Chính phủ họp trực tuyến với các địa phương về công tác phòng, chống dịch Covid-19

Ngày 30/7, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình dịch Covid-19 và biện pháp, phương án thực hiện các giải pháp cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh có các đồng chí: Ngô Văn Tuấn, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, thành viên BCĐ phòng chống dịch Covid-19 tỉnh.

Các đồng chí: Ngô Văn Tuấn, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh.

Bộ Y tế nhận định, tại Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian tới số ca nhiễm sẽ có xu hướng "đi ngang”, sau đó giảm dần nhưng vẫn ở mức cao nếu tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg và thực hiện cách ly, phong tỏa nghiêm ngặt, giảm giao lưu, tiếp xúc, do dịch bệnh đã tồn tại trong cộng đồng, qua nhiều vòng lây nhiễm và lây lan đến nhiều địa điểm, khu vực trong thời gian dài.

Tại các tỉnh lân cận với Thành phố Hồ Chí Minh như Bình Dương, Long An có mô hình lây lan tương tự ở giai đoạn đầu. Số ca mắc mới sẽ tiếp tục gia tăng, tuy nhiên do áp dụng các biện pháp giãn cách sớm, dân số và mật độ dân cư không cao như Thành phố Hồ Chí Minh, do vậy diễn biến dịch bệnh sẽ giảm mức độ phức tạp. Tại các tỉnh khác tại khu vực phía Nam dịch bệnh sẽ tiếp tục gia tăng nhanh nếu không triển khai các biện pháp giãn cách, truy vết kịp thời, hiệu quả; cùng với đó là tình trạng quá tải của hệ thống y tế, nhân lực y tế phục vụ phòng, chống dịch, điều trị người bệnh.

Tại Hội nghị, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận về tình hình dịch bệnh; những nguyên nhân khách quan, chủ quan và bài học của thành công, chưa thành công trong công tác phòng, chống dịch bệnh; đánh giá về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, biện pháp đã áp dụng trong thời gian qua; phân tích, dự báo tình hình dịch và nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới...

Có nhiều vấn đề được các đại biểu đề cập như việc kiểm soát người dân di chuyển từ vùng dịch về các địa phương; vấn đề lưu thông hàng hóa giữa các địa phương, biện pháp phòng, chống dịch đối với lái xe; tổ chức và phòng, chống dịch cho lực lượng tình nguyện phòng, chống dịch; vấn đề phân bổ, tiêm vaccine theo thứ tự ưu tiên; phân loại, tổ chức điều trị hợp lý, hiệu quả điều trị bệnh nhân COVID-19; vấn đề huy động người dân vào cuộc mạnh mẽ hơn trong phòng, chống dịch...

Đặc biệt, các đại biểu tập trung thảo luận về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 và góp ý vào dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 30, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, để trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ sớm ban hành nghị quyết.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 này diễn biến hết sức phức tạp, số ca nhiễm tăng nhanh tại nhiều địa phương, nhất là các tỉnh phía Nam. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng, đồng tình của Nhân dân, công tác phòng, chống dịch đã đạt được những kết quả tích cực.

Thời gian vừa qua, Chính phủ đã tích cực, quyết liệt triển khai phòng, chống dịch với mục tiêu cao nhất bảo vệ sức khỏe Nhân dân, bên cạnh đó, nỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh tại một số nơi an toàn, đủ điều kiện. Tuy nhiên, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhất là biến chủng Delta bùng phát mạnh, lây lan nhanh và gây tử vong tại nhiều nước, kể cả các quốc gia đã đạt tỷ lệ tiêm chủng cao. Vì vậy, chúng ta phải xác định đây là căn bệnh thế kỷ, hiện chưa có thuốc chữa, cuộc chiến đấu này còn trường kỳ, kể cả có vắc xin cũng không được chủ quan.

Đặc biệt là tại TP Hồ Chí Minh, một số tỉnh phía Nam và miền Trung, Thủ tướng yêu cầu phải nhìn nhận vấn đề một cách thực chất, sát với tình hình thực tế, trên tinh thần "bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo" để có nhận thức, cách tiếp cận, giải pháp mới trong phòng, chống dịch cho phù hợp với tình hình. Đối với các tỉnh, Thủ tướng yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, bám sát vào thực tiễn, tình hình thực tế địa phương để linh hoạt phương án phòng, chống dịch phù hợp. Tuy nhiên, phải thực hiện nghiêm ngặt, công tác triển khai phòng, chống dịch, thực hiện giãn cách phải đi đôi với việc giám sát, kiểm tra thường xuyên, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Xác định mỗi cơ sở là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sỹ chống dịch bệnh.

Đ.H

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/50/155229/chinh-phu-hop-truc-tuyen-cong-tacphong,-chong-dich-covid-19.htm