hưởng nhất.
Đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng một cuộc khủng hoảng vốn đã tồn tại từ trước của Cuba, và giờ đây, rõ ràng là nhu cầu ngoại tệ đang lan rộng ra tất cả các lĩnh vực kinh tế Cuba, và sẽ không bất ngờ nếu tiếp sau chính sách này, La Habana sẽ còn có thêm các động thái “USD hóa” một phần nền kinh tế./.