Chính phủ điện tử - phương tiện để cải cách hành chính

Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, vấn đề cải cách hành chính trở thành một nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách. Tuy nhiên, muốn công việc đó thành công, xây dựng chính phủ điện tử (CPĐT) phải được coi là giải pháp cấp bách, một bước đi tất yếu. Vậy CPĐT là gì?

>> Chính phủ điện tử - phát huy quyền làm chủ của nhân dân
>> Đến năm 2025, 95% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử
>> Nội dung ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước
>> Hướng dẫn kỹ thuật các ứng dụng dùng chung của tỉnh
>> 100% CB, CC, VC sẽ được cấp hộp thư công vụ

Hiểu một cách đơn giản, CPĐT là chính phủ ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của công nghệ thông tin - truyền thông để “số hóa” các thủ tục, “tự động hóa” các quy trình làm việc nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác điều hành, quản lý của mình và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho công dân, doanh nghiệp. Để thực hiện chức năng quản lý, điều hành và cung ứng dịch vụ công, trong CPĐT tồn tại 4 dạng giao dịch chính: Chính phủ với công dân (G2C); Chính phủ với doanh nghiệp (G2B); Chính phủ với các cơ quan trong chính phủ (G2G); Chính phủ với công chức, viên chức (G2E).

Trong hoạt động của CPĐT, cung cấp dịch vụ công điện tử là một nhiệm vụ chủ chốt và nó được vận hành theo 4 mức độ sau đây. Mức độ 1: Cổng thông tin điện tử đưa ra các thông tin đầy đủ về quy trình thực hiện dịch vụ. Mức độ 2: Cổng thông tin điện tử cho phép người sử dụng tải các mẫu đơn, hồ sơ để in ra giấy hoặc điền vào các mẫu. Mức độ 3: Cổng thông tin điện tử cho phép người sử dụng điền trực tuyến vào các mẫu đơn, hồ sơ và gửi lại hồ sơ đó tới địa chỉ có trách nhiệm thụ lý hồ sơ. Mức độ 4: Người sử dụng dịch vụ có thể thanh toán chi phí trực tuyến và việc trả kết quả có thể thực hiện trực tuyến hoặc gửi qua đường bưu điện. Khi dịch vụ công trực tuyến “chạy” hiệu quả ở mức độ 3 và mức độ 4 tức là CPĐT đã đạt chỉ số phát triển cao.

Tuy nhiên, CPĐT không đơn thuần là sự “tin học hóa”, “số hóa”. Thực tế cho thấy, không thể xây dựng một CPĐT khi vẫn duy trì một nền hành chính yếu kém, không vận hành theo một quy trình khoa học. Vì thế, trước khi triển khai việc xây dựng CPĐT, Chính phủ phải tổ chức lại hoạt động của mình, phải tối giản hóa, khoa học hóa các quy trình, thủ tục hành chính. Chính phủ cũng phải phân định rõ chức năng, trách nhiệm của từng ban, ngành trong hệ thống chính phủ để mỗi bộ phận thực hiện đúng chức năng đã “mã hóa” của họ.

Ngược lại, với sự trợ giúp của các phương tiện và quy trình công nghệ thông tin hiện đại, CPĐT sẽ giúp công cuộc cải cách hành chính đạt được mục tiêu đề ra là tăng cường năng lực, hiệu quả điều hành của Chính phủ, mang lại sự hài lòng của dân chúng, tăng cường sự minh bạch của nền hành chính quốc gia, tinh gọn bộ máy để giảm chi tiêu của Chính phủ và nâng cao đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.

T.S (tổng hợp)

Xem thêm: Xây dựng chính quyền điện tử

>> Đến năm 2020, 100% CB, CC, VC sử dụng thư điện tử trong công việc

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/chinh-phu-dien-tu---phuong-tien-de-cai-cach-hanh-chinh-202616