Chính phủ giao 8 nhiệm vụ cho ngành giao thông vận tải
Với mục tiêu xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, 'đi trước mở đường' trong bối cảnh tình hình kinh tế-xã hội dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới, Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT tập trung vào 8 nhóm nhiệm vụ chính.
Ghi nhận những kết quả đã đạt được trong năm 2019 của ngành giao thông vận tải, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá “năm 2019 có thể nói là một năm có nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành giao thông”.
“Chúng ta đều thấy, không ở đâu không nói đến các vấn đề giao thông, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, Chính phủ họp liên tục về giao thông… Trong đó, tôi nhìn thấy rõ khó khăn của các đồng chí về việc xử lý các vấn đề tồn tại liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra. Tôi rất chia sẻ với các đồng chí lãnh đạo Bộ GTVT trong bối cảnh pháp luật của chúng ta chưa đồng bộ, còn nhiều bất cập”, Phó Thủ tướng chia sẻ.
Nhiều thành tựu trong bối cảnh khó khăn
Nhưng, lãnh đạo Chính phủ cũng nhìn nhận, với truyền thống 75 năm “Đi trước mở đường”, với tinh thần trách nhiệm, Bộ GTVT đã khắc phục khó khăn, thách thức để hoàn thành cơ bản, toàn diện các nhiệm vụ, kế hoạch năm 2019, góp phần quan trọng, thiết thực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.
Trong năm 2019, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, đề án được Bộ GTVT quan tâm triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GTVT.
“Bộ GTVT đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án hạ tầng GTVT quan trọng. Các dự án giao thông lớn được chỉ đạo, triển khai quyết liệt, bám sát tiến độ, hoàn thành 16 công trình, khởi công mới nhiều dự án. Đồng thời, Bộ GTVT cũng đã hoàn tất các thủ tục triển khai thi công hai dự án thành phần của dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn và Cao Bồ - Mai Sơn”, Phó Thủ tướng đánh giá.
Về vận tải, Phó Thủ tướng khẳng định chất lượng dịch vụ các loại hình vận tải tiếp tục được cải thiện, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân. Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kiểm soát tải trọng phương tiện, giảm ùn tắc giao thông, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn có nhiều kết quả tích cực, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho nhà nước và người dân.
Năm 2019 là năm thứ 4 liên tiếp Bộ GTVT đứng đầu về chỉ số dịch vụ công trực tuyến trong số 20 bộ, ngành. Phó Thủ tướng đánh giá “đây là nỗ lực rất đáng khen ngợi”.
Dự án còn chậm, nhiều vấn đề chưa xử lý dứt điểm
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, lãnh đạo Chính phủ cũng chỉ ra những mặt hạn chế, tiến độ thi công tại một số dự án còn chậm, như các dự án đường sắt đô thị, các dự án đường bộ cao tốc: Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận... Đặc biệt là tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, sau nhiều lần lùi tiến độ, đến nay vẫn chưa hoàn thành, đưa vào sử dụng.
“Tình trạng quá tải ở sân bay Tân Sơn Nhất chưa được xử lý dứt điểm. Giao thông đường thủy nội địa, chưa được chú trọng, nút thắt khu vực đồng bằng sông Cửu Long chưa được xử lý. Việc kết nối giao thông giữa các khu vực kinh tế còn hạn chế, đầu tư giao thông cho khu vực miền núi phía Bắc còn chậm”, Phó Thủ tướng nêu vấn đề.
Bên cạnh đó, do thay đổi hình thức đấu thầu quốc tế sang đấu thầu trong nước nên tiến độ các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo hình thức PPP triển khai chậm so với kế hoạch đề ra. Một số công trình, dự án còn để xảy ra các khiếm khuyết về chất lượng; Tiến độ triển khai dự án thu phí tự động không dừng chưa đảm bảo…
Chính phủ giao 8 nhiệm vụ
Với mục tiêu cao nhất xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại “đi trước mở đường” trong bối cảnh tình hình kinh tế-xã hội dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT tập trung, thực hiện nghiêm túc 8 nhiệm vụ.
Thứ nhất, Bộ GTVT phải khẩn trương xây dựng, ban hành, triển khai chương trình hành động của Bộ GTVT thực hiện Nghị quyết số 01, 02 năm 2020 của Chính phủ; bám sát các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước triển khai toàn diện các nhiệm vụ của ngành GTVT ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm 2020; thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.
Thứ hai, cần bám sát chương trình công tác của Chính phủ, tập trung xây dựng, trình các văn bản quy phạm pháp luật, đề án bảo đảm chất lượng, tiến độ đề ra. Trong đó, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); tập trung xây dựng, hoàn thiện Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Thứ ba, Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT tập trung lập các quy hoạch giai đoạn 2021-2030 bao gồm: Quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường sắt, hệ thống cảng biển, càng hàng không, sân bay, đường thủy nội địa… gắn với Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm; quy hoạch các ngành, địa phương.
Thứ tư, tập trung thực hiện tốt công tác đầu tư xây dựng các công trình, dự án, đặc biệt là các dự án đã có nguồn vốn, các công trình trọng điểm quốc gia, các dự án quan trọng của ngành.
Trong đó, đẩy nhanh công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu, sớm khởi công các dự án đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía đông và các dự án đường sắt, đường bộ quan trọng, cấp bách; khởi công dự án đường bộ cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ; dự án đầu tư Cảng hàng không Quốc tế Long Thành; kịp thời giải trình với Hội đồng Thẩm định nhà nước về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam để sớm báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư; phối hợp chặt chẽ với TP. Hà Nội và TPHCM thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị bảo đảm chất lượng, tiến độ.
“Phải sớm đưa đường sắt Cát Linh-Hà Đông vào hoạt động, đáp ứng sự kỳ vọng của người dân”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý ngay những vướng mắc liên quan đến tiến độ và chất lượng công trình, xử lý kịp thời những tồn tại về chất lượng, sự cố công trình. Trong đó, chú trọng việc chấn chỉnh, nâng cao năng lực của các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, các tổ chức tư vấn thiết kế, giám sát.
Thứ sáu, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông.
Thứ bảy, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Cuối cùng, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, công chức, viên chức, người lao động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành cùng ngành GTVT để kịp thời tháo gỡ, giải quyết các vướng mắc khó khăn trong phạm vi chức năng của Chính phủ, đồng thời sẽ có các đề xuất, kiến nghị với Trung ương Đảng, Quốc hội, bảo đảm tạo điều kiện tốt nhất để ngành GTVT thực hiện thắng lợi các mục tiêu và các nhiệm vụ của ngành”, Phó Thủ tướng khẳng định.