Chính phủ khơi thông dòng vốn lớn, vực dậy doanh nghiệp
Đặt nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả lên hàng đầu, Chính phủ đồng thời đang thể hiện những bước đi quyết liệt trong khơi thông dòng vốn lớn, vực dậy doanh nghiệp cả trong và sau đại dịch nhằm mang lại nhịp tăng trưởng khả quan cho nền kinh tế.
“Hỏi” trách nhiệm người đứng đầu nếu không giải ngân đúng tiến độ
Ðể thích ứng với thời “chống dịch như chống giặc”, thông điệp “hành động nhanh và ngay” được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19, ngày 10/4/2020.
Sau Hội nghị, Chính phủ cùng với các bộ, ngành, địa phương không chỉ thống nhất tập trung triển khai nhiều gói hỗ trợ trong năm 2020 như: gói hỗ trợ về tiền tệ 300.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ về tài khóa 180.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ an sinh xã hội khoảng 62.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ giá điện khoảng 12.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ giá viễn thông 15.000 tỷ đồng…, mà còn thể hiện quyết tâm cao trong tạo ra sức bật mới cho tăng trưởng kinh tế. Sức bật đến từ việc khơi thông nhiều dòng vốn, đặc biệt là việc giải ngân hết lượng vốn đầu tư công gần 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD trong năm nay, đồng thời triển khai thêm nhiều gói hỗ trợ về tài khóa…
“Tinh thần là giải ngân hết số vốn còn lại của năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020 là khoảng 700.000 tỷ đồng, không để dồn vào cuối năm. Cần kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương không chịu giải ngân. Nếu đến tháng 9 không giải ngân được, thì báo cáo Quốc hội điều chuyển vốn, thành lập tổ công tác đặc biệt để kiểm tra vấn đề này…”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Liên quan đến “điểm nổ” giải ngân 30 tỷ USD vốn đầu tư công, để đảm bảo nền kinh tế nói chung, các dự án trọng điểm quốc gia hấp thụ nhanh lượng vốn này, ngay trước thềm Hội nghị diễn ra, Người đứng đầu Chính phủ đã có một loạt bước đi quyết liệt, sát sao.
Cụ thể, ngoài yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải phải lựa chọn các nhà thầu có đủ năng lực, bảo đảm chất lượng để khởi công toàn bộ 8 dự án cao tốc Bắc - Nam muộn nhất vào tháng 8/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc trực tiếp với lãnh đạo tỉnh Ðồng Nai để đôn đốc trong năm nay cố gắng giải ngân hết 17.000 tỷ đồng bố trí cho xây dựng Sân bay Long Thành.
Tuy đến nay mới giải ngân được 1.176,5 tỷ đồng (đạt hơn 10% dự toán được giao), nhưng tỉnh Ðồng Nai cam kết nỗ lực giải ngân hết số vốn mà Thủ tướng yêu cầu.
Là một trong những địa phương được giao lượng vốn đầu tư công năm nay lớn, phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Ðình Huệ cho biết, Thành ủy sẽ chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo để rà soát tất cả các điểm nghẽn nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn trong bối cảnh Thành phố có khoảng 37.000-40.000 tỷ đồng vốn đầu tư công cần giải ngân trong năm nay.
Tranh thủ mọi cơ hội để đất nước phát triển nhanh hơn
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đại dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại đối với các nền kinh tế trên thế giới, nhưng lại là cơ hội cho những nền kinh tế nếu biết tận dụng từ việc điều chỉnh, sắp xếp lại cục diện kinh tế, thương mại toàn cầu do dịch bệnh gây ra.
Do đó, việc chuẩn bị trước các kịch bản và dự kiến sớm các giải pháp để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch kết thúc là rất cần thiết.
Cũng theo Bộ trưởng, việc thực hiện quyết liệt, đầy đủ các giải pháp đã ban hành tại các nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nhằm duy trì được các hoạt động kinh tế, xã hội ở mức hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tác động của dịch sẽ gia tăng khả năng “bình phục” nhanh và “bứt phá” cho nền kinh tế sau khi dịch qua đi.
Ðồng thời, cần gia tăng mối quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế đối với Việt Nam như là một điểm đến đầu tư, kinh doanh an toàn, bền vững.
Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Nghị quyết yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tập trung hoàn thành các thủ tục để đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020 và giao chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2020 cho các dự án, phấn đấu hoàn thành trước 15 tháng 5 năm 2020.
Do số vốn cần phải giải ngân trong năm 2020 rất lớn (gần 700 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công, bao gồm cả số vốn thuộc các kế hoạch trước đây được chuyển nguồn thực hiện), nên dự thảo Nghị quyết yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung mọi giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân 100% vốn đầu tư đã định.
Theo đó, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, lấy kết quả giải ngân làm tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các chủ thể liên quan.
Một vấn đề quan trọng nữa là cần đánh giá các tác động của dịch tới các ngành, lĩnh vực, nền kinh tế đất nước; nghiên cứu và dự báo những xu thế, cơ hội và xác định những động lực mới cho tăng trưởng làm cơ sở đẩy nhanh việc cơ cấu lại nền kinh tế cho phù hợp với những chuyển dịch, cấu trúc mới, như nhu cầu phát triển và chuyển đổi số, nhu cầu về lao động, xu hướng đầu tư, xu hướng tiêu dùng…
Hình thành sớm các kịch bản “vực dậy” nền kinh tế, cụ thể hóa đến từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng khu vực doanh nghiệp trước khi dịch kết thúc để nền kinh tế sẵn sàng chuyển sang trạng thái hoạt động mới; đủ sức cạnh tranh, chủ động tham gia vào các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị mới được hình thành sau dịch.
Theo Bộ trưởng, cần tranh thủ nắm bắt, tận dụng mọi cơ hội để đất nước phát triển nhanh và bền vững không chỉ bằng mà phải hơn thời điểm trước khi dịch bùng phát.
Dồn sức vực các doanh nghiệp
Ghi nhận nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành trong việc khẩn trương triển khai các gói hỗ trợ về chính sách tiền tệ và tài khóa, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, cần gia tăng liều lượng chính sách, hướng đến việc hỗ trợ các doanh nghiệp mạnh mẽ và hiệu quả hơn.
Với gói chính sách tiền tệ 300.000 tỷ đồng, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành triển khai theo tinh thần không để doanh nghiệp thiếu vốn, tạo thuận lợi để doanh nghiệp tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất, tiếp tục giảm hơn nữa lãi suất cho vay, cả khoản vay hiện có và vay mới…
Liên quan đến chính sách tài khóa, để có dư địa cho thực hiện các chính sách giảm, miễn thuế, chứ không chỉ dừng lại ở giãn, hoãn thuế như hiện nay, việc giảm chi tiêu từ ngân sách nhà nước cần quyết liệt triển khai.
Ðể giảm được, lãnh đạo Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát, cắt giảm ít nhất 30% kinh phí hội nghị, công tác phí trong nước và 50% công tác phí nước ngoài (riêng các cơ quan Trung ương dự kiến tiết kiệm được khoảng 600-700 tỷ đồng).
Liên quan đến gia tăng liều lượng của chính sách tài khóa, đặc biệt là miễn, giảm thuế như trông đợi của nhiều doanh nghiệp, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, đang tính toán triển khai nhiều giải pháp. Ðầu tiên là thực hiện miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí, gồm: Thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng vật tư và thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19; điều chỉnh biểu thuế xuất nhập khẩu để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực da giày, dệt may, chế biến nông, lâm, sản, thủy sản, cơ khí, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp ô tô. Dự kiến việc điều chỉnh này sẽ giúp giảm nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp năm 2020 trên 6.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp tới để quyết định thực hiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ngay từ 1/7/2020.
Theo đó, dự kiến áp dụng thuế suất 15-17% tùy thuộc vào quy mô doanh thu và số lượng lao động của doanh nghiệp, đồng thời cho phép miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh.
Nếu thực hiện từ tháng 7/2020, thì dự kiến sẽ có khoảng 700.000 doanh nghiệp (chiếm khoảng 93% tổng số doanh nghiệp trong cả nước) được hưởng lợi, qua đó giảm nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước năm 2020 khoảng 7.800 tỷ đồng (cả năm là 15.600 nghìn tỷ đồng).