'Chính phủ đã phản ứng rất nhanh'- ký ức của người mẹ ôm 3 con thơ rời vùng chiến sự Ukraine

Chị Nguyễn Thị Thu Hồng (SN 1984, khu Làng Sen, TP Odessa, Ukraine) và 3 đứa con nhỏ may mắn có mặt trên chuyến bay đưa người Việt Nam tại Ukraine trở về.

Ám ảnh tiếng bom đạn

Hiện, cả 4 mẹ con đã an toàn, đang tá túc tại nhà anh trai ở TP Vinh, Nghệ An. Kể cho chúng tôi nghe hành trình chạy trốn khỏi cuộc xung đột ở Ukraine, trên khuôn mặt chị vẫn hằn nguyên sự hoảng sợ, ám ảnh.

Người phụ nữ chạy nạn từ Ukraine về Việt Nam cùng con trai.

Năm 2007, chị Hồng theo chồng sang thành phố cảng Odessa sinh sống. Hai vợ chồng chị có một sạp bán quần áo tại chợ 7km, đủ để lo cho 3 đứa con ăn học. Sau 15 năm chắt góp, vợ chồng chị mua được một căn hộ tại khu Làng Sen, sắm được ô tô, chưa hẳn đã giàu nhưng cuộc sống không có gì phải phàn nàn.

“Rạng sáng ngày 24/2 chúng tôi choàng tỉnh bởi 2 tiếng nổ liên tiếp. Sau đó mới biết là tiếng bom. Nói thật người Việt ở bên đó tiếng bồi thì biết chứ chữ nghĩa không đủ để đọc báo nên cũng không để ý, không biết chiến sự giữa Nga và Ukraine sắp nổ ra. Bởi vậy, khi nghe tiếng bom, dù cách xa nơi ở nhưng vẫn cảm nhận rõ ràng thì choáng váng. Thời điểm này chồng tôi về Việt Nam ăn Tết chưa sang, hơn 70.000 USD dốc vào lấy hàng chưa gỡ được vốn, tôi thực sự sợ hãi khi một thân một mình lo cho sự an toàn của 3 đứa nhỏ 5 đến 14 tuổi...”, chị Hồng vẫn chưa thôi ám ảnh.

Theo khuyến cáo của chính quyền sở tại, chị Hồng đưa các con xuống tầng hầm - vốn là nhà để xe của chung cư để trú ẩn mỗi khi còi báo động vang lên. Trong 5 ngày liên tiếp, chị Hồng luôn trong trạng thái căng thẳng, hoảng sợ bởi phải liên tục sơ tán xuống hầm, bất kể nửa đêm hay gần sáng.

Mặc dù Odeesa không phải là tâm điểm của các trận pháo kích, các trận bom nhưng ai biết trước chuyện gì sẽ xảy ra. Một ngày chiến sự leo thang, mở rộng thì làm thế nào?. Lúc này, chị hay tin, một người đồng hương huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) sống ở TP Kharkov bị sang chấn tâm lý khi liên tiếp khi liên tiếp những trận bom dội xuống. Nếu ở lại, chưa chắc đã an toàn. Chị Hồng quyết định sẽ đưa 3 đứa con sang Moldova tị nạn.

Những người Việt Nam về từ Ukcraine cùng đơt với chị Hồng. Ảnh: H.Anh.

“Thực ra đó là quyết định khó khăn bởi toàn bộ tài sản tích góp của hai vợ chồng tôi đều ở đây, có phải nói đi là đi được ngay đâu. Chưa kể chặng đường từ đây sang Moldova liệu đã an toàn cho cả 4 mẹ con. Nếu lúc này có chồng tôi ở đây thì ít nhất tôi có thể dựa vào. Đắn đo, suy tính, cuối cùng tôi vẫn lựa chọn rời đi. May thời điểm này tôi còn một ít tiền dự phòng và ít thực phẩm, quần áo ấm chuẩn bị từ trước”, chị Hồng kể.

Khu Làng Sen nơi chị sinh sống có khoảng hơn 400 gia đình người Việt, chia thành nhiều nhóm nhỏ để di chuyển và còn giúp đỡ nhau trên đường chạy nạn. Sáng 1/3, nhóm của chị Hồng có khoảng 60 người, di chuyển trên 11 chiếc ô tô, chạy đường tắt để rút ngắn được 50 cây số, dù đoạn đường khó đi hơn nhưng dường như an toàn hơn.

“Đường đi không quá vất vả, không bị tắc đường nhưng khi chờ thủ tục để qua cửa khẩu thì rất lâu vì dòng người, xe chen chúc, tắc trước cửa khẩu kéo dài phải đến 25 cây số. Sau 3 tiếng chờ đợi trong giá rét, cuối cùng chúng tôi cũng đặt được chân sang Moldova”, chị Hồng kể.

Chính phủ Việt Nam đã phản ứng rất nhanh!

Khi đặt chân sang Moldova, người tị nạn được chính quyền sở tại và đại sứ quán Việt Nam tại đây cũng như các tổ chức tình nguyện đón tiếp, hỗ trợ, bố trí chỗ ăn ở. Đại sứ quán Việt Nam tại Rumani cũng cử người và phương tiện sang đón do theo quy định người tị nạn chỉ được lưu lại Moldova trong 2 ngày. Chị Hồng cùng đoàn người tị nạn được bố trí lên 2 chiếc xe bus để mang Rumani.

“Đại sứ quán đã thuê hẳn một hội trường của khách sạn lớn tại thủ đô Rumani, kê giường, phân phòng để người tị nạn ở. Chúng tôi được hỗ trợ thức ăn nóng, có chỗ ngủ, nghỉ ngơi ấm áp”, chị Hồng nói.

Trong suốt cuộc trò chuyện, chị Hồng luôn thấy mình may mắn khi hành trình rời vùng chiến sự thuận lợi, nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức thiện nguyện và đại sứ quán Việt Nam tại Moldova, Rumani. Đặc biệt là cả 4 mẹ con chị may mắn có mặt trên chuyến đầu tiên đưa người Việt Nam ở Ukraine về nước. Trưa ngày 8/3, mẹ con chị Hồng đặt chân xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội), kết thúc hành trình chạy nạn một cách an toàn. Trong vòng tay ôm của chồng và người thân, chị chỉ biết khóc vì quá vui sướng.

Mặc dù đã về đến Việt Nam nhưng những người Việt Nam tại Ukraine vẫn chưa hết bị ám ảnh vì chiến tranh.

“Nhiều người Việt Nam tại Ukraine chạy nạn mà không kịp mang theo tiền bạc, hành lý. Nhiều người bạn của tôi phải vay từng trăm đô la để mua sữa, mua bỉm cho con, nói gì đến việc mua vé máy bay về nước. Tôi không nghĩ Chính phủ phản ứng nhanh đến thế để đưa chúng tôi trở về mà không mất một khoản chi phí nào. Từ đáy lòng của mình, tôi xin cảm ơn Chính phủ và các cơ quan chức năng đã hỗ trợ và đưa chúng tôi về nước. Giờ toàn bộ tài sản ở lại bên kia nhưng về với quê hương, với gia đình, về với bình yên là mừng lắm rồi. Còn người thì còn của...”, chị Hồng tâm sự.

Nói về kế hoạch sắp tới, chị lắc đầu. Gần 20 năm mưu sinh nơi đất khách, nhà cửa, xe cộ đều ở bên đó. “Ở Việt Nam hiện giờ, mình là vô sản”, Hồng nói. Hiện gia đình chị Hồng đang tá túc tại nhà người anh trai. Nỗi lo lắng của chị là các con gián đoạn việc học tập, trong khi tiếng Việt không đủ tốt để có thể hòa nhập với trường học ở Việt Nam.

“Về Việt Nam rồi nhưng tôi vẫn mất ngủ, vẫn ám ảnh tiếng bom rơi, ám ảnh dòng người chạy loạn kéo dài dằng dặc trong giá rét... Chỉ mong chiến sự nhanh chóng kết thúc, chúng tôi sớm quay trở lại Ukraine tiếp tục làm ăn, học tập”, chị Hồng tâm sự.

Bài và ảnh: Hải Đăng

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chinh-phu-da-phan-ung-rat-nhanh-ky-uc-cua-nguoi-me-om-3-con-tho-roi-vung-chien-su-ukraine-post185235.html